Bối cảnh tình hình mới và yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

16 12 2023

in trang

Trong những năm tới, xu hướng toàn cầu hóa, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn đóng vai trò chủ đạo, là do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không phân biệt thể chế chính trị; nhiều vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi tất cả các nước cùng chung tay giải quyết; vấn đề quan trọng, cốt lõi của các quốc gia trên thế giới vẫn là bảo đảm cho an ninh, cuộc sống của người dân nước mình...

Tuy nhiên, xu hướng trên cũng sẽ còn nhiều trở ngại, thách thức, như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng; xuất hiện xu hướng xa rời hội nhập kinh tế, mong muốn sự độc lập hoặc sự hội nhập tốt nhất chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ các nước, ở một số quốc gia vì cho rằng toàn cầu hóa mang lại sự phụ thuộc, nhiều rủi ro cho nền kinh tế của họ...

Xu hướng cạnh tranh chiến lược nước lớn Mỹ - Trung Quốc - Nga và các nước khác (EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Canađa... đóng vai trò là các cực vừa và nhỏ) sẽ ngày càng gia tăng với các đặc điểm mới, khó dự đoán. Mối quan hệ trong tam giác chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga không chỉ phản ánh bản chất, mâu thuẫn cơ bản..., mà còn thể hiện các quan điểm, chủ trương khác nhau về định hướng xây dựng trật tự thế giới trong tương lai, trong đó Trung Quốc và Nga ủng hộ chủ nghĩa đa cực và đa phương, phản đối trật tự do Mỹ dẫn dắt.

Cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là sự tranh giành ảnh hưởng đối với các nước nhỏ và sự can thiệp nội bộ trực tiếp hoặc hậu thuẫn của Mỹ, phương Tây đối với các nước khác thể chế chính trị hoặc không thân thiện. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp. Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiếp tục bị chi phối, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột quân sự; những vấn đề về an ninh phi truyền thống trong thời gian tới có thể diễn ra gay gắt, phức tạp với những hệ lụy khó lường hơn.

Trong nước, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đảng ta, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy tình hình kinh tế đất nước thời gian tới dự báo còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các mục tiêu về phát triển, tăng trưởng kinh tế khó đạt kết quả như mong muốn; an ninh, quốc phòng vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở các địa bàn chiến lược, các vấn đề phức tạp về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục... chưa thể giải quyết triệt để trong thời gian ngắn; vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn tồn tại sẽ làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.

Tất cả những vấn đề được dự báo ở trên đang, sẽ tiếp tục là “chất liệu”, là các nội dung, các vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước triệt để lợi dụng xuyên tạc, đưa tin giả, thông tin xấu độc để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ trên môi trường mạng xã hội; tác động đến cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới.

Từ nay đến Đại hội XIV, các vấn đề về nhân sự, văn kiện chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031... được dự báo sẽ tiếp tục là những chủ đề xuyên suốt bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá quyết liệt đối với cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, trong những năm tới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là sự phát triển bùng nổ của truyền thông xã hội, internet toàn cầu, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại thì các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, trong đó có những khó khăn, thách thức mới trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đó là về phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị như các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng, sử dụng internet, mạng xã hội là phương tiện chủ yếu để truyền tải, tán phát tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch để chống phá nền tảng tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; sử dụng các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo để lan truyền, tán phát tin tức một chiều, phiến diện, thiếu kiểm chứng, tin giả, tin xấu độc...; thách thức đến từ trình độ khoa học kỹ thuật trong nước còn lạc hậu so với thế giới dẫn đến sự phụ thuộc của chúng ta đối với các nền tảng công nghệ nước ngoài...

Admin

Thong ke