Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm
10 01 2024
in trang
TCCS – Ngày 25-10-2024, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học: “Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30-10-1949 - 30-10-2024), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024). Sau khi Việt Nam giành được độc lập vào ngày 2-9-1945, Việt Nam và Lào tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Để bảo vệ độc lập của mỗi nước và tiếp tục củng cố quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, ngày 16-10-1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ítxala đã ký “Hiệp ước tương trợ Lào - Việt”. Tiếp đó, ngày 30-10-1945, Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam ký “Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt”. Đây là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước hợp tác, đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập của mỗi nước vừa giành được.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, cách đây 75 năm, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: Các lực lượng quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào tổ chức theo hệ thống riêng của Quân đội Việt Nam và mang danh nghĩa là Quân tình nguyện. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, phát huy truyền thống của quân đội cách mạng, chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã “kề vai sát cánh”, “chung lưng đấu cật”, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nước bạn Lào chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Những cống hiến, hy sinh to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trực tiếp củng cố và xây đắp nên truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam - một biểu tượng đoàn kết quốc tế vô sản, mẫu mực có một không hai trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, khi thực dân Pháp mở rộng xâm lược Lào, Đảng ta đã quyết định huy động lực lượng Việt kiều ở Lào và Thái Lan thành lập các đơn vị Việt kiều giải phóng quân phối hợp với các đơn vị Lào Ítxala chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị xã, thị trấn. Trận chiến đấu bảo vệ thị xã Thà Khẹc năm 1946 dưới sự chỉ huy của Hoàng thân Xuphanuvông là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu liên quân Lào - Việt trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đến những năm 1948 - 1949, nhiều liên khu của Việt Nam đã có chủ trương giúp Lào bằng những hoạt động thiết thực như giúp Liên khu 4 thành lập Ban Cán sự Trung Lào và sử dụng lực lượng vũ trang phối hợp với bạn chiến đấu đánh địch trên Đường 7, Tây Nghệ An, Sầm Nưa, Tây Thanh Hóa, giúp Liên khu 5 xây dựng căn cứ kháng chiến và phát triển phong trào cách mạng ở Hạ Lào và Liên khu 10 (nay là Quân khu 2) chỉ đạo Ban Xung phong Lào Bắc xây dựng cơ sở cách mạng ở Bắc Lào...
Từ những đơn vị hoạt động phân tán nhỏ lẻ (tổ, đội), Quân Tình nguyện Việt Nam phát triển thành các đơn vị độc lập quy mô đại đội, tiểu đoàn và đoàn (tương đương trung đoàn), gồm các đoàn: 80, 81, 82 và 83 ở Thượng Lào, Đoàn 280 ở Trung Lào và các đại đội, tiểu đoàn hoạt động ở Hạ Lào. Những hoạt động của Quân tình nguyện đã giúp Lào phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ kháng chiến, phối hợp chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt địch trong nhiều chiến dịch như Thượng Lào (1953), Trung Lào (1953 - 1954), Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (1954), Thượng Lào (1954). Những thắng lợi của liên quân Việt Nam - Lào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào và thắng lợi vẻ vang của nhân dân ba nước Đông Dương.
Tham luận tại hội thảo, đồng chí Khămphâu Ânthạvăn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng cơ sở quần chúng, bảo vệ, mở rộng căn cứ kháng chiến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Trong những năm đầu kháng chiến (1954 - 1957), được sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự 100, quân và dân Lào đẩy mạnh vận động nhân dân, củng cố chính quyền, xây dựng hệ thống khu chiến đấu ở hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phông Xa Lỳ, góp phần làm thất bại âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng cách mạng của địch. Từ năm 1959 - 1961, Đoàn chuyên gia quân sự 959 và các đơn vị thuộc Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc của Việt Nam giúp Lào nhanh chóng khôi phục, mở rộng căn cứ kháng chiến, chiếm 2/3 diện tích nước Lào, góp phần buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới ký Hiệp định Giơnevơ về Lào năm 1962. Trong những năm sau đó, nhất là giai đoạn 1973 - 1975, cùng với việc giúp Lào xây dựng cơ sở quần chúng, củng cố căn cứ kháng chiến, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng lực lượng vũ trang, với nòng cốt là Quân giải phóng nhân dân Lào, ngày càng trưởng thành, tạo tiền đề vững chắc cho cách mạng Lào tiến lên giành những thắng lợi quân sự trên chiến trường và giành được chính quyền vào năm 1975.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, Chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện Việt Nam cùng các lực lượng của Lào chú trọng xây dựng, cùng cố chính quyền cơ sở, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhất là lực lượng vũ trang địa phương, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh. Nhờ đó, tình hình trật tự, an ninh của Lào dần ổn định, các lực lượng cách mạng Lào từng bước trường thành, tự đảm đương nhiệm vụ, làm chủ tình hình vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX.
Thời điểm đó, căn cứ vào tình hình chính trị ở Lào đã có bước phát triển ổn định, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào thống nhất rút dần Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào về nước. Đầu tháng 1-1989, quá trình rút Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào được hoàn thành.
Theo PGS, TS Nguyễn Đình Lê, Đảng đã phát huy sức mạnh nội lực của quần chúng cách mạng hai nước, phối hợp đấu tranh thắng lợi mọi thế lực ngoại xâm, nội phản. Đảng (bao hàm Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia và sau đó là Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào) của nhân dân Lào - Việt đã có chiến lược cách mạng đúng đắn, kêu gọi đoàn kết quần chúng hai nước, tạo sức mạnh tổng hợp, đưa phong trào từng bước phát triển, cuối cùng tiến lên giành thắng lợi. Bên cạnh đó, chính tinh thần quốc tế cao cả đưa nhân dân hai nước quyết chiến, quyết thắng thực dân, đế quốc. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, nhân dân hai nước đoàn kết với nhiều quốc gia, dân tộc, nhưng chính Đảng hai nước đã xây dựng được quan hệ đặc biệt chưa từng có trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhờ tinh thần đoàn kết cao cả đó, nhân dân hai nước luôn thấu hiểu, đùm bọc nhau; lại có dãy Trường sơn che chắn nên hai nước có đủ các yếu tố cần và đủ để đánh giặc, giải phóng Tổ quốc. Sự hy sinh to lớn của nhân dân, quân đội hai nước đã làm nên thắng lợi vẻ vang của Lào - Việt.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đại sứ quán, Tùy viên quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Khoa học - Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng Lào; lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, các cục, tổng cục, Bộ đội Biên phòng, binh đoàn, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội... Mỗi báo cáo, tham luận là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, có giá trị lịch sử và khoa học, luận giải và làm rõ hơn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, được thể hiện nổi bật ở một số nội dung chính sau:
Một là, khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo trong quan điểm, đường lối quốc tế vô sản của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về giúp cách mạng Lào.
Hai là, tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng về việc thành lập Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam giúp cách mạng Lào.
Ba là, khẳng định và làm sâu sắc thêm vai trò lực lượng nòng cốt của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đoàn kết cùng quân và dân Lào chiến đấu, lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Lào.
Bốn là, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trong góp phần xây đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, để lại những bài học kinh nghiệm lịch sử sâu sắc, quý giá.
Năm là, kế thừa và phát huy truyền thống, cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội thảo khoa học hôm nay là dịp để nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về lịch sử, những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước để giành được thắng lợi. Qua đó, quyết tâm gìn giữ, củng cố và phát huy sức mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định, bổ sung tư liệu lịch sử, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng; bồi đắp và phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả cho thế hệ hôm nay và mai sau; đúc rút kinh nghiệm và bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới./.
Admin
- Quận đoàn Hồng Bàng
- Quận đoàn Lê Chân
- Quận đoàn Ngô Quyền
- Quận đoàn Dương Kinh
- Quận đoàn Hải An
- Quận đoàn Kiến An
- Quận đoàn Đồ Sơn
- Huyện đoàn Thủy Nguyên
- Huyện đoàn Tiên Lãng
- Huyện đoàn An Dương
- Huyện đoàn Cát Hải
- Huyện đoàn Vĩnh Bảo
- Huyện đoàn An Lão
- Huyện đoàn Bạch Long Vĩ
- Huyện đoàn Kiến Thụy
- Đoàn Thanh niên Công an thành phố
- Đoàn Thanh niên Bộ đội biên phòng
- Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Cảng Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên Xăng dầu khu vực III
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Vận tải biển
- Đoàn Thanh niên Khu kinh tế Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Điện lực Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc
- Đoàn Thanh niên Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp
- Đoàn khối các cơ quan thành phố
- Đoàn khối doanh nghiệp thành phố
- Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hàng Hải
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Y Dược Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng