Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động sử dụng mạng xã hội của học sinh, sinh viên thành phố Hải Phòng
15 11 2023
in trangNgày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, con người có thể tự do chia sẻ, nói lên những suy nghĩ, tình cảm của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Blog… Tác dụng của mạng xã hội mang đến nhiều thông tin và truyền tải nhiều điều hữu ích song đó cũng lại là công cụ để các thế lực thù địch chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch luôn nhằm vào thanh niên, coi đây là đối tượng dễ lung lạc, số lượng đông lại thường xuyên tham gia mạng xã hội. Với đoàn viên, thanh niên việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội là việc làm quan trọng hiện nay.
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, con người có thể tự do chia sẻ, nói lên những suy nghĩ, tình cảm của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Blog… Tác dụng của mạng xã hội mang đến nhiều thông tin và truyền tải nhiều điều hữu ích song đó cũng lại là công cụ để các thế lực thù địch chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch luôn nhằm vào thanh niên, coi đây là đối tượng dễ lung lạc, số lượng đông lại thường xuyên tham gia mạng xã hội. Với đoàn viên, thanh niên việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội là việc làm quan trọng hiện nay.
1. Mạng xã hội trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các thiết bị thông minh là sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, v.v.. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người (tương đương 73,7% dân số). Mạng xã hội đã và đang ngày càng trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam. Sự phát triển nhanh như vũ bão của mạng xã hội đã đem lại những lợi ích rất to lớn, trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin của mọi người đặc biệt là học sinh, sinh viên - những người dễ tiếp cận và đam mê tìm hiểu cái mới. Trong khuôn khổ thực hiện bài viết này, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát nhanh đối với trên 10.000 học sinh, sinh viên với độ tuổi từ 15 đến trên 24 tuổi trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Qua khảo sát, 100% số học sinh, sinh viên tham gia khảo sát đều sử dụng mạng xã hội, có em còn dùng nhiều mạng xã hội cùng một lúc để truy cập và sử dụng hằng ngày. Với nhiều lợi ích thiết thực, nhưng mạng xã hội đã khẳng định được vai trò thiết yếu trong đời sống hàng ngày của các em học sinh, sinh viên thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, không chỉ mang lại những mặt tích cực, mạng xã hội cũng đang bộc lộ ra những mặt trái, gây ra nhiều hệ lụy đối với các em học sinh, sinh viên, gia đình và xã hội.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị, bất bình, bất mãn trong nước và nước ngoài vẫn luôn nung nấu thực hiện các âm mưu diễn biến hòa bình nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mạng xã hội là một trong những công cụ mà số đối tượng trên sử dụng để thực hiện các thủ đoạn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ, nói xấu, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của lãnh đạo thành phố. Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, các thế lực thù địch cũng có sự thay đổi, “vận dụng”. Chúng đang dần gây dựng nhóm cộng tác viên mới, có độ tuổi trẻ hơn có khi còn là học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường để tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chống phá, phá hoại đất nước ta, dung nạp những . Không chỉ có xu hướng cập nhật những kiến thức hiện đại, khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin cao, lực lượng học sinh, sinh viên còn mang trong mình sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tuy nhiên, nhận thức, bản lĩnh về tư tưởng, chính trị của các em chưa đủ vững vàng, dễ hoang mang, dao động, dễ bị tác động trước các luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch và các đối tượng xấu đưa ra, hướng lái; trở thành cánh tay đắc lực để số đối tượng chống đối lợi dụng vào các hoạt động chống phá, phá hoại.
Trên thế giới đã có nhiều bài học về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng trong học sinh, sinh viên. Ví dụ như tại Hồng Kông, lợi dụng việc bất mãn với sự bất bình đẳng, phân hóa giàu/nghèo, thất vọng về tương lai của bản thân, vấn đề Dân chủ và khao khát được hiện thực hóa lý tưởng của mình, nhóm thủ lĩnh chủ chốt (đều là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường) đã kêu gọi, lôi kéo học sinh, sinh viên tại Hồng Kông tổ chức phòng trào với hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối chính phủ như “Cách mạng ô dù” (năm 2014), “Phong trào dù vàng - Hồng Kông” (năm 2019-2020).... Các phong trào biểu tình được đẩy lên cao và kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hồng Kông trong nhiều năm, làm tê liệt nhiều ngành kinh tế. Nền kinh tế từng được coi là “con rồng Châu Á” rất nhanh đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng âm.
