Quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ trong trường hợp nào?

09 11 2023

in trang

Quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ trong trường hợp nào?

 

(Chinhphu.vn) - Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội về thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định các trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

Cụ thể, quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nội dung trái với quy định của pháp luật, thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội;

b) Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục thông qua văn bản của cộng đồng dân cư theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư đối với trường hợp quy định tại (a) nêu trên. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Ủy ban  nhân dân cấp xã quyết định bãi bỏ hoặc đề nghị cộng đồng dân cư sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp đối với trường hợp quy định tại (b) nêu trên. 

Quyết định bãi bỏ hoặc văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quyết định của cộng đồng dân cư phải được Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến Nhân dân và được gửi đồng thời đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Cộng đồng dân cư tự mình quyết định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của mình theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã theo trình tự thủ tục quy định.

 Trách nhiệm trong việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư

Ủy ban nhân dân cấp xã có kế hoạch tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư thuộc phạm vi cấp xã; kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư thuộc phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố.

Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã tại kỳ họp gần nhất, đồng thời gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để giám sát.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm công khai kết quả biểu quyết hoặc kết quả tổng hợp phiếu lấy ý kiến của Nhân dân tại thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố; báo cáo kết quả thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư đến Nhân dân ở thôn, tổ dân phố và đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện các nội dung Nhân dân bàn và quyết định.

Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư, việc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; việc biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố; quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bàn, quyết định các nội dung, công việc ở cơ sở

 Công dân, hộ gia đình tích cực quan tâm đến công việc của cộng đồng dân cư; có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện hộ gia đình tham gia họp bàn, thảo luận, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố, trong địa bàn cấp xã; thực hiện nghiêm túc các nội dung thuộc trách nhiệm đã được cộng đồng dân cư quyết định.

Đại diện hộ gia đình có trách nhiệm tham dự các cuộc họp của cộng đồng dân cư; tập hợp, nắm bắt ý kiến chung của các thành viên hộ gia đình để phản ánh, tham gia thảo luận tại cuộc họp hoặc thể hiện trên phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; phổ biến, truyền đạt lại cho các thành viên hộ gia đình về kết quả bàn, thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư. Trường hợp thành viên hộ gia đình có ý kiến khác với ý kiến của đại diện hộ gia đình thì được đăng ký tham dự cuộc họp của cộng đồng dân cư để thể hiện ý kiến, quan điểm của mình tại cuộc họp.

 Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có trách nhiệm tích cực, gương mẫu tham gia bàn và quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố, trong địa bàn cấp xã; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền, hướng dẫn, vận động gia đình và các thành viên trong cộng đồng thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư.

Trường hợp nhận thấy quyết định của cộng đồng dân cư không bảo đảm trình tự, thủ tục hoặc có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội thì công dân có quyền kiến nghị, phản ánh đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Thanh tra nhân dân.

 

Admin

Thong ke