Quyền con người và luật nhân quyền quốc tế

07 11 2023

in trang

Quyền con người

Quyền con người (tiếng Anh: Human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.

Bên cạnh định nghĩa kể trên, một định nghĩa khác cũng thường được trích dẫn, theo đó, quyền con người là những sự được phép mà tất cả thành viên của cộng đồng nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội... đều có ngay từ khi sinh ra, đơn giản chỉ vì họ là con người. Định nghĩa này mang dấu ấn của học thuyết về các quyền tự nhiên.

Còn ở Việt Nam, khái niệm về quyền con người có lẽ quen thuộc và dễ hiểu hơn cả là trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Như vậy, nhìn ở góc độ nào và ở cấp độ nào thì quyền con người cũng được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại, chỉ áp dụng với con người, cho tất cả mọi người. Nhờ có những chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người. Cho dù cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, một điều rõ ràng là quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử. Trong một cuộc khảo sát gần đây do CNN-một trong các cơ quan truyền thông nổi tiếng nhất thế giới-tiến hành, quyền con người được xem là một trong mười phát minh làm thay đổi thế giới.

Luật nhân quyền quốc tế

Hiện nay, có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau về luật nhân quyền quốc tế, tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, có thể hiểu đây là một hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn và tập quán pháp lý quốc tế xác lập, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản cho mọi thành viên của cộng đồng nhân loại.

Về mặt hình thức, luật nhân quyền quốc tế chủ yếu được thể hiện trong hàng trăm văn kiện pháp lý quốc tế về vấn đề này, kể cả những văn kiện mang tính ràng buộc (các công ước, nghị định thư) và các văn kiện không mang tính ràng buộc (các tuyên bố, tuyên ngôn, khuyến nghị, hướng dẫn...), trong đó, bao gồm cả các văn kiện có hiệu lực toàn cầu và khu vực.

Luật nhân quyền quốc tế là một ngành luật nằm trong hệ thống luật quốc tế chung (hay còn gọi là công pháp quốc tế) cùng với các ngành luật quốc tế khác như luật nhân đạo quốc tế, luật hình sự quốc tế, luật biển quốc tế, luật hàng không quốc tế, luật ngoại giao và lãnh sự, luật tổ chức quốc tế…

Kể từ khi được pháp điển hóa, luật nhân quyền quốc tế đang làm thay đổi quan niệm truyền thống về tính bất khả xâm phạm về phương diện đối nội của chủ quyền quốc gia trong luật quốc tế. Trong luật quốc tế trước đây, về phương diện đối nội, chủ quyền quốc gia được hiểu là quyền toàn vẹn và bất khả xâm phạm của các nhà nước được tự do hành động trong đối xử với công dân và xử lý các công việc nội bộ của nước mình. Tuy nhiên, với sự ra đời của luật nhân quyền quốc tế, quan niệm này đã và đang thay đổi. Hiện nay, mặc dù các nhà nước vẫn có vai trò đầu tiên và quan trọng  hàng đầu trong việc xử lý các vấn đề nội bộ của nước mình, song trong nhiều bối cảnh, quyền hành động của các nhà nước với công dân của nước mình không còn được coi là quyền tuyệt đối nữa. Nói cách khác, với sự ra đời của luật nhân quyền quốc tế, các nhà nước đã và đang phải chịu những ràng buộc và giới hạn nhất định trong việc đối xử với công dân của nước mình, mà thể hiện ở việc phải tôn trọng những tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người mà mình đã tự nguyện tuân thủ (qua việc tham gia các điều ước quốc tế về vấn đề này) và buộc phải tuân thủ (các tập quán quốc tế về quyền con người).

Trong công cuộc Đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm. Vì vậy, Việt Nam xác định, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của nhà nước Việt Nam. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh cụ thể của đất nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.

Admin

Thong ke