Tại Việt Nam, trên một số trang mạng xã hội của các tổ chức nước ngoài, tổ chức phản động, trang cá nhân của một số đối tượng cực đoan đã lợi dụng vào tình hình bất ổn ở Hồng Kông để suy diễn, xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam, kêu gọi học sinh, sinh viên cũng đứng lên như tại Hồng Kông, chúng hô hào, tuyên truyền tình hình Hồng Công sẽ lan tỏa và nên “noi gương” tập hợp cùng xây dựng phong trào xuống đường biểu tình đòi tự do, đòi dân chủ. Những đối tượng này đều là số đối tượng chống đối chế độ, phản động lưu vong trong nước và nước ngoài. Đây là một trong những thủ đoạn lôi kéo, lợi dụng không gian mạng, mạng xã hội của các đối tượng đưa các thông tin sai lệch, không chính thống, không đầy đủ để lôi kéo học sinh, sinh viên nhằm đạt được mong muốn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của chúng trong xây dựng chiến lược “Diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”.
2. Từ mạng “ảo” đến thế giới “thật”
Qua công tác nghiên cứu lý luận, trực tiếp đấu tranh và tổng kết từ thực tiễn của lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhóm tác giả cho rằng thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng mà các thế lực thù địch đang tác động đối với học sinh, sinh viên thành phố Hải Phòng có thể kể chia thành một số dạng như sau:
(1) Lợi dụng Internet, mạng xã hội truyền bá những tư tưởng lệch lạc, sai trái về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gây hoài nghi về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong thời đại công nghệ thông tin, học sinh, sinh viên thường có xu hướng tìm kiếm thông tin nhanh chóng trên Internet. Lợi dụng các nền tảng tìm kiếm, truyền thông trực tuyến, mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối sẽ tìm mọi cách để lan truyền thông tin xấu độc, sai lệch hay thậm chí là xuyên tạc về chủ trương, đường lối, của Đảng, Nhà nước, chế độ, chính sách trong điều hành, phát triển của thành phố. Các thông tin này có thể là thông tin không chính xác, tin đồn hoặc có một phần sự thật nhưng đã được biến tấu nhằm gây sự hoài nghi, phản đối, làm mất niềm tin của bộ phận học sinh, sinh viên về công cuộc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới của thành phố và đất nước. Thủ đoạn này tuy không mới, nhưng vẫn luôn là một vấn đề nan giải, kéo dài và vẫn chưa thể có giải pháp triệt để để hạn chế các tác động tiêu cực.
Kết quả cuộc khảo sát đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng của nhóm tác giả cho thấy: có khoảng 13,3% các em học sinh, sinh viên cho rằng “những Fanpage, hội nhóm không chính thống tuy hay giật tist, câu view nhưng thông tin cập nhật sẽ nhanh hơn các trang chính thống, vì vậy, để cập nhật các thông tin nóng hổi một cách nhanh nhất thì phải theo dõi, tham gia các fanpage, hội nhóm này”. Bên cạnh đó, số liệu về việc theo dõi các fanpage facebook của các em học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố chúng tôi thu được qua bài khảo sát: Cổng thông tin điện tử thành phố: 57,8%, VTV24: 66,4%, Thành đoàn Hải Phòng: 36,5%...; trong khi đối với các trang thông tin không chính thống: Việt Tân: 35,3%, Sự thật 24h: 46,9%, Tiếng nói Hoa Kỳ: 12,3%... Số liệu này không chỉ nói lên nguy cơ về việc tiếp cận các thông tin giả mạo, sai sự thật của một bộ phận học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố, mà còn đặt vấn đề về công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị chính thống.
(2) Đánh vào tâm lý ham tìm đọc những thông tin đời tư, “giật gân”, tin “nóng” của giới trẻ, các thế lực thù địch, số đối tượng bất mãn, chống đối sẽ khai thác, thu thập từ nhiều nguồn các thông tin về đời tư, thân nhân của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố để xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, hạ uy tín; khai thác các thông tin liên quan đến công tác quy hoạch cán bộ, luân chuyển, bổ nhiệm, hoặc việc xử lý kỷ luật, khiển trách đối với các vị trí lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố để công kích, xuyên tạc tình hình nội bộ. Thông qua việc tạo các bài viết, các hình ảnh cắt ghép, video với nội dung xúc phạm, bôi nhọ hoặc châm biếm; chúng nhắm vào tâm lý hiếu kỳ, “bắt trend” của giới trẻ để thu hút, kích động, hướng lái dư luận, tạo ra những hiệu ứng tiêu cực, làm suy giảm lòng tin của giới trẻ đối với chính quyền, gây hoài nghi về công cuộc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới của thành phố và đất nước.
