NGHĨ GÌ VỀ CHIẾN TRƯỜNG UKRAINA

17 11 2023

in trang

NGHĨ GÌ VỀ CHIẾN TRƯỜNG UKRAINA

Tính đến nay, đã gần hai năm kể từ khi chiến sự Nga – Ukraina nổ ra vào tháng 2/2022, tình hình ngày càng khốc liệt và tồi tệ hơn, có rất ít giải pháp hòa bình được đề xuất, mà ngược lại thông tin hàng ngày chỉ dành mô tả lượng vũ khí, khi tài khổng lồ đang tiếp tục dồn về, khiến lửa càng cháy lớn trên chiến trường Ukraina.

Không bàn đến yếu tố chính trị từ cuộc chiến Nga-Ukraina, rằng bên nào đúng, bên nào sai, chuyện phe phái và những nguyên nhân sâu xa khác, mà thử tiếp cận vào hậu quả thực tiễn với những gì đang diễn ra liên quan đến nguồn vũ khí, khí tài đang đổ vào Ukraina. Theo một số liệu truyền thông, kể từ đầu cuộc chiến, Ukraina đã tiếp nhận khoảng hơn 160 tỷ USD viện trợ, chủ yếu là Mỹ và các nước EU (gọi chung là phương Tây) và cũng chủ yếu là vũ khí, khí tài. 

Thoạt đầu, nguồn vũ khí được mang đến Ukraina từ các nước thuộc phe Liên Xô cũ, tương thích với vũ khí của Ukraina thời điểm cuộc chiến nổ ra. Sau đó là chiến dịch huấn luyện sử dụng, mở đường cho nguồn vũ khí của phương Tây chảy vào chiến trường Ukraina. Cả hai nguồn này đều là vũ khí cũ được trang bị của hai phe trục từ thời chiến tranh lạnh.

Tiếp theo, khi cuộc chiến tiếp tục bị đẩy lên cao trào và các giải pháp hòa bình đi vào ngõ cụt, cũng bắt đầu là lúc dòng chảy vũ khí mới hiện đại hơn từ phương Tây đổ vào Ukraina. Và gần đây, đã xuất hiện những dự án đầu tư bảo dưỡng, sửa chữa thậm chí là sản xuất vũ khí của các tập đoàn vũ khí phương Tây ở Ukraina.

Nhìn từ diễn biến trên, nhiều quan điểm cho rằng Ukraina đang trở thành một bãi thử nghiệm, dồng thời là hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới, để các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên lĩnh vực này thi triển, vừa thải loại đồ cũ, thử nghiệm hoàn thiện đồ mới, vừa quảng bá, cạnh tranh thị trường và cũng là cơ hội tiêu thụ sản phẩm trực tiếp khi chiến tranh tiếp tục bùng phát.

Điều này là khấ rõ, thứ nhất đối với các quốc gia thuộc phe Liên Xô cũ hiện đã trở thành đồng minh đối lập nhưng vốn dĩ sử dụng vũ khí do Liên Xô (phần lớn là Nga) sản xuất. Thực trạng này khiến họ vẫn phụ thuộc vào nước Nga lâu nay, thì giờ đây cái cớ chuyển giao cho Ukraina cũng chính là cơ hội để họ thoát khỏi sự lệ thuộc ấy và chuyển sang trang bị mới vũ khí phương Tây thay thế. Một cơ hội hoàn hảo “bán đồ cũ, mua đồ mới giá rẻ” khi cuộc đầu tư này được hưởng lợi thanh toán từ nguồn tài trợ cam kết do các nước giàu có và tập đoàn vũ khí lớn hứa hẹn.  

Thứ hai, ngay cả đối với các nước phương Tây và thân phương Tây, vì lý do chi phí quốc phòng nên lâu nay vẫn phải duy trì nguồn vũ khí cũ, lạc hậu, thì nay việc viện trợ cho Ukraina thực tế cũng là để thải loại, tiêu hủy, nhằm thay thế hệ thống vũ khí, khí tài thế hệ mới hiện đại hơn. Cần phải thấy rằng, vũ khí, khí tài bản chất cũng là sản phẩm công nghiệp, do các nhà sản xuất cung cấp vì mục đích kinh tế. Vì vậy, việc thay thế hàng loạt sản phẩm thuộc dạng này trên diện rộng và tấp nập, sẽ là cơ hội lớn cho các tập đoàn chế tạo liên quan. 

Thứ ba, thực tế chiến trường Ukraina cũng chính là nơi thử nghiệm, để các sản phẩm vừa thể hiện tính ưu việt, vừa hoàn thiện khiếm khuyết mà các nhà nghiên cứu không thể có được môi trường hữu hiệu trong phòng thí nghiệm. Hơn nữa, những diễn biến qua xung đột vũ khí của Nga với phần còn lại, cũng giúp cho các nhà nghiên cứu vũ khí xuất hiện ý tưởng, tiếp tục tung ra những sản phẩm mới.

Thứ tư, không phải ngẫu nhiên mà trong danh mục viện trợ cho Ukraina, phần lớn tập trung vào các nước có công nghiệp quốc phòng rất phát triển, và chiến trường Ukraina cũng chính là “hội chợ” để họ phô diễn sản phẩm, cạnh tranh quyết liệt với nhau để tranh giành thị trường vũ khí toàn cầu. Thậm chí, trong đó có cả những nhà sản xuất vũ khí của Nga và Ukraina, bởi trước thời điểm căng thẳng Nga – Ukraina leo thang trong sự kiện Crimea năm 2014, cả hai quốc gia này đều nằm trong nhóm xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Tóm lại, nhìn vào lộ trình viện trợ vũ khí cũng như thực tế cho thấy, chiến trường Ukraina đang thực sự là “phiên chợ” lớn để các “ông lớn” kiếm tiền, đây liệu có phải là nguyên do chính khiến các giải phấp hòa bình đi vào bế tắc?

Đúng hay không nhưng điều không thể phủ nhận là hậu quả đau thương đang tàn phá đất đai, lãnh thổ, nguồn lực của cả Ukraina và Nga, mà người dân mắc kẹt trong cuộc chiến này phải gánh chịu.

Mặt khác, lâu nay có không ít người vẫn chưa hiểu rõ hai từ “viện trợ”, thực tế ngoài “viện trợ không hoàn lại” hoặc “xóa nợ”, thì “viện trợ” nói cho dễ hiểu là cho vay, cho mượn, đến một lúc nào đó bên nhận phải hoàn trả. Ukraina không chỉ chịu món nợ khổng lồ thời điểm hiên tại, mà giả như cuộc chiến kết thúc cũng cần một khoản cũng khổng lồ không kém để tái thiết đất nước. Đau đớn hơn, dù ở dạng “viện trợ” nào, thì hầu hết các vũ khí, khí tài có được đều đang cùng nhau phá hủy mọi thứ trên đất Ukraina, khác nào “bỏ tiền mua xăng về đốt nhà mình”.

Có lẽ một số quốc gia láng giềng của Ukraina đã thấm thía bản chất “viện trợ” của phương Tây, nên gần đây đã bắt đầu chuyển trạng thái. Điển hình như Ba Lan, quốc gia từng ủng hộ và viện trợ nhiệt tình nhất cho Ukraina nay đã “quay lưng” vì tổng tuyển cử đang đến gần. Còn tại Slovakia, Đảng cánh tả Phương hướng (SMER) của cựu Thủ tướng Robert Fico  dẫn đầu với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử vừa diễn ra. Và ông này cũng tuyên bố thẳng thắn rằng: “Chúng ta phải nói với cả thế giới rằng, tự do đến từ phương Đông; chiến tranh luôn đến từ phương Tây".

Trở lại với cuộc chiến Nga – Ukraina, những gì đang diễn ra thể hiện rất rõ tính phe phái về tư tưởng cũng như thực địa, là hậu quả của quan điểm “theo bên này, thù địch bên kia”. Đây là bài học phổ biến trong cả quá khứ và hiện tại, với hầu hết các quốc gia đã từng trải qua chiến tranh. Mới thấy sự đúng đắn trong chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, khi không tham gia liên kết và “mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, trên nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác”. Sự đúng đắn ấy đã khẳng định bằng hòa bình, ổn định chúng ta đang có được, kết quả của gần 40 năm thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập.

Và cũng thực tế cho thấy, trên lĩnh vực ngoai giao gần đây, lãnh đạo của các nước liên tục đến Việt Nam củng cố và phát triển quan hệ hợp tác, trong đó bao gồm cả các bên đối lập hoặc thù địch trong cuộc chiến nêu trên. Tiếc rằng đâu đó quanh ta, hàng ngày vẫn xuất hiện những quan điểm cực đoan, kích động hằn thù của những kẻ luôn tự phong mình là “thông thái”.

Rõ ràng, nhờ chủ trương đúng, được hình thành từ sự trải nghiệm và những bài học kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công trên suốt chặng đường lịch sử cách mạng, chúng ta đã biết cách để tránh đối đầu gây tạo chiến tranh, để “Chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã khẳng định.

Lê Minh Thắng (Cửa Biển)
Ảnh 6584/6587- Vũ khí càng đổ vào nhiều, chiến sự Ukraina càng thêm nóng bỏng

Admin

Thong ke