TỌA ĐÀM “ỨNG DỤNG MỘT SỐ PHƯƠNG THUỐC CỔ TRUYỀN VÀO TRONG TRỊ LIỆU VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE” - Tháng Thanh Niên 2024

24 03 2024

in trang

Ngày 10 tháng 3 năm 2024, trong không chí cả nước tiến tới chào mừng kỷ niệm 93 Năm Ngày Thành Lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024),  Đoàn thanh Niên Hội Sinh Viên Trường tổ chức toạ đàm ỨNG DỤNG MỘT SỐ PHƯƠNG THUỐC CỔ TRUYỀN VÀO TRONG TRỊ LIỆU VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE nhằm phát huy tính sáng tạo của các bạn đoàn viên, sinh viên Khoa Y học Cổ Truyền trong ứng dụng y học giúp nâng cao sức khoẻ người dân.

Trong chương trình, bạn Nguyễn Diệp Anh - Chi đoàn Y Học Cổ Truyền K6 đại diện nhóm báo cáo trong toạ đàm.

Y học cổ truyền Việt Nam là một nền y học lâm sàng đã được hình thành và phát triển qua rất nhiều thế hệ. Từ thời kỳ dựng nước của Vua Hùng, ông cha ta đã biết ăn gừng, riềng, tỏi,…để chữa bệnh, ăn trầu để làm ấm cơ thể, đến thời kỳ độc lập giữa các triều đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, thời Hậu Lê, nhà Nguyễn,…cũng đã biết trồng trọt, sử dụng các loài cây dược liệu trong phòng và chữa bệnh nhiều loại bệnh. Ngày nay, bên cạnh Y học hiện đại thì Y học cổ truyền cũng rất phát triển và có nhiều phương pháp chữa bệnh vô cùng hiệu quả. Trong đó, tại buổi Tọa đàm, chúng tôi đã đề cập tới 3 phương pháp: Ngâm chân thảo mộc, Xoa bóp, Nhĩ châm.

1. Ngâm chân thảo mộc:

Theo quan niệm của người xưa, bàn chân được coi là trái tim thứ hai của cơ thể vì nó chứa rất nhiều huyệt đạo quan trọng của cơ thể. Ngâm chân giúp điều hòa khí huyết, kích thích tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, giúp người ngâm giảm stress, thư giãn tinh thần, đẩy lùi tình trạng mệt mỏi và có giấc ngủ ngon hơn. Chúng ta có thể ngâm chân với có nguyên liệu sẵn có như nước ấm, gừng, ngải cứu,… hoặc ngâm với bột ngâm chân làm từ các thành phần dược liệu như: gừng, vỏ quế, xuyên khung,…

2. Xoa bóp:

Xoa bóp, bấm huyệt là những phương pháp trị liệu bằng tay, người bấm huyệt sẽ dùng tay tác động lên các huyệt, da thịt và gân khớp của người bệnh. Các tác động vật lý đó sẽ kích thích vào hệ thần kinh tạo nên những thay đổi của thể dịch, nội tiết giúp nâng cao năng lực hoạt động của lục phủ ngũ tạng và nâng cao quá trình dinh dưỡng của cơ thể. Theo Y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt tác động vào các huyệt, kinh lạc, có thể đuổi được ngoại tà, điều hòa được dinh vệ, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ. Trong các bệnh cơ xương khớp, xoa bóp có tác dụng giúp giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó do các bệnh về gân, khớp, dây chằng, giúp tăng tính linh hoạt của khớp và cải thiện vận động cho người bệnh. Ngoài ra trong các bệnh về thần kinh, xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh ở dưới da, tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh, từ đó có tác dụng điều hòa thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau.

3. Nhĩ châm:

Nhĩ châm - châm cứu ở loa tai là một trong những phương pháp châm cứu độc đáo của Y học cổ truyền và được ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh lý. Khi Nhĩ châm, người thầy thuốc sẽ dùng những miếng dán nhỏ đính hạt một loại hạt đen, tròn, nhỏ gọi là Vương bất lưu hành để dán lên huyệt vị ở tai, từ đó có thể tác động lên huyệt liên tục mà không xâm lấn, hiệu quả tốt, thậm chí người bệnh có thể tự thực hiện một cách thuận tiện, dễ dàng. Các điểm huyệt được châm vào nhờ nhĩ châm có thể kích thích hệ thống thần kinh và tuần hoàn máu, từ đó giúp cải thiện cảm giác và tình trạng sức khỏe chung. Nhĩ châm được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó bao gồm mất ngủ.

Trong khuôn khổ toạ đàm, trực tiếp nhóm báo cáo đã thao tác trực tiếp cho các bạn đoàn sinh, sinh viên nhà trường trải nghiệm các phương pháp này với sự đánh giá hiệu quả cao giúp nâng cao sức khoẻ. Các bài báo cáo của các bạn đoàn viên, sinh viên được các thầy cô giáo cùng Đoàn Thanh Niên - Hội Sinh Viên Trường đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo và kết quả triển khai trong thực tiễn của các bạn đoàn viên, sinh viên Khoa Y Học Cổ Truyền. 

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại Học Y Dược Hải Phòng

Thong ke