(3) Bên cạnh việc tuyên truyền chủ đích, đưa các thông tin sai lệch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong học sinh, sinh viên, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, chống đối sử dụng các chiến thuật gây chia rẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực trên Internet. Bằng việc nêu ra những quan điểm trái chiều, tạo ra các chủ đề để tranh cãi; học sinh, sinh viên sẽ dễ dàng bị cuốn vào các cuộc tranh luận không có điểm dừng trên các diễn đàn, mạng xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, chống đối lồng ghép các nội dung xuyên tạc thông tin, kích động mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh và sinh viên; tạo ra một môi trường căng thẳng, gây rối, phá vỡ sự đoàn kết và niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
(4) Thu thập bí mật nhà nước, bí mật quân sự: Lợi dụng sự tò mò, ham tìm hiểu, khám phá của giới trẻ, các đối tượng xấu có thể tạo ra những câu chuyện giả mạo và tin tức sai lệch, trong đó mô tả, hướng dẫn về việc khám phá những khu vực cấm, địa điểm cấm và thu thập các bí mật nhà nước hoặc bí mật quân sự. Tin tức này có thể lan truyền nhanh chóng và gây tò mò cho một bộ phận học sinh và sinh viên trên địa bàn thành phố. Thành phố Hải Phòng có đặc thù với hơn 125km đường bờ biển, lại là nơi đặt trụ sở Quân khu 3, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về các thủ đoạn, hoạt động lợi dụng học sinh, sinh viên để thu thập bí mật nhà nước, bí mật quân sự. Chỉ với các thông điệp kích động, lôi cuốn như "sự ganh đua với cái cấm", "khám phá những bí mật chưa được biết đến", chúng dễ dàng thu hút sự quan tâm và tham gia của đám đông trên không gian mạng; thậm chí là các trò chơi, cuộc thi hoặc thách thức trên mạng xã hội để tạo ra một cảm giác "đặc biệt", "nổi bật", đồng thời khuyến khích việc thu thập thông tin bí mật và đăng tải lại, chia sẻ như là một phần của việc xây dựng hình ảnh cá nhân, khẳng định giá trị bản thân... Vậy là vô tình, tính chủ động, ham học hỏi, khám phá cũng như năng lượng, nhiệt huyết của giới trẻ đã bị lợi dụng vào những mục đích chính trị, gián điệp.
(5) Lợi dụng mạng xã hội kích động tụ tập đông người: Bằng việc tạo ra các sự kiện giả mạo, các đối tượng xấu có thể lôi kéo, kích động nhiều người tham dự các cuộc biểu tình, hội thảo hoặc cuộc gặp gỡ, nhằm tạo ra sự kích động, tập trung sự chú ý của học sinh và sinh viên vào những vấn đề phản đối hoặc phá hoại tư tưởng của Đảng. Các hình thức tương tác trực tuyến như livestreams, video trực tiếp, hoặc chia sẻ nội dung đa phương tiện cũng có thể được lợi dụng để lan truyền thông điệp phản động, phá hoại tư tưởng, kích động học sinh, sinh viên tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến ANTT. Trong bài khảo sát nhanh do nhóm tác giả thực hiện, có khoảng 20,7% các em học sinh, sinh viên tại Hải Phòng cho rằng sẽ tham gia bất cứ hoạt động thực tế nào được kêu gọi trên không gian mạng, miễn là hoạt động đó có đông người tham gia hoặc có một vài người bạn của mình đã đăng ký tham gia; chỉ có khoảng 55% cho rằng cần phải tìm hiểu xem ban tổ chức là ai và các yêu cầu tham gia là gì, cơ quan quản lý nhà nước có đồng ý việc tổ chức trên hay không trước khi đăng ký tham gia sự kiện.
