Không thể tách rời giữa bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa

30 11 2023

in trang

Một trong những quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc gắn với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Song, hòng chống phá, hạ thấp vai trò, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch tìm mọi cách phủ nhận quan điểm này. Vì vậy, cần nhận thức rõ, kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Kế thừa quan điểm, đường lối của các kỳ Đại hội trước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa…”1. Đây là quan điểm đúng đắn, thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc; sự trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quy luật xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc vào điều kiện cách mạng nước ta hiện nay. Song, hòng chống phá đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, các thế lực thù địch cho rằng, “bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, chứ không phải bảo vệ một thể chế chính trị hay một đảng phái nào”; và “Quân đội và Công an chỉ có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, không có nghĩa vụ phải bảo vệ đảng phái nào”, v.v. Quan điểm này của các thế lực thù địch là hoàn toàn sai trái; thực chất nhằm mục tiêu nhất quán của họ là “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, làm cho Quân đội, Công an từng bước xa rời bản chất cách mạng, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện lật đổ chế độ chính trị từ bên trong, bằng biện pháp phi quân sự, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Song, cả lý luận và thực tiễn đã cho thấy, không thể tách rời bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bởi những lý do sau.

Tổ quốc là một phạm trù lịch sử dùng để chỉ đất nước, con người gắn liền với biên giới, lãnh thổ xác định, với những điều kiện kinh tế, tự nhiên và truyền thống văn hóa, tâm lý, tình cảm của những cộng đồng người hình thành trong lãnh thổ đó, tương ứng với một chế độ xã hội và thể chế chính trị nhất định. Như vậy, nói đến bất cứ loại hình Tổ quốc nào cũng là sự thống nhất của hai yếu tố tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội. Trên phương diện tự nhiên - lịch sử, Tổ quốc bao gồm: vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo - cương vực, được quốc tế thừa nhận và có cộng đồng dân cư sinh sống trên vùng lãnh thổ đó. Trên phương diện chính trị - xã hội, Tổ quốc bao gồm: chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, được quy định bởi bản chất của giai cấp thống trị, cùng với ngôn ngữ chung, truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, tâm lý, v.v. Điều đó cho thấy, mỗi quốc gia, dân tộc, yếu tố tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội gắn bó chặt chẽ với nhau, mang tính tự nhiên, khách quan, lịch sử; thiếu một yếu tố không thể hình thành nên Tổ quốc. Trong đó, lãnh thổ là yếu tố vật chất cho sự tồn tại của quốc gia đó, có giá trị thiêng liêng và vĩnh hằng, không có lãnh thổ thì không có nhà nước. Yếu tố chính trị - xã hội được hình thành trên cơ sở yếu tố vật chất, có vai trò quan trọng, tác động trở lại, quyết định bản chất, định hướng phát triển của quốc gia, dân tộc.

Cũng như các loại hình Tổ quốc khác, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng có hai thành tố cơ bản là: tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội. Song, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là loại hình Tổ quốc khác hẳn về chất so với các loại hình Tổ quốc khác trong lịch sử. Đó là: Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ra đời gắn liền với thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa, là sản phẩm đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chế độ chính trị xã hội xã hội chủ nghĩa được thiết lập do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Mục tiêu của nó là xây dựng một chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa, với nhiều đặc trưng tốt đẹp, đặc biệt là xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

Đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là thành quả của cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh của Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như các quốc gia khác, Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa gồm yếu tố tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội gắn kết chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Trong đó, về yếu tố tự nhiên - lịch sử, Việt Nam là quốc gia có lãnh thổ riêng, gắn với nó có cộng đồng dân tộc Việt Nam sinh sống trên lãnh thổ đó đã hàng nghìn năm, được quốc tế thừa nhận. Về yếu tố chính trị - xã hội hiện nay là chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là sự lựa chọn, xác lập của nhân dân. Đó là quá trình tất yếu, khách quan, sự lựa chọn của lịch sử, mà không ai có thể phủ nhận. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: Việt Nam “là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”; “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Đặc biệt, Hiến pháp khẳng định, Việt Nam là quốc gia có độc lập, chủ quyền của mình trên mọi lĩnh vực. Đó là quyền làm chủ tuyệt đối, toàn vẹn, đầy đủ về lãnh thổ quốc gia và mọi mặt về phương diện chính trị, như: quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; các vấn đề về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Việt Nam,… đều do Việt Nam tự quyết định, các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp, mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Điều đó cho thấy, trong chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết về chính trị, đối nội, đối ngoại là biểu hiện rõ nhất tính độc lập, tự chủ của một quốc gia có chủ quyền. Như vậy, chủ quyền quốc gia và chế độ chính trị luôn gắn bó chặt chẽ, biện chứng với nhau, không thể tách rời.

Mặt khác, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa là bảo vệ thành quả cách mạng của Nhân dân; bảo vệ chế độ tốt đẹp thực sự mang lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sự ra đời, xác lập vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu khách quan, là sự lựa chọn của lịch sử, được thừa nhận, ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”2. Đảng chỉ có mục tiêu duy nhất, luôn hy sinh cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; xây dựng nước Việt Nam theo con đường xã hội xã hội chủ nghĩa, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Không chỉ về mặt lý luận, thực tiễn đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và là lực lượng duy nhất có năng lực lãnh đạo, quy tụ sức mạnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề pháp lý nhằm bảo đảm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên thực tế. Đối với biên giới đất liền giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) trước năm 1975 chủ yếu mang tính lịch sử, thì sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết cơ bản vấn đề này. Đến nay toàn bộ chiều dài hơn 5.000km đường biên giới đất liền của nước ta từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang đã được hoạch định bằng một loạt văn bản pháp lý quốc tế, được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng với tư cách là các quốc gia độc lập có chủ quyền. Hiện nay, biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,56km, trong đó có 383,914km là sông, suối đã hoàn thành việc phân giới, cắm mốc vào ngày 31/12/2008, với 1.971 cột mốc, bao gồm 1.548 mốc chính và 422 mốc phụ, v.v. Biên giới Việt Nam - Lào đã hoàn thành tăng dầy, tôn tạo cột mốc. Biên giới Việt Nam - Campuchia đã hoàn thành phân giới, cắm mốc được trên 84%, còn lại khoảng 16% hai bên phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Về chủ quyền biển, đảo, ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tiếp đó, ngày 12/11/1982, Chính phủ ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Ngày 02/7/2012, Chủ tịch nước  Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký sắc lệnh số 16/2012/L-CTN công bố Luật biển Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XIII) thông qua. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho các văn bản, pháp luật về biển và quản lý biển của nước ta; là cơ sở để Việt Nam tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề phân định vùng biển chồng lấn với các quốc gia láng giềng. Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định về phân định ranh giới biển với Thái Lan; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; Hiệp định phân định thềm lục địa chồng lấn với Indonesia. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Hiệp định quản lý chung vùng nước lịch sử với Campuchia (năm 1982), khai thác chung thềm lục địa với Malaysia (năm 1992).

Về kinh tế, xã hội, hiện nay Việt Nam là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nếu năm 1989, GDP của nước ta chỉ là 6,3 tỉ USD, thì năm 2022 đã đạt hơn 400 tỉ USD, tăng hơn 60 lần, đứng thứ 37 thế giới, đứng thứ năm trong ASEAN và trong nhóm 14 nước châu Á. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng thứ năm trong ASEAN. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, nổi bật là: xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, v.v. Bên cạnh đó, tình hình chính trị, xã hội ổn định; dân chủ được phát huy; người dân được tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật; các dân tộc bình đẳng, cùng nhau đoàn kết, phát triển; quốc phòng, an ninh được củng cố, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó là sự kết tinh sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là những lợi ích chính trị cốt lõi cần phải được bảo vệ, đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc3. Vì vậy, nội hàm của bảo vệ Tổ quốc phải bao hàm: gắn bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, đó là một thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ, tác động lẫn nhau, không thể tách rời. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Muốn bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ phải có chế độ chính trị mạnh và ổn định; có giai cấp, lực lượng lãnh đạo ưu tú, thực sự là đại biểu của nhân dân, có đường lối đúng đắn, được toàn dân ủng hộ, phải có sức mạnh kinh tế, quốc phòng, an ninh và chính sách đối ngoại đúng đắn. Ngược lại, một đất nước yếu về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; không có lực lượng lãnh đạo ưu tú, mâu thuẫn lợi ích với nhân dân,… đất nước đó không thể bảo vệ được Tổ quốc và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là quy luật.

Vì vậy, quan điểm cho rằng, bảo vệ Tổ quốc chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chứ không phải là bảo vệ một thể chế chính trị hay bảo vệ một đảng phái nào là hoàn toàn sai trái cả lý luận và thực tiễn, đi ngược lại quy luật tồn tại phát triển của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc phải gắn với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là nguyên tắc bất di bất dịch, là quy luật tồn tại phát triển của nước ta. Xa rời quan điểm trên là sai lầm, dẫn đến những nguy cơ tan rã, nguy cơ sụp đổ chế độ, mất độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc./.

Admin

Thong ke