Phản bác các luận điệu xuyên tạc tự do Internet ở Việt Nam

23 04 2024

in trang

Tính đến năm 2023, Việt Nam chính thức kết nối mạng Internet toàn cầu được 26 năm. Sau hơn 1/4 thế kỷ, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam từ con số vài nghìn người đã tăng đến hơn 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số Việt Nam.

Việt Nam hiện là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 thế giới và đứng thứ 6 tại châu Á, nhưng trong thời gian qua, vẫn có một số tổ chức hãng truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam tiếp tục tung ra các luận điệu vu cáo Việt Nam hạn chế quyền tự do Internet. Đây là những âm mưu chống phá, hạ thấp uy tín của Việt Nam, cần được nhận diện rõ.

Những đánh giá mơ hồ

Tổ chức Freedom House nhiều lần công bố báo cáo tự do Internet, trong đó xếp hạng Việt Nam là một trong những quốc gia kém tự do Internet nhất thế giới.

Báo cáo này còn cho rằng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục yêu cầu các công ty xóa gỡ nội dung các bài đăng và tuyên các bản án hình sự hà khắc đối với một số người mà báo cáo này cho là có tiếng nói phản biện trên mạng xã hội.

Nhiều năm liên tiếp, Freedom House xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do Internet, dựa trên loạt tiêu chí đánh giá rất mơ hồ mà họ tự đưa ra.

Báo cáo không phản ánh đúng thực tế tình hình Việt Nam. Thông thường các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam thường chỉ nhìn nhận một vài vụ việc cụ thể đối với một số đối tượng có thái độ chống đối Nhà nước, những thông tin được đưa ra nước ngoài cho các cái tổ chức thiếu thiện chí, để cáo buộc Việt Nam tấn công chính trị đối với những người tham gia mạng Internet hoặc có những trấn áp trên môi trường mạng.

Theo báo cáo của trang weire, tính đến năm 2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, chiếm hơn 70% dân số. Số người sử dụng mạng xã hội là hơn 76 triệu người.

An toàn thông tin

Tự do Internet ở Việt Nam được đảm bảo trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Ví dụ, khi trên mạng Internet xuất hiện hàng loạt thông tin tiêu cực liên quan đến thị trường chứng khoán tài chính gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của doanh nghiệp, gây tâm lý hoang mang cho toàn xã hội thì cơ quan công an ngay lập tức vào cuộc xử lý nhiều đối tượng về hành vi đăng tải bình luận thông tin sai sự thật. Các đối tượng này đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Những thông tin giả, tin xấu độc được xóa bỏ kịp thời là biện pháp cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh trên không gian mạng, bởi vì trên không gian thực như thế nào thì không gian mạng cũng như vậy.

Nhà nước bảo đảm tất cả các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Ngược lại các cá nhân, tổ chức cũng phải có trách nhiệm bảo vệ trật tự xã hội trên không gian mạng.

Pháp luật Việt Nam đề cao tính giáo dục, tính phòng ngừa chứ không phải là trừng trị như một số luận điệu mà các phần tử thù địch tuyên truyền. Thực tế có rất nhiều các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng ban hành những văn bản pháp luật về xử lý hành vi trên không gian mạng rất chặt chẽ.

Ngày 15/8/2022, Chính phủ đã ban hành quy định doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ dữ liệu và thành lập văn phòng tại Việt Nam. Ngay lập tức, các luồng tin xấu độc lại ra rả luận điệu cho rằng quy định lưu trữ thông tin người dùng mạng tại Việt Nam là bóp nghẹt truyền thông và có thể đe dọa đầu tư.

Các quốc gia khác nhau có hệ thống luật pháp khác nhau, nhưng mục tiêu đều là để giữ dữ liệu của công dân ở quốc gia của họ nơi họ có Chính phủ và các quyền của họ được đảm bảo để duy trì an toàn và an ninh, làm chậm hoặc ngăn chặn sự lan truyền thông tin xấu và tin giả. Điều này chứng tỏ chính phủ các quốc gia quan tâm đến lợi ích của công dân. Bên cạnh đó, chính sách và pháp luật của Việt Nam với giới đầu tư nước ngoài là rất rõ ràng và cởi mở, với phương châm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Các nền tảng công nghệ toàn cầu như Google hay Facebook đều đã thuê khoảng hơn 2.000 máy chủ tại Việt Nam. Việc này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tăng tốc độ truy cập và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, cùng với Việt Nam hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước như Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Australia, Indonesia… Đó là chưa kể các công ty khi cung cấp dịch vụ cho các quốc gia khác thì phải tìm hiểu, nghiên cứu và tìm cách thích ứng với hệ thống pháp luật địa phương.

Sau hơn 25 năm hiện hữu tại Việt Nam, Internet nay đã có thể truy cập ở hầu như bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, thậm chí miễn phí. Cuộc sống người Việt đã quen dần với các dịch vụ công trực tuyến, học online, mua hàng qua kênh thương mại điện tử và thụ hưởng những giá trị mà Internet mang lại. Tất cả những sự thật này là không thể chối cãi và là bằng chứng đanh thép nhất bác bỏ hoàn toàn những luận điệu thiếu khách quan vô căn cứ nhằm vu cáo về quyền tự do Internet tại Việt Nam.

vietnam.vn

 

Đoàn TNCS Khu Kinh Tế Thành phố Hải Phòng

Thong ke