Để phòng, chống tiêu cực nói chung từ mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên, lãnh đạo thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Thành đoàn Hải Phòng đã có những chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các nhà trường, Đoàn thanh niên trên địa bàn thành phố ban hành nhiều nội quy, quy tắc sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, học sinh, sinh viên khi hoạt động trên các trang mạng xã hội phải thể hiện được nếp sống văn minh, lịch sự của cá nhân và truyền thống nhân văn của nhà trường, quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Các em học sinh, sinh viên không được đưa hình ảnh, viết bài, bình luận có nội dung ảnh hưởng uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân; không sử dụng, “lướt mạng” trong thời gian học tập trên lớp, thời gian nghiên cứu tự học…
Hiện nay, Đoàn Thanh niên tại các nhà trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố trực tiếp tham mưu lãnh đạo cơ sở trong việc tổ chức, chỉ đạo toàn bộ công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên theo đúng quy chế, quy định. Cán bộ, giáo viên và Đoàn Thanh niên nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả; yêu cầu học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc quy định, nội quy của nhà trường về ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời, có nhiều kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh, sinh viên tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về các văn bản, quy định của cấp trên và của nhà trường về sử dụng mạng xã hội cũng như đối với các hoạt động khác trên không gian mạng; khuyến khích học sinh, sinh viên đóng góp bổ sung ý kiến về các nội quy, quy tắc của nhà trường trong sử dụng mạng xã hội nhằm tạo tâm lý thoải mái, tự do trên cơ sở bảo đảm an toàn thông tin đối với học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, tại các nhà trường, cơ sở giáo dục của thành phố, các cán bộ, giáo viên nhà trường đều chủ động quản lý, hướng dẫn các hoạt động học tập, tìm hiểu, khai thác thông tin, tài liệu trên các mạng xã hội, khuyến khích sử dụng mạng xã hội như một công cụ học tập hữu ích. Đa số các nhà trường đều thành lập các diễn đàn trên trang thông tin điện tử của trường. Các diễn đàn này là nơi cung cấp đầy đủ, chính xác cho học sinh, sinh viên những tin tức, sự kiện của nhà trường, các hoạt động của ngành giáo dục, cũng như các sự kiện thời sự nóng hổi và có khả năng giải quyết các vướng mắc của học sinh, sinh viên. Tại các lớp học, các nhóm mạng xã hội cũng được giáo viên chủ động thành lập để trao đổi các thông tin liên quan giữa nhà trường, gia đình, bản thân các em học sinh, sinh viên trong quá trình học tập, sinh hoạt tại nhà trường và các cơ sở giáo dục; đồng thời, cũng là kênh để cán bộ, giáo viên nhà trường kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của học sinh, sinh viên, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý sớm các trường hợp có dấu hiệu bị dẫn dụ, lừa đảo, lệch lạc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… trên không gian mạng.
Có một điều đáng mừng mà qua việc khảo sát, điều tra xã hội học mà nhóm tác giả nhận thấy là các em học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố đã có sự tự trang bị, tự nhận thức được một số thủ đoạn của thế lực thù địch, nhận biết các tin giả, tin sai sự thật, tin chưa được kiểm chứng. Hơn 54% các em tham gia khảo sát khẳng định việc tuyên truyền của các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là lực lượng công an đã định hướng được nhận thức của bản thân cũng như bạn bè xung quanh. Như vậy, việc tuyên truyền mà cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đang triển khai cơ bản đã đi đúng hướng và đạt được hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động sử dụng mạng xã hội của học sinh, sinh viên thành phố Hải Phòng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như:
- Một số nơi, tại một số thời điểm, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong học sinh sinh viên thành phố vẫn chưa được quan tâm đúng mức; một số đơn vị cơ sở chỉ chú trọng việc phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng nhưng lại chưa quan tâm, thậm chí coi nhẹ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng đối với học sinh sinh viên; chưa có đổi mới, sáng tạo trên không gian mạng, chưa tạo được sức hút trong giáo dục chính trị tư tưởng.
- Cùng với cuộc Cách mạng 4.0, sự ra đời, phát triển của Internet và mạng xã hội đã cung cấp cho giới trẻ một kênh chủ yếu để tiếp nhận nhiều luồng thông tin một cách chủ động. Giờ đây, thông tin không còn chỉ được học sinh, sinh viên tiếp nhận thụ động qua thầy cô trên lớp, qua các hoạt động của nhà trường hay trên tivi khi các em xem ngoài những giờ trên trường lớp nữa. Các em hoàn toàn có thể sử dụng máy tính, điện thoại di động để khai thác Internet ở bất cứ đâu, theo bất cứ chủ đề nào mà các em muốn. Thậm chí, các em còn có thể chủ động chia sẻ, lan tỏa các thông tin cho bạn bè, người thân chỉ với vài thao tác trên mạng xã hội… Vậy, mỗi ngày, các em học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố đọc những thông tin gì, tiếp nhận những gì, từ những nguồn tin như thế nào? Đó là một trong những thách thức lớn đặt ra cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan quản lý thông tin, và cũng là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và bản thân các em học sinh, sinh viên tại Hải Phòng.
