SỰ QUAN NGẠI KHÔNG ĐÁNG CÓ

11 05 2024

in trang

Trên VOA Tiếng Việt vừa phát đi bản tài liệu cho rằng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về việc những người thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam bị kết án, bao gồm 5 bản án kể từ tháng 1-2024 đến nay… Qua bản tài liệu này cho thấy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thiếu thiện chí, hiểu chưa đúng quan điểm, chính sách của Việt Nam về quyền con người. Đây là một sự quan ngại không đáng có.

Trước hết cần phải khẳng định rằng, 5 bản án kể từ tháng 1-2024 đến nay mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề cập không phải là những bản án dành cho những người thúc đẩy nhân quyền theo đúng nghĩa. Việt Nam không bao giờ khởi tố, điều tra, đưa ra xét xử với những người có những hành động vì nhân quyền một cách chân chính. Những đối tượng mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói tới thực chất họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam với các tội danh: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Điều 117 và tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 109 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”. Các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam chỉ khởi tố, bắt giữ, điều tra, đưa ra xét xử những đối tượng vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân khi hướng đến vì mục tiêu thúc đẩy nhân quyền chân chính. Nhưng cũng như mọi quốc gia trên thế giới Việt Nam kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng và Nhà nước.

Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền là rất rõ ràng. Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

Từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, bị vi phạm lớn nhất quyền con người, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ rằng, quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Việt Nam cho rằng, cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong một tổng thể hài hòa, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người.

Chính phủ Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng, không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại... với nước khác.

Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia... đang hàng ngày, hàng giờ đe doạ hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.

Các quan điểm nêu trên của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng. Không phải ngẫu nhiêm mà Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Kết quả này đã cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Xuất phát từ chủ trương không ngừng phát triển quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất. Quyền con người, một khi đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, sẽ trở thành ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội tuân thủ và được pháp luật bảo vệ.

Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và năm 2013. Hiến pháp Việt Nam năm 2013, văn kiện pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng và toàn diện các quyền con người và nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, mục của Hiến pháp. Các quyền con người quy định trong Hiến pháp đã không ngừng được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy của Việt Nam. Chỉ tính từ năm 1986 (bắt đầu sự nghiệp đổi mới) đến nay, Việt Nam đã ban hành hàng chục ngàn văn bản pháp luật các loại, trong đó có rất nhiều bộ luật và luật, hàng trăm pháp lệnh, văn bản của Chính phủ và hàng ngàn văn bản pháp quy của các bộ, ngành đã được thông qua và thực thi.

Thực tế chứng minh, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Đến nay, ở Việt Nam, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế… Điều này đã khẳng định những tiến bộ vượt bậc và những cố gắng rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Và càng khẳng định sự quan ngại của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là không đáng có.

 

Đoàn TNCS Khu Kinh Tế Hải Phòng

Thong ke