Nhiều điểm mới trong Luật Thanh tra (sửa đổi)

05 07 2023

in trang

(Chinhphu.vn) - Ngày 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 459 đại biểu tán thành (bằng 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội). Một trong những điểm mới là được thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Luật Thanh tra (sửa đổi) có 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

“Cơ quan thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật”.

3 trường hợp được thành lập thanh tra tổng cục, cục

Với luật được Quốc hội thông qua, điểm mới đáng chú ý là tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Điều 18 quy định, thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý Nhà nước mà tổng cục, cục được giao phụ trách; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

 

Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ.

“Theo các tiêu chí và quy định này thì không phải tổng cục, cục nào ở trung ương cũng có cơ quan thanh tra chuyên ngành”, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Với những nơi đã được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hoặc chưa được Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của Chính phủ.

Từ sau khi Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành đến nay, để đáp ứng yêu cầu quản lý, một số luật đã quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ.

Do đó, trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đề nghị thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

 

UBND tỉnh được quyết định thành lập thanh tra sở

Điểm mới nữa, giao quyền chủ động cho UBND tỉnh trong việc thành lập thanh tra sở (trừ một số trường hợp đặc thù). 

Như vậy, không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra.

Theo quy định tại điều 26, thanh tra sở được thành lập trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định này nằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra sở.

Thực tế hiện nay, tại mỗi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có khoảng trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế.

“Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở, nhu cầu về thanh tra giữa các sở không đồng đều nên một số thanh tra sở chỉ được bố trí từ 1 đến 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, hiệu quả thấp”, ông Hoàng Thanh Tùng báo cáo trước khi Quốc hội biểu quyết.

Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua quy định rõ, thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.

Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra

Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.

Đây cũng là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Điều 78 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. 

Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Cũng tại Điều 78 này quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.

Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

 

Admin

Thong ke