VĂN HOÁ ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

17 11 2023

in trang

VĂN HÓA ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra rất nhanh chóng, với sự phát triển siêu tốc của Internet, mạng xã hội, làm cho “thế giới phẳng” tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Mạng xã hội cũng dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Cùng với đó, văn hoá ứng xử trên không gian mạng cũng trở thành một trong những vấn đề luôn được quan tâm từ lâu. 

Vậy thế nào là văn hóa ứng xử? Thế nào là văn hóa ứng xử trên không gian mạng? Văn hóa ứng xử được hiểu là tập hợp các quy tắc, giá trị, thói quen và nghi lễ của một nhóm hay một xã hội trong cách họ ứng xử với nhau và với người khác. Những điều này được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành vi, tốc độ xử lý vấn đề hay tính cách, trình độ của một con người. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội là những quy chuẩn về thái độ, hành vi xử sự đặt ra đối với người dùng mạng xã hội để đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục của dân tộc, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể khác. 

Việt Nam có dân số hơn 99 triệu người, trong đó, tỷ lệ người sử dụng internet chiếm hơn 78% (đứng thứ 13 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet), Số người dùng internet truy cập bằng điện thoại thông minh là 95,8%. Theo kết quả khảo sát của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Trong khi đó, chỉ 36% trẻ em (hầu hết là trẻ lớn hơn, độ tuổi 16-17) được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng. Các mạng xã hội được người dùng Việt Nam sử dụng phổ biến là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram..., nhiều nhất là mạng xã hội Facebook với hơn 66 triệu người dùng (đứng thứ 7 thế giới). Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người. Có thể thấy, phạm vi tiếp cận rộng rãi và những lợi ích to lớn và mà mạng xã hội đem lại. 

Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhoà ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức cho người dùng như mất tương tác trực tiếp giữa con người, hoạt động sống suy giảm, xâm nhập lừa đảo, bảo mật thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến tâm lý, trầm cảm, giảm sáng tạo, đặc biệt là tăng nguy cơ tiếp cận với thông tin xấu, độc, không lành mạnh. Theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét dẫn đến có những lối ứng xử vô văn hóa của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, thể hiện tập trung ở những hành vi: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%). Đặc biệt, Mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chuyển hóa chính trị, khủng bố. 

Thực trạng đáng buồn trên là được tạo nên bởi rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, xuất phát từ ý thức sử dụng mạng xã hội của con người, một số người có cái tôi quá cao, họ luôn cho rằng mình đúng, không chịu lắng nghe, đóng góp ý kiến mà sẵn sàng lao vào cãi nhau, chửi nhau để bảo vệ quan điểm của mình. Ngoài ra, ảnh hưởng của giáo dục, môi trường sống, gia đình, khiến cho một bộ phận người dùng chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại của việc phát ngôn không đúng mực trên mạng; đôi khi thiếu kiến thức dẫn đến việc không phân biệt được tin thật, tin giả, dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ, lợi dụng làm việc xấu. Không chỉ vậy, các nhà mạng chưa kiểm soát hết các thông tin được đăng tải để tránh gây hiểu lầm trên không gian mạng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã từng nói: “Làm thế nào để khắc phục, nếu trên mạng xã hội tìm thông tin tiêu cực thì nó cứ đến, nhưng làm thế nào để thông tin tích cực trở thành xu hướng chủ đạo”.  Tức là "Làm thế nào để những thông tin tích cực, những câu chuyện đẹp "pha loãng" những thông tin độc hại, vô căn cứ". Để không gian mạng trở nên tốt lành, thân thiện, mỗi cá nhân cần tự ý thức được hành vi ứng xử của mình trên mạng xã hội:

Một là, mạng xã hội có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó người dùng phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội. Nghiêm chỉnh tuân thủ quy tắc 5K khi sử dụng mạng xã hội: Không tin ngay, Không vội bấm like, Không thêm thắt, Không kích động, Không vội chia sẻ.

Hai là, Cần nhận thức các thủ đoạn trái tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch bằng cách thường xuyên cập nhật tin tức chính thống. Trau dồi một số kĩ năng phản bác luận điệu, tư duy phản biện cơ bản như report bài viết, bình luận phản bác.

Ba là, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “Lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”. Cứ như thế, mỗi người mỗi ngày một tin tốt thì những thông tin xấu độc không còn nhiều cơ hội để tiếp cận với người dùng, môi trường không gian mạng của chúng ta không những sạch mà còn tích cực hơn rất nhiều.

Bốn là, các nhà mạng cũng nên siết chặt quản lý nội dung đăng tải để tránh tin giả, tin sai sự thật lan truyền trên mạng.

Mạng xã hội thực sự là một bộ phận quan trọng trong “hệ sinh thái mới”, mang đến cho con người những lợi ích không hề nhỏ; Thế giới số, mạng xã hội có thể là ảo nhưng tác động của nó là thật. Tuy nhiên, mỗi chúng ta hãy tự bảo vệ mình, đừng tự biến mình trở thành công cụ bị "nó" thao túng, điều khiển. Hãy trở thành người dùng mạng tỉnh táo, thông thái và cùng cộng đồng chung tay xây dựng, bảo vệ văn hoá ứng xử trên không gian mạng ngày càng tiến bộ, văn minh.

Cửa Biển

Admin

Thong ke