- Các trang Fanpage của nhà trường, cơ sở giáo dục đăng tải các thông tin tuyên truyền, thông tin chính thống còn có hạn chế nhất định, chưa tạo được sức hút đối với các em học sinh, sinh viên, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Ví dụ việc tuyên truyền và tham gia một hoạt động rất nổi bật như Hội thi Olympic toàn quốc các môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ V của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động, với mục đích của cuộc thi nhằm tạo môi trường giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập các môn lý luận chính trị, qua đó nâng cao ý thức chủ động vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào học tập, công tác và rèn luyện bản thân. Thực tế, qua theo dõi, đến thời điểm thống kê của nhóm tác giả không có bất kỳ fanpage của nhà trường trên địa bàn đăng tải, phát động học sinh, sinh viên tham gia hội thi, thậm chí, qua khảo sát, chỉ có 35% số học sinh, sinh viên nắm được Hội thi này, một con số vô cùng nhỏ.
- Các nội quy, quy tắc ứng xử trên không gian mạng của các trường, các cơ sở giáo dục đối với học sinh, sinh viên còn chưa chặt chẽ, một số nơi ban hành nội quy, quy tắc về sử dụng mạng xã hội nhưng lại lúng túng trong khâu kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, khâu bảo mật hệ thống thông tin, việc kiểm soát thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên còn chưa chặt chẽ, tạo điều kiện để các đối tượng xấu khai thác, thu thập thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố để phục vụ các mục đích riêng, không loại trừ các hoạt động lợi dụng để tiếp cận các em trên không gian mạng, tuyên truyền cá biệt, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại tư tưởng…
3. Chung tay “phủ xanh” mạng xã hội
Việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch được dự báo sẽ gia tăng cả về quy mô và số lượng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt hơn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sự phát triển khoa học công nghệ trên thế giới đang ngày đạt được những thành tựu vượt bậc với những công nghệ về dữ liệu lớn (Bigtdata), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ truyền thông thời gian thực (Livestreams), công nghệ Blockchain… sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, khi mà việc tuyên truyền, lan tỏa thông tin xấu độc, chống phá sẽ được diễn ra “thông minh” hơn, với tốc độ nhanh hơn, đưa đến các mục tiêu chính xác hơn, và quan trọng là rất khó trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Đội ngũ học sinh, sinh viên thành phố Hải Phòng là nhóm đối tượng có nhiều đặc thù mà chắc chắn các thế lực thù địch, số đối tượng chống đối sẽ nhắm tới. Tuy nhiên, không chỉ là đối tượng cần phải bảo vệ, lực lượng học sinh và sinh viên thành phố, với số lượng đông đảo, cùng tri thức, tính năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ còn có thể đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng nếu được định hướng đúng đắn và được trang bị những kiến thức cần thiết.
Với đặc thù là thành phố trực thuộc trung ương, nền giáo dục của Hải Phòng luôn phát triển mạnh mẽ, tạo ra sức hút đối với học sinh, sinh viên các tỉnh, thành lân cận tới cư trú, học tập. Vì vậy, vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động sử dụng mạng xã hội của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng là một trong những vấn đề bức thiết, cần được quan tâm đúng mức. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong hoạt động sử dụng mạng xã hội của học sinh, sinh viên thành phố như sau:
(1) Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thông qua việc giáo dục và tuyên truyền về lý tưởng, mục tiêu của Đảng, giúp các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó trang bị cho các em những kiến thức, bản lĩnh vững vàng trước những luận điệu sai trái, chống phá từ bên ngoài.
(2) Chia sẻ, khuyến khích và hướng dẫn các em theo dõi, khai thác các tài nguyên trực tuyến chính thống như trang web chính phủ, các cơ quan truyền thông có uy tín, và các nguồn thông tin chính thống khác. Đảm bảo rằng học sinh, sinh viên được tiếp cận thông tin chính xác và đáng tin cậy trước khi phải đối mặt với những luồng thông tin trái chiều trên mạng xã hội.
