Kỷ luật càng nghiêm minh, lòng tin của dân với Đảng càng lớn

23 04 2024

in trang

Việc đồng chí Võ Văn Thưởng có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 đồng ý và Quốc hội khóa 15 thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước là hoàn toàn bình thường. Bởi kỷ luật Đảng là nghiêm minh, càng là cán bộ giữ chức vụ cao thì càng phải gương mẫu, trong sạch.

Theo đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, Trung ương Đảng đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi. Tổng bí thư phát biểu: "Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành".

Thế nên, dù là ai, dù ở cương vị nào, đã nhận thấy rõ sai phạm, không đủ uy tín để đảm nhiệm chức vụ thì xin thôi là con đường đúng đắn nhất. Đây cũng là sự thể hiện rõ ràng trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, nhất là cán bộ cấp cao trước Đảng, trước nhân dân. Sự việc này cũng khẳng định rõ ràng nhất: Đảng ta là đảng chân chính, không giấu giếm khuyết điểm, nói đi đôi với làm, nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục. Đồng thời có tính cảnh tỉnh, răn đe cao, thực hiện đúng quy định của Đảng về miễn nhiệm cán bộ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Như thế, việc đồng chí Võ Văn Thưởng có đơn xin thôi các chức vụ không có gì là “bất thường” như một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Kỷ luật Đảng càng nghiêm minh, lòng tin của nhân dân với Đảng càng lớn. Theo đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2023, Đảng, Nhà nước đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý. Có nghĩa là, làm đơn xin thôi giữ các chức vụ hay nói cách khác là từ chức không còn là “hiếm gặp” nữa mà đã hoàn toàn trở thành bình thường.

Vẫn biết, để có thể từ chức là cả một quá trình đấu tranh khá cam go, quyết liệt, bởi liên quan tới cả quyền lợi chính trị và lợi ích vật chất. Nhưng đã tới lúc, công tác cán bộ của Đảng được thực hiện theo đúng phương châm: “có vào, có ra; có lên, có xuống”. Có đủ uy tín, năng lực, phẩm chất sẽ được vào quy hoạch, được bố trí lên chức vụ cao hơn. Ngược lại, nếu vi phạm hoặc để cấp dưới vi phạm tới mức độ nghiêm trọng thì buộc phải chịu trách nhiệm, phải ra khỏi quy hoạch và phải tự xin thôi.

Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 3-1-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ cũng nêu rõ: một trong những căn cứ xem xét từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ là do cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức chỉ rõ: khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

Điều đó cho thấy, tất cả đã quá rõ ràng và việc Trung ương Đảng; Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để xem xét việc miễn nhiệm, từ chức, kỷ luật cán bộ cũng là điều hết sức bình thường. Bất cứ ai, đã làm sai phải chịu trách nhiệm, không có vùng cấm.

Với mỗi cán bộ, đảng viên càng phải nhận thức rõ hơn về vấn đề này, không a dua, chạy theo những luận điệu sai trái, thù địch. Càng không nên có những phát ngôn theo ý chủ quan, suy diễn cá nhân làm sai lệch bản chất vấn đề và làm ảnh hưởng tới việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi như Bác Hồ đã nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, giàu mạnh./.

Hồng Thanh (Cửa Biển)

 

Đoàn TNCS Khu Kinh Tế Thành phố Hải Phòng

Thong ke