Phê bình là để giúp nhau sửa chữa, tiến bộ

17 11 2023

in trang

Phê bình là để giúp nhau sửa chữa, tiến bộ 

 Đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của việc phê bình.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu: “Đảng phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức người đảng viên”. Người nhắc nhở cần phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng cũng như phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên.
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình hoạt động, lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng thì Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng khó tránh khỏi có hạn chế, khuyết điểm. Vấn đề quan trọng là Đảng và đội ngũ cán bộ phải nhận ra và sửa chữa những hạn chế khuyết điểm ấy. Tháng 11 - 1959, tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Người chỉ rõ: “Có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa”. Người nhấn mạnh: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”.
 
Hồ Chí Minh luôn xác định rõ mục đích, ý nghĩa của việc phê bình là để giúp nhau sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, phấn đấu tiến bộ, tăng cường đoàn kết thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Người xác định: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Tháng 6 - 1957, nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, Người khẳng định: “Chúng ta đoàn kết mới có lực lượng. Muốn đoàn kết, lực lượng mạnh, phải có phê bình, tự phê bình. Phê bình, tự phê bình là để tăng thêm đoàn kết”. Ngày 15 - 1 - 1950, trong Thư gửi Hội nghị công an toàn quốc, Hồ Chí Minh viết: “Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an, để đi đến hiểu công an, yêu công an, và giúp đỡ công an”.
 
Từ xác định đúng mục đích, ý nghĩa của phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp, cách làm phù hợp để việc phê bình có hiệu quả nhất. Người nói rõ:  “ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó đi đôi với nhau” và: “… phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm chọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tìm mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại cách mạng nước ta, nhất là tập trung chống phá Đảng, xuyên tạc, vu khống các nguyên tắc, thành tựu của Đảng. Đơn cử như đối tượng Nguyễn Văn Đài,  trên cái gọi là “Kênh truyền thông của luật sư Nguyễn Văn Đài”, Đài luôn xuyên tạc việc phê bình và tự phê bình cũng như sự đoàn kết thống nhất trong cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Y cho rằng: “Trong quan trường Cộng sản Việt Nam lúc thường nó đối xử với nhau rất là đồng chí, rất là anh em”; nhưng rồi y lại trắng trợn bịa đặt, vu cáo: “Trong quan trường Cộng sản nó sẵn sàng hạ bệ những người yếu thế”, “Không có thằng nào tử tế cả” và quy kết lãnh đạo Đảng: “độc tài ngay cả với hơn 5 triệu đảng viên Đảng Cộng sản, những người không quyền lực thì đều bị độc tài nó cai trị”...
 
Nhưng sự thật ở Việt Nam đã bác bỏ sự chống phá bịa đặt, vu khống trên của các thế lực thù địch, thế lực xấu. Hơn 93 năm qua, việc thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về phê bình đã thiết thực góp phần tích cực vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, để Đảng ngày càng vững mạnh trong sạch, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng không ngừng phát triển.
 
Qua thực tiễn, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rút ra bài học kinh nghiệm quý là muốn phê bình, tự phê bình đạt kết quả tốt thì điều quan trọng phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng. Trong đó mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hiện nghiêm túc phương châm: “Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình” cũng như quyết tâm tiếp thu, sửa chữa, khắc phục mọi hạn chế khuyết điểm đã được phê bình, nhắc nhở, chỉ ra để ngày càng tiến bộ. Đặc biệt, trách nhiệm của người đứng đầu phải luôn gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để tạo thuận lợi cho quần chúng nhân dân đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên. 

 Hiện nay, vấn đề quan trọng, cấp bách đặt ra là: cùng với đẩy mạnh công tác phê bình trong nội bộ Đảng, Đảng ta cần tích cực, chủ động thực hiện tốt việc lấy ý kiến phê bình của quần chúng nhân dân với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Chúng ta phải vừa kịp thời có sự động viên, khen thưởng những đóng góp phê bình tích cực có tác dụng tốt, vừa kiên quyết, kịp thời ngăn ngừa xử lý những người lợi dụng phê bình để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của người khác với động cơ xấu… theo đúng quan điểm, quyết tâm của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rất rõ ràng: “Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác”. 
CÔNG MINH
Hương Sen Việt

Admin

Thong ke