Xây dựng “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

04 07 2024

in trang

Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã tạo lập, sử dụng nhiều trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài để tán phát các bài viết có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện có khoảng 5.800 trang mạng, 6.000 website, mạng xã hội, blog, diễn đàn trao đổi có nội dung xấu, độc, xuyên tạc, tuyên truyền chống phá Việt Nam, như: “Việt Tân”, “Tin tức hàng ngày”, “Bồ câu đen”, “Chân trời mới media”... đăng tải, tán phát các thông tin sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, gây mâu thuẫn nội bộ, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.

Các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng blog, nhật ký web (một dạng nhật ký trực tuyến), chứa các siêu liên kết, hình ảnh để “bẫy” người tham gia truy cập và xem nội dung bài viết có nội dung xấu, độc, xuyên tạc, sai sự thật; lập tài khoản Facebook, fanpage, group, kênh YouTube có nội dung chống phá, xuyên tạc theo thời điểm diễn ra sự kiện chính trị quan trọng hoặc tình huống “nóng”, “nhạy cảm” ở Việt Nam.

Đồng thời, sử dụng tên, hình ảnh, biểu tượng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thu hút dư luận, đăng tải tin, bài lan truyền thông tin xấu, độc, sai sự thật kích động gây chia rẽ nội bộ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng sử dụng các website, như: “doithoai.com”, “viettan.org” hay các trang mạng xã hội, blog cá nhân... để đăng tải các tin, bài có nội dung xuyên tạc, kích động, tạo dư luận xấu, làm cho người đọc có cách nhìn tiêu cực về mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam.

Để thực hiện mục đích này, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, sự kiện, thậm chí tổ chức phỏng vấn, hội luận với các đối tượng phản động ở trong nước; đồng thời, cổ vũ, khích lệ cái gọi là “phong trào, lực lượng dân chủ ở Việt Nam”. Chúng còn sử dụng thủ đoạn tung tin thất thiệt, tạo dựng dư luận nhằm đả kích, phủ định quan điểm, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội; công khai phê phán, công kích Nhà nước Việt Nam; triệt để khai thác các sự kiện phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến đời tư các đồng chí lãnh đạo, các vụ án, vụ việc liên quan đến sai phạm, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí có vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương để tập trung xuyên tạc tình hình nội bộ, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyên địa phương; xuyên tạc nội bộ Đảng mâu thuẫn, bè phái; tung tin chia rẽ giữa lực lượng Công an và Quân đội, chia rẽ lực lượng vũ trang với chính quyền các cấp…

Chúng liên tục mở những chiến dịch tán phát trên không gian mạng các quan điểm sai trái, thù địch, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng; xuyên tạc chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; phủ nhận thành tựu công cuộc đối mới. Chúng liên tục sử dụng các trang mạng xã hội, Facebook, blog... để tung ra “điệp khúc” phê phán Đảng ta là độc đảng, là độc tài, độc đoán, là thủ tiêu dân chủ, thủ tiêu động lực phát triển của đất nước, với những dẫn chứng cụ thể, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, làm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng dễ tin tưởng. 

Việc các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch hòng phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một âm mưu thâm độc, không có gì mới, nhưng nó được lặp đi, lặp lại nhiều lần kiểu “mưa dầm, thấm lâu” và được thực hiện một cách bài bản, công phu sẽ có những tác  động nhất định đến tư tưởng quần chúng và dư luận xã hội.

Dù không đạt được mục tiêu làm thay đổi định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng, niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhưng với các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, ít nhiều các thế lực thù địch đã gây ra sự phân tâm trong một số cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vì thiếu thông tin và hiểu biết, đã suy giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Trước những âm mưu, thủ đoạn và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng thì vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quần chúng nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, trên không gian mạng nói riêng là vô cùng quan trọng. “Thế trận lòng dân” là dựa vào nhân dân, được nhân dân ủng hộ, che chở, giúp đỡ; huy động và khai thác tiềm lực to lớn từ nhân dân, sức mạnh vô địch của nhân dân, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong thời bình và khi xảy ra chiến tranh. Như vậy, “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng là thế trận được tạo ra thông qua cách thức khơi dậy, phát huy lòng yêu nước, niềm tin của dân, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tạo thành nền tảng tư tưởng, chính trị, tinh thần vững chắc, sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; tạo thế phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, triệt tiêu các nguy cơ đe dọa gây hại đến lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng ở trạng thái chủ động. 

Xây dựng “Thế trận lòng dân” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, được vận dụng linh hoạt trong thực tiễn, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Do đó, để chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, Đảng, Nhà nước cùng các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng, phát huy “Thế trận lòng dân”; xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để khai thác vai trò của không gian mạng trong phát triển, nâng cao vị thế chính trị, kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Với nhiều chính sách quan trọng, Nhà nước đã có sự đầu tư thích đáng tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt cho các địa phương trên cả nước thích ứng nhanh, phù hợp với chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chỉnh trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhờ đó, đời sống của đông đảo quần chúng nhân dân được cải thiện, dân chủ xã hội được phát huy, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và lực lượng vũ trang được tăng cường, nhất là trong những thời điểm cả nước phải chung vai, sát cánh chống dịch Covid-19.

Các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng những việc làm thiết thực, cụ thể đã trực tiếp tham mưu, phối hợp trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi cơ cấu các ngành, nghề theo sự thích ứng, phát triển của kinh tế số; bảo đảm an ninh, an toàn, quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng nhân dân. Cùng với đó, đã phối hợp thường xuyên tuyên truyền huy động sức mạnh quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; kịp thời phát hiện và xử lý những vụ việc sử dụng không gian mạng gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Những việc làm trên đã góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng “Thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Theo: Cửa Biển
 

Đoàn khối các cơ quan thành phố

Thong ke