(3) Tạo ra các kênh giao tiếp trên không gian mạng và tuyên truyền trực tuyến chính thống mạnh mẽ như các trang web, diễn đàn, blog, các trang mạng xã hội chính thống; xây dựng một cộng đồng trực tuyến tích cực, nơi mà học sinh, sinh viên có thể thảo luận, chia sẻ ý kiến, và hỗ trợ nhau về các vấn đề quan trọng. Đây là nơi để truyền tải thông tin chính xác, phản biện các quan điểm sai trái, thù địch, cung cấp nội dung chất lượng bao gồm bài viết, video, các tài liệu phân tích nhằm giải thích bản chất các vấn đề quan trọng, làm rõ những các thông tin sai lệch, đồng thời cung cấp lập luận khoa học để đối phó và phản bác những quan điểm sai trái. Từ đó góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến tích cực, nơi để các bạn trẻ tìm kiếm thông tin đúng đắn một cách sớm nhất, trao đổi ý kiến cá nhân và nhận được sự động viên, hỗ trợ từ cộng đồng.
(4) Tạo ra môi trường học tập tích cực, qua đó giáo dục, nâng cao năng lực phản biện và đánh giá thông tin: Xây dựng môi trường học tập tích cực trong trường học và trên mạng xã hội, nơi mà học sinh và sinh viên được khuyến khích thảo luận, chia sẻ ý kiến, và học hỏi từ nhau. Tạo ra không gian an toàn và tôn trọng để các em cảm thấy tự do thể hiện quan điểm và trao đổi ý kiến mà không bị đe dọa hoặc cấm cản. Đồng thời, nhà trường và các cơ quan chức năng cũng cần cung cấp cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố các khóa đào tạo, buổi hội thảo hoặc các hoạt động thực hành về kỹ năng phản biện, đánh giá thông tin và phân tích nguồn tin trên mạng xã hội; giúp các em nhận ra và đối phó với thông tin sai lệch, tin tức giả mạo và các chiến lược lừa đảo trực tuyến.
(5) Hợp tác chặt chẽ giữa gia đình và cộng đồng: Tạo môi trường giao tiếp liên tục, chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục và tuyên truyền về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Gia đình và cộng đồng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, hỗ trợ và kịp thời can thiệp đối với các em học sinh, sinh viên trong quá trình tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn đa dạng trên Internet.
(6) Thiết lập quy định và chính sách an ninh mạng: Mỗi trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố cần có các quy định và chính sách rõ ràng về an ninh mạng như các nội quy, quy tắc nhằm hạn chế một số hoạt động trên không gian mạng và đặt ra các yêu cầu cần tuân thủ, bao gồm cả việc cấm hoặc hạn chế truy cập vào một số trang web hoặc nội dung không phù hợp; đặt ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm và hậu quả của học sinh và sinh viên khi vi phạm nội quy, quy tắc sử dụng mạng xã hội; thiết lập cơ chế giám sát, có thể ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để đảm bảo các nội quy, quy định được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách để bảo vệ quyền riêng tư của học sinh và sinh viên trên mạng xã hội cũng rất cần thiết. Cần phải đảm bảo rằng thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên không bị truy cập, khai thác với mục đích phi giáo dục. Các cơ sở giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý học sinh, sinh viên của mình trên môi trường mạng, không thái quá nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật.
“Đảng ta là Đảng của dân”; trực tiếp người dân cùng chung tay trong công tác tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Lực lượng học sinh, sinh viên thành phố Hải Phòng là lực lượng xung kích, đi đầu trên mọi tuyến để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo nguồn năng lượng tích cực trên mạng xã hội./.
Nguồn: Cửa Biển
Đoàn Khối các cơ quan thành phố
- Quận đoàn Hồng Bàng
- Quận đoàn Lê Chân
- Quận đoàn Ngô Quyền
- Quận đoàn Dương Kinh
- Quận đoàn Hải An
- Quận đoàn Kiến An
- Quận đoàn Đồ Sơn
- Huyện đoàn Thủy Nguyên
- Huyện đoàn Tiên Lãng
- Huyện đoàn An Dương
- Huyện đoàn Cát Hải
- Huyện đoàn Vĩnh Bảo
- Huyện đoàn An Lão
- Huyện đoàn Bạch Long Vĩ
- Huyện đoàn Kiến Thụy
- Đoàn Thanh niên Công an thành phố
- Đoàn Thanh niên Bộ đội biên phòng
- Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Cảng Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên Xăng dầu khu vực III
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Vận tải biển
- Đoàn Thanh niên Khu kinh tế Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Điện lực Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc
- Đoàn Thanh niên Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp
- Đoàn khối các cơ quan thành phố
- Đoàn khối doanh nghiệp thành phố
- Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hàng Hải
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Y Dược Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng