Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với các quan điểm sai trái

28 08 2024

in trang

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với các quan điểm sai trái

Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ở mỗi thời kỳ, nhất là những bước ngoặt, thời điểm khó khăn của cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam càng chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác đấu tranh bảo vệ Đảng, với những yêu cầu về nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Lịch sử của Đảng đã cho thấy các nhà lãnh đạo của Đảng đã nhận thức rất sớm và thấy được yêu cầu rất quan trọng của việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo vệ nội bộ nên đã tiến hành đấu tranh rất kiên quyết, kịp thời. Có thể thí dụ như, trước sự phá hoại của lực lượng Tờrốtxkít vào những năm 30 thế kỷ XX, năm 1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương đã viết tác phẩm Tơrốtxky và phản cách mạng, trong đó vạch trần các âm mưu, thủ đoạn, bản chất phản động của lực lượng này. Tiếp đó, trước sự không thành công trong bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ của Mặt trận Dân chủ, tháng 7-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường viết tác phẩm Tự chỉ trích để ổn định tư tưởng trong Đảng và trong phong trào cách mạng, trong đó đã chỉ ra một nguyên nhân rất quan trọng của sự việc là khinh thường nạn tờrốtxkít và chỉ rõ bản chất cũng như thủ đoạn của lực lượng này ở Việt Nam. Đầu những năm 1940, các phần tử AB (là chữ Anti-bolchevik viết tắt), chính là bọn phản động chống lại đường lối của Đảng ta. Ngày 25-12-1944, Tổng Bí thư Trường Chinh viết bài trên báo Cờ giải phóng “kinh nghiệm công tác, làm thế nào nhận biết một phần tử AB”. Bài báo phân tích kinh nghiệm để phát hiện sự giả dối và phản động của những phần tử chống phá tư tưởng này. Trong những năm 60 thế kỷ XX, xuất hiện chủ nghĩa xét lại ở phong trào cộng sản quốc tế, tấn công vào giá trị khoa học, cách mạng, xuyên tạc, bôi đen, đòi xét lại những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 9 khóa III (tháng 12-1963), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ quốc tế của Đảng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Đảng phải bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống lại chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa biệt phái trong phong trào cộng sản quốc tế, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc....

Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước với muôn vàn khó khăn, thách thức. Bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi từ sự kiện sụp đổ hệ thống CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 1990 đưa đến sự đảo lộn cả trật tự thế giới cho đến diễn biến, hậu quả của các cuộc “cách mạng màu” diễn ra ở các nước Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI (còn được gọi với những tên gọi cụ thể khác nhau như “cách mạng cam /nhung /hạt dẻ/hoa hồng/hoa tulip...” ở Trung Đông, Bắc Phi, “cách mạng đường phố” (Maidan ở Ucraina), “cách mạng nghị trường” ở Gruzia, Vênêduêla...) và cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn trên thế giới hiện nay ngày càng gay gắt với nhiều rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn cho các nước vừa và nhỏ.

Ở trong nước, Đảng vừa lãnh đạo cách mạng Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa nghiên cứu hoàn thiện dần lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; rất nhiều vấn đề lý luận mới đã được Đảng tổng kết, bổ sung, phát triển như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), bổ sung, phát triển năm 2011; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...

Cùng với đó là tác động xấu của mặt trái nền kinh tế thị trường; những khó khăn khách quan trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, nhất là trong những năm qua...

Tất cả những vấn đề mới đó luôn bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc, chống phá. Căn cứ vào Cương lĩnh của Đảng và yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng cũng như tình hình cụ thể của từng thời điểm, Đảng tiếp tục chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận... về công tác lý luận, tư tưởng nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng với những yêu cầu phù hợp với từng tình hình. Như: Nghị quyết số 01-NQ/TW về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay (tháng 3-1992); Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; Thông báo kết luận số 94-TB/TW ngày 30-12-2002 thông báo kết luận của Ban Bí thư về nhiệm vụ tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; Thông báo số 213-TB/TW ngày 02-01-2009 thông báo kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đặc biệt, ngày 22-10-2018, lần đầu tiên, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành một nghị quyết chuyên đề, toàn diện về lĩnh vực công tác này (Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới). Tiếp đó, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 53-KL/TW ngày 04-6-2019 về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội... Ban Bí thư đã chỉ ra những yêu cầu cụ thể như “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ nhân dân; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, cùng với đó là những nhiệm vụ, giải pháp rất cơ bản, toàn diện, được tổ chức và đạt được thành công rất lớn. Những kết quả rất quan trọng đã được ghi nhận tại Đại hội XIII: “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”(16).

Admin

Thong ke