NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA SINH VIÊN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG

24 07 7852

in trang

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”; “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”; “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”.


Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo là những vấn đề cơ bản, là cơ sở để xây dựng Đảng ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ đã được triển khai, đạt nhiều kết quả. Hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh thiếu nhi ngày càng được hoàn thiện. Giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được tăng cường và đổi mới. Nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với sinh viên. Trên thực tế vẫn còn một số trường và sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên.


Ngày 24/4/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030. Chỉ thị đã nêu một số kết quả và tồn tại, hạn chế, đồng thời xác định mục tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của sinh viên đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề xuất một số giải pháp để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của sinh viên đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện nay.


Một là, nâng cao nhận thức của sinh viên về vị trí, vai trò của giáo dục chính trị tư tưởng. Giáo dục cho các em sinh viên nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, yêu cầu của các hoạt động công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đối với việc học tập các môn học lý luận chính trị, phải chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa các môn lý luận chính trị với các môn khoa học chuyên ngành để xác định động cơ, nhu cầu học tập cho các sinh viên. Giáo dục cho sinh viên hiểu được rằng học tập giáo dục chính trị tư tưởng là cơ sở để xây dựng và củng cố, tu dưỡng đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường tư tưởng, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng. Giúp các em có nhận thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó có hành động đúng đắn. 


Trong điều kiện hiện nay các thế lực tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng; nói xấu, bôi nhọ đời tư, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, anh hùng cách mạng…việc học tập các môn học lý luận chính trị nói riêng và tham gia vào các hoạt động của công tác giáo dục chính trị tư tưởng giúp các em nắm vững kiến thức, vận dụng để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, vững vàng, trưởng thành trong học tập, cuộc sống.


Hai là, xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn của sinh viên tham gia các hoạt động của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Động cơ, thái độ đúng đắn, tích cực của sinh viên đối với các hoạt động của công tác giáo dục chính trị tư tưởng là không có sẵn mà được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, hoạt động. Muốn hình thành động cơ, thái độ đúng đắn và hứng thú của sinh viên đối với các hoạt động giáo dục chính trị cần phải giúp sinh viên hiểu được mục đích, nhiệm vụ của các hoạt động; người cán bộ, giảng viên tìm hiểu nhu cầu thực sự của các em về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp. Đối với việc giảng dạy hoặc tổ chức các hoạt động hoạt động giáo dục tập thể, việc truyền thụ kiến thức có thể sử dụng linh hoạt bằng cả hình thức thảo luận nhóm nhằm kích thích tính tích cực cá nhân và phát triển nhu cầu hứng thú, thái độ đúng đắn, phát huy tính tự giác của người học.


Trong quá trình dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cần chú ý đa dạng hóa các phương pháp học tập, đồng thời phải nâng cao hiệu quả, tìm ra các biện pháp để thúc đẩy tính tự giác, tự học của sinh viên. Từ đó sẽ phát huy được tính tự giác và có thái độ học tập đúng đắn. Mỗi sinh viên cần phải hình thành cho mình nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện, có ý thức học tập tốt, vươn lên khẳng định bản thân. Nhà trường, giảng viên cần tạo điều kiện để sinh viên phấn đấu, rèn luyện, đồng thời thường xuyên định hướng, giúp đỡ, nắm bắt tình hình tư tưởng. Định hướng đối với mỗi sinh viên phải tự xác định về ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Sống có lý tưởng, hoài bão, khát vọng, hoàn thiện, cống hiến; biết vượt qua khó khăn, cám dỗ, tiêu cực, loại bỏ những thông tin tiêu cực, lan tỏa điều tích cực. Từ đó việc học tập các môn học lý luận chính trị và tham gia các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng không còn là bắt buộc, khiên cưỡng mà trở thành trách nhiệm, tự giác đối với sinh viên.


Ba là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của sinh viên đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Sinh viên cần nhận thức rằng thế hệ trẻ chính là chủ nhân tương lai của đất nước, đất nước đang trông chờ rất nhiều ở việc học tập và rèn luyện của sinh viên. Việc học tập các môn chuyên ngành là điều cần thiết, song nếu chỉ có kiến thức chuyên ngành sinh viên sẽ bị lạc hậu về mặt lý luận, vì việc học tập các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp họ nắm bắt được những kiến thức cơ bản, kết hợp với việc liên hệ thực tiễn, từ đó có tư duy độc lập, đúng đắn, hành động phù hợp trong cuộc sống, qua đó sinh viên có được phương pháp tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức một cách hiệu quả nhất. Học lý luận chính trị là học phương pháp luận tiên tiến, là trang bị nền tảng tư tưởng cách mạng, tư duy đúng về thế giới, biết hành động có ích cho xã hội. Trong quá trình tham gia học tập các môn học lý luận chính trị sinh viên cần tập trung lắng nghe giảng, tích cực, chủ động vào quá trình học tập, hoạt động để không bị rơi vào tình trạng tiếp thu một chiều. Sinh viên cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng bài học, trả lời các câu hỏi của giảng viên đưa ra. Đó chính là chủ động học tập, tự tạo niềm say mê, hứng thú với môn học. Tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận chuyên đề, xêmina… Từ đó sẽ hình thành thói quen quan tâm đến môn học và sẽ nảy sinh tình cảm, thái độ và trách nhiệm với môn học. Việc trao đổi, tranh luận kiến thức với bạn bè về những vấn đề có liên quan hoặc bài tập nhóm cũng mang lại những kết quả nhất định. Giảng viên đề ra các nhiệm vụ, có biện pháp đánh giá tốt sẽ kích thích sinh viên cố gắng, chăm chỉ và thực hiện các yêu cầu do giảng viên đề ra. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải xây dựng và rèn luyện ý thức học tập, phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo của sinh viên. 


Bốn là, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên là sinh viên. Đảng viên là sinh viên được xem như tấm gương và là người có ảnh hưởng đến những sinh viên khác. Họ là nguồn lực quan trọng trong xây dựng đội ngũ của các tổ chức và tập thể trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố.


Mỗi cá nhân sinh viên là đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kiên định với lập trường của bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phát huy những thế mạnh của bản thân để là cầu nối giữa các sinh viên trong lớp, khoa, trường với tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể khác trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công các giáo dục chính trị tư tưởng. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của các sinh viên trong lớp, khoa, trường, phản ánh kịp thời đến chi bộ Khoa, Đảng ủy trường. Luôn là người đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập nói chung và các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng nói riêng, nhất là những nhiệm vụ mới, khó để dẫn dắt, hướng dẫn các sinh viên khác, là người “truyền lửa” cho những thế hệ sau tiếp nối./.

Theo: Cửa Biển

Đoàn khối các cơ quan thành phố

Thong ke