ĐỀN THỜ NỮ TƯỚNG LÊ CHÂN - KHU DI TÍCH NÚI VOI - AN LÃO - HẢI PHÒNG

06 01 2023

in trang

1. Lịch sử xây dựng Đền

Đền Hang tại chân dãy núi Voi, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng từ xa xưa đã là nơi thờ Nữ tướng Lê Chân – người đã có công cùng bà con trong vùng khai phá lập nên làng An Biên trong thời kỳ Đông Hán. 

Sau khi từ bỏ quê hương Quảng Ninh để tránh sự truy bức nạp làm tì thiếp của thái thú Tô Định, như chúng ta đã biết, Lê Chân đã đặt chân đến vùng đất Hải An chiêu mộ binh sỹ cùng họ khai khẩn cấy trồng, dựng thành một ấp đặt tên là trang An Biên (nội thành ngày nay). Chí lớn không dừng ở đó, bất bình vì tội ác do quân thù gây ra khiến đời sống của nhân dân lầm than, khổ cực, Lê Chân đã âm thầm chuẩn bị lực lượng, chờ ngày nổi dậy. Bà đã đến khu vực Núi Voi ngày nay, chiêu tập binh sỹ, tích cực luyện tập, tích trữ lương thảo, lợi dụng địa thế hiểm trở của núi rừng để che mắt giặc. Sau đó, nhận được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, từ vùng núi rừng An Lão, Lê Chân đã liên lạc và chính thức đem đội quân của mình tham gia khởi nghĩa.

Do có địa thế thành luỹ tốt, cùng với tài chỉ huy của vị nữ tướng tài ba, căn cứ Núi Voi đã nhanh chóng phát triển lực lượng, trong thời gian ngắn trở thành căn cứ quan trọng của khu vực Đông Bắc. Trong khoảng thời gian đó, vùng lân cận cũng có nhiều đội nghĩa binh, tiêu biểu như nghĩa quân của bà Trần Thị Trinh và con trai Ngũ Đạo ở Đại Điền, Tổng Thượng Câu huyện An Lão, (cách Núi Voi 6km), nghe tin danh thế của Lê Chân đã liên hệ với căn cứ Núi Voi và trở thành một bộ tướng dưới quyền bà.

Mặc dù sau này cuộc khởi nghĩa thất bại, nữ tướng Lê Chân phải tự vẫn để bảo toàn danh tiết tại vùng rừng núi Lạt Sơn - Hà Nam song nhân dân An Lão vẫn ghi nhớ công trạng và ân đức của bà nên sau khi nghe tin nữ tướng hy sinh, người dân trong vùng đã đưa Bà vào phối thờ trong chùa Hang. Vì thế chùa Hang còn có tên gọi khác là Đền Hang - điều đó thể hiện một sự kết hợp tuyệt vời giữa tôn giáo đạo Phật với tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc. Ngôi đền thờ bà Lê Chân có điện Phật cùng phối thờ bà ở trong hang. Trong đền còn lưu giữ sắc phong của vua Thành Thái phong nữ tướng là “Hoàng Bà long hội Đại vương trung đẳng thần”. Trên cơ sở đền Hang cũ, năm 2011 chính phủ đã cho phục dựng ngôi đền mới tưởng niệm Nữ tướng.

2. Giá trị kiến trúc - nghệ thuật

Đền thờ Nữ tướng Lê Chân tọa lạc trong khu vực đền Hang, nơi xưa kia thờ Phật, Tam tòa Thánh Mẫu, Đức Ông và Thánh Chân công chúa thuộc địa bàn xã An Tiến, huyện An Lão, trên một khuôn viên khép kín rộng hơn 4000m2. Đền chính có cấu trúc hình chữ Đinh với diện tích 190m2 gồm năm gian tiền tế và một gian hậu cung. Mặt trước của đền quay về hướng Nam nhìn thẳng ra Quốc lộ số 10, xa hơn là đồi núi nhấp nhô, mặt sau dựa vách núi tạo thế bền vững.

Ngôi đền được bao bọc bởi tường thành. Nghi môn là 4 cột trụ lớn, 2 cột trung tâm cao trên đỉnh là tử phụng đồng quy, 2 cột 2 bên thấp hơn một chút trên đỉnh là 2 con kì lân hướng vào trung tâm. Mặt ngoài tường nghi môn đắp nổi bạch mã bên trái, đại tượng bên phải.

Ngôi đền được bao bọc bởi tường thành. Nghi môn là 4 cột trụ lớn, 2 cột trung tâm cao trên đỉnh là tử phụng đồng quy, 2 cột 2 bên thấp hơn một chút trên đỉnh là 2 con kì lân hướng vào trung tâm. Mặt ngoài tường nghi môn đắp nổi bạch mã bên trái, đại tượng bên phải.

Tòa Tiền tế:

Tòa tiền tế là một tòa nhà 5 gian. Trên mái trang trí đề tài “rồng chầu phượng mớm”. Trung tâm mái là âm dương nhật. Hai bên bờ nóc là 2 đầu rồng ngậm bờ nóc hướng vào trung tâm. Phần góc mái đao được trang trí đôi chim phượng kẻ góc. Bên trong gian Tiền tế, vì kèo được kết cấu theo kiểu thuận chồng, mái đao theo kiểu “tiền tàu hậu bảy".

Chính giữa gian tiền tế là một bức đại tự lớn trên đề “Thượng đẳng tôn thần”. Bức đại tự được trang trí lưỡng long chầu nhật, phía dưới là cửa võng cũng được trang trí đề tài lưỡng long chầu nhật. Phía trước trung tâm gian thờ là hệ thống chấp kích. Phía sau chấp kích có một bàn thờ cổ hai bên là 2 bình cổ lớn. Trong cùng là ban thờ Nữ tướng Lê Chân, ban thờ được trang trí rồng phượng hết sức tỉ mỉ độc đáo. Trên ban thờ đặt một khám thờ lớn bên trong đặt bài vị chính là bài vị của Nữ tướng Lê Chân. Hai bên ban thờ là hai lọng che kế tiếp là hệ thống bát bửu. Gian bên trái tiền tế đặt kiệu võng, phía sau kiệu võng là ban thờ Hữu quan văn. Gian bên phải tiền tế đặt long đình tương ứng phía sau là ban thờ Tả quan văn.

Hậu cung hay còn gọi là gian cấm là một tòa nhà 3 gian. Gian chính giữa thờ nữ tướng Lê Chân. Thần tượng Nữ tướng uy nghi ngồi trên long ngai được đặt trong khám thờ. Khám thờ trang trí rồng phượng theo đề tài rồng chầu mặt nguyệt được sơn son thiếp vàng. Gian bên phải thờ thánh vương phụ tức phụ thân Nữ tướng, gian bên trái thờ thánh vương mẫu.

Bên ngoài sân phía trước cửa đặt một bàn thờ đá, phía trước trước là lư hương đá lớn, hai bên là 2 ngọn tháp đèn bằng đá. Hai bên thềm có đặt 2 con voi đá trong tư thế thủ phục. Mặt trước ban thờ đá trang trí đề tài long vân vũ hội. Hai bên sân là 2 tòa Giải vũ năm gian. Phía sau Đền trước chính là đền Hang xưa. Hang nhỏ nhưng quả là lộng lẫy, uy nghi. Hai bên có động Nam Tào, Bắc Đẩu, núi Xẻ Đầu, dưới tán cây Đại thụ từ sườn non cao toả rợp bóng sớm chiều.

 

Tứ phủ công đồng:

Tòa tử phủ là một tòa nhà 3 gian được xây dựng bê tông hóa. Trên mái cũng được trang trí đề tài “rồng chầu phượng mớm” biểu thị âm dương hài hòa. Trung tâm mái là âm dương nhật. Hai bên bờ nóc là 2 đầu rồng ngậm bờ nóc hướng vào trung tâm, mái đao được trang trí chim phượng kẻ góc. Chính giữa bên trên cửa đề bức hoành phi “Thánh mẫu linh từ”.

Trong tòa Tứ phủ, trung tâm gian giữa thờ Ngũ vị tôn ông, chính giữa gian là bức đại tự “Mẫu nghi thiên hạ”. Ngay tại bức đại tự 2 bên là hình tượng thanh xà, bạch xà. Gian trên trái thờ ông Hoàng Bảy, bên phải là ông Hoàng Mười.

Phía sau ban thờ Ngũ vị tôn ông là gian thờ Mẫu. Thần tượng của 3 vị chúa mẫu đặt trong khám thờ trang trí nổi bật với đề tài lưỡng long chầu nhật. Hai bên ban thờ là 2 lọng che. Bên phải là quan đệ tam, bên trái là chúa đệ nhất. Trên mái rủ xuống 3 nón mẫu màu sắc tương ứng với các vị mẫu. Bên phải là quan đệ tam, bên trái là chúa đệ nhất. Trên mái rủ xuống 3 nón mẫu màu sắc tương ứng với các vị mẫu.

Bên phải gian thờ mẫu là gian thờ Đức Thánh Trần. Ban thờ đặt thần tượng tam vị đức ông triều Trần. Bên trái gian thờ mẫu là Cung sơn trang. Gian thờ chỉ gồm một ban thờ, gian thờ không được mô phỏng núi non sơn cước như các di tích khác. Trên ban thờ thờ 3 vị sơn trang. Ngoài ra trong Tứ phủ còn đặt một cặp hồng bạch mã. Bên phải là hồng mã, bên trái là bạch mã.


Đông đảo nhân dân về dự, dâng hương tại đền thờ Nữ tướng Lê Chân tại Khu du tích Núi Voi (An Lão) trong ngày khánh thành


 

 


Đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành thành phố và huyện An Lão cắt băng khánh thành đền thờ Nữ tướng Lê Chân tại Khu di tích Núi Voi (An Lão)


Công trình tu bổ, tôn tạo đền thờ Nữ tướng Lê Chân được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu thăm viếng của nhân dân và du khách đồng thời góp phần gìn giữ những giá trị của di tích cho các thế hệ sau.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke