Một số điểm mới của Luật Giá sửa đổi

21 09 2023

in trang

Một số điểm mới của Luật Giá sửa đổi

Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Giá sửa đổi dựa trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...

Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; Hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; Thẩm định giá; Thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; Điều khoản thi hành…

Tại Luật Giá sửa đổi, có một số điểm mới như:

Để khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các Luật chuyên ngành, tại Luật sửa đổi đã bổ sung tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan. Trong đó, về cơ bản Luật Giá sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Chỉ trừ một số trường hợp rất đặc thù đã có luật riêng điều chỉnh toàn diện thì mới thực hiện theo quy định tại Luật chuyên ngành.

Về phạm vi điều chỉnh, luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, theo đó: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Luật Giá (sửa đổi) quy định: Bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của Luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi giá biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Đối với các biện pháp bình ổn giá, về cơ bản tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành khi quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại Luật và trường hợp có điều chỉnh sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Riêng đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đã bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi và đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện, muối ăn và đường ăn.

Danh mục tại Luật sẽ gồm 9 hàng hóa, dịch vụ là: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Phân đạm, phân DAP, phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Giá (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.

Ngoài ra, Luật Giá (sửa đổi) bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá., bình ổn giá; đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định.

Luật Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về việc kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá…

Luật Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về Doanh nghiệp thẩm định giá, Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; Chứng thư thẩm định giá và báo Báo cáo thẩm định giá; Quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; Xác định giá dịch vụ thẩm định giá; Phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải đảm bảo đảm nguyên tắc: Thực hiện theo kế hoạch, hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm; Không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị; Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra…/.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

 

Admin

Thong ke