Phòng chống “Lợi ích nhóm”, “Lợi ích cục bộ”

17 11 2023

in trang

Một số kinh nghiệm phòng, chống “Lợi ích nhóm”, “Lợi ích cục bộ” trong xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật của lực lượng Công an nhân dân

Pháp luật là hệ thống quy tắc mang tính bắt buộc do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện. Đó cũng là công cụ để thể chế hóa các chính sách của Nhà nước để đưa vào cuộc sống.

Cũng chính vì lẽ đó, các chính sách pháp luật luôn phải khoa học, phù hợp thực tiễn, minh bạch, công bằng, vì lợi ích chung của toàn xã hội. Nếu các chính sách công đã được thể chế hóa bằng pháp luật có “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” thì hậu quả dẫn tới là vô cùng nặng nề cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; gây tổn thất tài sản cho đất nước; làm băng hoại đạo đức, bất bình và xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ. Do đó, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong suốt quá trình xây dưụng, sửa đổi chính sách, pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn biểu hiện “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” là hết sức cần thiết, quan trọng.

Qua thực tiễn phòng ngừa các biểu hiện “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, sửa đổi các quy định của pháp luật trên địa bàn thành phố, chúng tôi xin rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Nhận diện đúng dấu hiệu, phương thức “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ

CBCS Công an ngoài nhận thức đúng đắn, đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Nhà nước; của cấp ủy, chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan đến xây dựng, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, rất cần có kiến thức kỹ năng cụ thể các dấu hiệu, phương thức “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ.

Hiện, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới hình thức “lợi ích nhóm” đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng. Trên thực tế, đã xuất hiện không ít “nhóm lợi ích” đã tác động vào việc hoạch định và thực thi chính sách (như vụ kit test Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đất đai…) bao gồm những người có chức, quyền hoặc liên quan đến bộ máy nhà nước tạo thành một “nhóm” hoặc đường dây được tổ chức chặt chẽ và cũng có khi chỉ là một tập hợp đơn giản, câu kết, móc ngoặc với nhau. Nhóm này thường hoạt động kín, tinh vi và luôn che giấu dưới các vỏ bọc hợp pháp, lợi dụng danh nghĩa lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia để trục lợi bất chính nên rất khó phát hiện, xử lý.

Bên cạnh đó, “nhóm lợi ích” sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau tác động đến người có thẩm quyền ra quyết định theo hướng có lợi cho chúng để tham nhũng chính sách. Phổ biến nhất là tìm cách tặng quà, mua chuộc, hối lộ; móc nối, trao đổi lợi ích, ủng hộ về mặt chính trị, nâng đỡ trong đề bạt, bổ nhiệm. Phương thức khác là có thể mua chuộc một số phóng viên, nhà báo biến chất để đưa tin không trung thực, “lăng xê” không đúng sự thật nhằm đánh lừa dư luận, định hướng chính sách theo ý đồ xấu.

Đáng nói, “nhóm lợi ích” còn tác động lên quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Cụ thể, trong hoạch định chính sách, đám này tìm cách tác động tới việc ban hành các quyết định về đầu tư, thuế, tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính; về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ (tuyển dụng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm…). Việc tác động vào quá trình trên thường xảy ra qua việc vận động không chính đáng trong các khâu soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết các dự án, văn bản quy phạm pháp luật…mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhưng có thể gây thiệt hại to lớn cho lợi ích chung.

Rồi nữa, một phương thức khác cũng rất đáng lưu ý, đó là “chiêu” tác động để trì hoãn việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế các văn bản pháp luật đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn để kéo dài thời gian hưởng lợi.

Bám chắc vào các quy định của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật

Để ngăn chặn biểu hiện cài cắm “lợi ích nhóm”, trong phạm vi của mình, lực lượng CAND cần tích cực phối hợp với các cơ quan: Kiểm soát, Tư pháp, Thanh tra, Kiểm toán, Hải quan, Thuế… tham mưu cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật cũng như thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng để các “nhóm lợi ích” không còn và không dám lộng hành.

Cần lưu ý, kiểm soát quyền lực đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 bằng các quy định về phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng với các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và sự tham gia của nhân dân trong quản lý nhà nước. Những nội dung này cũng đã được cụ thể hóa tại các luật về tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác. Bên cạnh đó, còn có các quy định của Đảng về cơ chế lãnh đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động trên.

Có thể thấy, tất cả các quy định đó đã hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua các hoạt động cụ thể. Vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện của các cấp, ngành… Đặc biệt trong đó, lực lượng CAND với vai trò, chức trách được giao phải luôn bám sát, bám chắc vào các quy định của Đảng, Nhà nước trong suốt quá trình tuân thủ pháp luật của mình. Quy trình, thủ tục thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực nêu trên được thực hiện bao gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn bắt buộc và mỗi giai đoạn lại có tính chất độc lập tương đối với nhiều chủ thể tham gia với nguyên tắc không bị sự tác động, sự chi phối tiêu cực của các chủ thể khác.

CBCS Công an cũng cần nắm rõ thêm nhà nước ta còn có các luật về cán bộ, công chức, viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng… quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ cũng như kiểm soát xung đột lợi ích khi thực thi công vụ  để phòng ngừa tham nhũng và xử lý hành vi vi phạm… Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng có quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.

Kịp thời tham mưu, đề xuất nhằm hạn chế tối đa các sai phạm trong xây dựng, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật

Những hạn chế, tồn tại trong kiểm soát, phòng ngừa “lợi ích nhóm” trong xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật đã được Đảng, Nhà nước ta chỉ rõ, coi đây như một vấn nạn nguy hại cần có sự vào  cuộc của cả hệ thống chính trị để dẹp bỏ. Để góp phần tích cực vào cuộc chiến cam go, phức tạp này, từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy lực lượng CAND, kể cả từ cấp cơ sở cần có sự tập trung cao nhất tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền có những giải pháp thiết thực ngăn ngừa những biểu hiện “lợi ích nhóm”.

Trước hết, lực lượng chức năng CATP phải thường xuyên phối hợp với Văn phòng và các Ban thuộc Thành ủy trong xây dựng, ban hành các chương trình, nghị quyết, chỉ đạo các vấn đề quan trọng liên quan tới chính sách, pháp luật, đặc biệt trong chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Đảng đoàn HĐND thành phố thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về trình tự, thủ tục ban hành chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, chúng ta phải luôn chủ động, kịp thời phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc HĐND, UBND thành phố tiếp nhận các dự thảo nghị quyết, quyết định trước các kỳ họp để chủ động nghiên cứu, giúp cấp trên phát hiện các vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung cũng như nắm chắc tình hình; dự đoán, dự báo, tiến hành đánh giá tác động chính sách trên địa bàn, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đạt mục tiêu minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền, không có lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm”. Đặc biệt,  các chính sách cần phải được đánh giá kỹ về tác động tới ngân sách, môi trường đầu tư, kinh doanh; tới tổ chức bộ máy nhà nước và nhân dân; tính khả thi, hiệu quả về chi phí - lợi ích v.v… Ngoài ra, cần phải nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan và có sự tiếp thu hoặc giải trình công khai, minh bạch, nghiêm túc để tránh “lợi ích nhóm”. Các nội dung lớn, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau cần sớm được phát hiện, báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Quá trình thực hiện, lực lượng CATP phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan như: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Viên KSND cùng cấp, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, Hội Luật gia… Cùng với đó là việc tranh thủ các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực liên quan; ý kiến của cán bộ, lãnh đạo am hiểu về pháp luaath chuyên ngành, ý kiến trái chiều trong quần chúng nhân dân, kết quả tiếp xúc cử tri các cấp v.v…

Trực tiếp tham gia một số nội dung về công tác cán bộ 

Trong công tác cán bộ, lực lượng CATP cũng cần thường xuyên phối hợp nắm tình hình, có những đề xuất, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong ban hành và thực thi các quy định, kê shoachj về tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm… nhằm phòng ngừa vi phạm, tiêu cực, dấu hiệu “lợi ích nhóm”; tham gia rà soát, xác minh phục vụ công tác thẩm tra tiêu chuẩn chính trị của Đảng, tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với các vị trí quan trọng, cơ quan tham mưu hoạch định, cơ quan dự thảo chính sách pháp luật.

Hiện nay, quy định của pháp luật về tuyền dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức không có nội dung bắt buộc lực lượng Công an tham gia, trong khi đó, đây là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn sai phạm, tiêu cực. CATP với trách nhiệm đã chủ động tham mưu các Hội đồng thi, trực tiếp tham gia một số hoạt động của Ban giám sát, triển khai công tác phối hợp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các kỳ thi, phòng ngừa tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Tóm lại, xây dựng pháp luật là hoạt động có tính sáng tạo, vừa là lĩnh vực thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, vừa có những đề xuất, sáng kiến mới. Quá trình xây dựng pháp luật yêu cầu tính dân chủ cao, có nhiều cơ quan tham gia, nhiều công đoạn khác nhau, nhiều trình tự, thủ tục, nhiều bước. Do đó, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm,  cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có những đặc thù khác với tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ nói chung. Nhận diện rõ “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” chính là cơ sở để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi cish” tiêu cực trong xã hội hiện nay. Đó không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội mà còn là trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân nhằm xóa bỏ lực cản lớn trong xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Vũ Ngọc Quỳnh (Cửa Biển)

Admin

Thong ke