Phê phán luận điệu xuyên tạc quan điểm của V.I.Lênin “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ

01 01 2024

in trang

Một trong những luận điểm khoa học cơ bản trong học thuyết của V.I.Lênin về bảo vệ Tổ quốc là: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ”. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch, phản động đã bóp méo, xuyên tạc quan điểm đúng đắn của Lenin.

Tỉnh táo trước âm mưu xuyên tạc không cần bảo vệ Tổ quốc XHCN

Ngay từ năm 1916, đêm trước của cuộc cách mạng vô sản ở nước Nga, Lênin chỉ rõ: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa XHCN, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình”; và: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ”. Bởi tự vệ là để bảo vệ chính quyền và bảo vệ các thành quả cách mạng đã giành được là một tất yếu khách quan, mang tính chính nghĩa, đó là một trong những vấn đề có tính quy luật của cách mạng vô sản. Lenin còn cho rằng, “không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ”, vì “cách tự vệ là một khoa học và nghệ thuật của cách mạng, cách mạng chỉ có thể đi tới thành công đến nơi đến chốn khi biết cách tự vệ đúng".

Sau khi tư tưởng “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ” của Lênin ra đời đã bị các thế lực thù địch, phản động chống phá quyết liệt. Chúng phủ nhận việc bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp vô sản khi tiến hành cách mạng thành công. Theo chúng, cách mạng vô sản giành thắng lợi xong không cần lập nên chính quyền nhà nước vì đã thành công rồi. Để đập tan luận điệu này, ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Lenin chỉ rõ: “Kể từ ngày 25-10-1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành "bảo vệ tổ quốc", nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc XHCN, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc".

Thời gian qua, lợi dụng hệ thống XHCN thoái trào và sự biến động mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, các thế lực thù địch, phản động càng ra sức chống phá các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam. Chúng cho rằng hiện nay không cần phải bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN vì không còn kẻ thù xâm lược và nếu có bảo vệ thì chỉ bảo vệ Tổ quốc chứ không bảo vệ chế độ XHCN. Đây là luận điệu hết sức thâm độc, dễ gây sự ngộ nhận trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của công dân Việt Nam hiện nay.

Cả về phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, mọi cuộc cách mạng nổ ra đều gắn với một giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại và bao giờ vấn đề giành chính quyền cũng đều là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng gắn với một quốc gia, dân tộc cụ thể. Như vậy, không bao giờ có Tổ quốc tách rời với một chế độ xã hội, mà bao giờ cũng gắn chặt với một chế độ xã hội nhất định như chế độ xã hội chiếm hữu nô lệ, chế độ xã hội phong kiến, chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa, chế độ XHCN.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở mỗi thời kỳ lịch sử đều gắn liền với chế độ ở giai đoạn lịch sử, quốc gia, dân tộc đó. Đáng tiếc là, ngoài sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch, một số người trong nước vẫn ngộ nhận, chủ quan, không thấy hết các nguy cơ của đất nước và chế độ, không nhận thức được sự thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta nên có biểu hiện coi nhẹ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN; không nhận thức đầy đủ mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thậm chí một số người Việt Nam tuy mang trong mình dòng máu Lạc Hồng và đang được hưởng thành quả cách mạng nhưng quay lưng lại với dân tộc, ra sức công kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rắp tâm phá hoại thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, cuộc sống thanh bình của nhân dân.

Tăng cường sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN

Việc trung thành, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ” có ý nghĩa rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Vì vậy, chúng ta cần quán triệt, thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XIII.

Thấm nhuần tư tưởng nêu trên của Lênin và kế thừa truyền thống, quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta, ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước thế giới dứt khoát rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Kể từ đó, xuyên suốt cuộc trường chinh 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, cả nước cùng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thực tiễn cho thấy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 đã chứng minh rằng việc giành chính quyền đã khó nhưng giữ gìn, sử dụng chính quyền để xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN còn khó hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự sụp đổ đó là do sai lầm của các đảng cộng sản trong quá trình cải tổ, cải cách, sự mất cảnh giác và tự làm suy yếu, mất sức đề kháng từ bên trong của các đảng cộng sản và lực lượng cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch.

Đúng như Lênin đã từng cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta nếu chúng ta không mắc sai lầm, tự đánh đổ mình”. Như vậy, bài học thành công và thất bại về công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN từ sau Cách mạng Tháng Mười ở các nước XHCN không chỉ khẳng định tư tưởng của Lenin “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ” mà còn là cơ sở để xác định ý chí, quyết tâm trong nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Giải pháp quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là cơ sở để củng cố lập trường chính trị giai cấp, niềm tin và sự kiên định vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, cần chú trọng giáo dục thống nhất nhận thức về đối tượng, đối tác và mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Sự phân định đối tác, đối tượng là rất cần thiết, tuy nhiên cần phải mềm dẻo, uyển chuyển trong nhận thức. Trong thực tế, ranh giới giữa đối tác và đối tượng đôi khi rất mong manh, có tính tương đối, nhận thức không phải dễ dàng, đơn giản. Do đó, cần xác định rõ những tiêu chí và quan điểm trong nhận thức và xử lý vấn đề này. Một trong những tiêu chí rất quan trọng để xác định đối tác đó là lợi ích. Bởi lợi ích (hiểu theo nghĩa đầy đủ của nó) phải được bảo đảm cho cả hai phía: Phía chúng ta và phía đối tác, làm sao để đôi bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tiêu chí “cùng có lợi” trở thành cơ sở của quan hệ giữa các đối tác. Trên cơ sở lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong xác định đối tượng và đối tác là: Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh.

Về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là toàn diện, bảo vệ cả phương diện tự nhiên-lịch sử và phương diện chính trị-xã hội trong chỉnh thể thống nhất bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII đã chỉ ra: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN”.

Trong bối cảnh hiện nay, cần làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức đúng phương châm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, với nhiều kế sách linh hoạt, mềm dẻo, kiên quyết tạo thành sức mạnh tổng hợp vững chắc trong công cuộc giữ nước.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt, trụ cột. Đó là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học-công nghệ, văn hóa, đối ngoại, biểu hiện trong sức mạnh vật chất, tinh thần của khoảng 100 triệu dân Việt Nam trong nước và hơn 5 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập, lao động, công tác ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Đó là sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

                                                                          

Đoàn TNCS Khu Kinh Tế Hải Phòng

Thong ke