Một số điểm mới của Luật Thanh niên năm 2020 so với Luật Thanh niên năm 2005
09 11 2023
in trang
Một số điểm mới của Luật Thanh niên năm 2020 so với Luật Thanh niên năm 2005
Luật Thanh niên 2020 được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 16/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. So với Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 có những điểm mới cơ bản sau đây.
1. Luật Thanh niên năm 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương quy định 8 quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên nhưng thể hiện theo cách quyền và nghĩa vụ đi liền với nhau, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, các điều khoản còn khá chung chung, chưa tách bạch rõ ràng giữa quyền và nghĩa vụ của nhóm đối tượng này. Trong khi đó, về bản chất, quyền và nghĩa vụ là hai khái niệm có bản chất hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thanh niên với tư cách là một công dân có các quyền và nghĩa vụ như một công dân.
Trên cơ sở đó, để khắc phục nhược điểm của Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 được thiết kế theo hướng không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, mà chỉ dành 01 điều chung quy định về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên tại Điều 4 về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên như sau:
1. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2. Thanh niên có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.
2. Luật Thanh niên năm 2020 có một chương riêng quy định về trách nhiệm của thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể về trách nhiệm của thanh niên mà thông qua các quy định về quyền, nghĩa vụ của thanh niên để thể hiện trách nhiệm của thanh niên trong một số lĩnh vực như trong học tập, trong lao động, trong bảo vệ Tổ quốc, trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, trong bảo vệ sức khỏe, hoạt động thể dục, thể thao, trong hôn nhân và gia đình, trong quản lý nhà nước và xã hội. Đồng thời Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương riêng quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên (Chương 3).
Tuy nhiên, nhằm khẳng định trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, Chương II của Luật Thanh niên năm 2020 gồm 04 Điều quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc; đối với Nhà nước và xã hội; đối với gia đình và đối với bản thân thanh niên để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu và thực hiện trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cụ thể:
- Đối với Tổ quốc, thanh niên có trách nhiệm phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu và đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
- Đối với Nhà nước và xã hội, thanh niên có trách nhiệm gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân; tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
- Đối với gia đình, thanh niên có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình và tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
- Đối với bản thân, thanh niên có trách nhiệm rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội; tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn; chủ động tìm hiểu về thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp; rèn luyện ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp; sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động; rèn luyện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng, chống bệnh tật; không lạm dụng rượu, bia; hạn chế sử dụng thuốc lá; không sử dụng ma túy, chất gây nghiện và chất kích thích khác mà pháp luật cấm; phòng, chống tác hại từ không gian mạng và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
3. Luật Thanh niên năm 2020 quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên
Tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật về thanh niên của một số quốc gia trên thế giới, cũng như một số luật của Việt Nam như Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; Điều 6 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới; Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình… cho thấy các luật đều có quy định mang tính nguyên tắc trong tổ chức, thực hiện pháp luật nói chung. Do đó, Luật Thanh niên năm 2020 quy định 01 điều mang tính nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên tại Điều 5, cụ thể:
- Quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật
- Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên.
- Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
- Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Việc xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm sự tham gia của thanh niên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
- Xử lý kịp thời, nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm theo quy định của Luật Thanh niên.
4. Luật Thanh niên năm 2020 quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên, do đó không đảm bảo nguồn lực để thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trên cơ sở đó và đồng thời thông qua nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Luật Thanh niên của Cộng hòa Serbia([1]); Luật Thanh niên Bungari[2]; Luật Thanh niên Latvia[3] cho thấy Luật Thanh niên của các nước này đều quy định về nguồn lực quốc gia dành cho việc thực hiện chính sách thanh niên. Vì vậy, Luật Thanh niên 2020 đã quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật tại Điều 6. Theo đó, Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và đóng góp hợp pháp khác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Có thể khẳng định, đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong thời gian tới.
5. Luật Thanh niên quy định Tháng Thanh niên, đối thoại với thanh niên
Từ năm 2003, Đảng, Nhà nước đã lấy tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bồi dưỡng lực lượng thanh niên - nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật Thanh niên đã dành 01 điều quy định tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Việc tổ chức Tháng Thanh niên nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh quan trọng của thanh niên, trách nhiệm của toàn xã hội đối với thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đây cũng là tháng để thanh niên cả nước hăng hái thi đua, triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, xung kích, tình nguyện, thực hiện các chương trình, phần việc thanh niên, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào hoạt động của thanh niên trong năm. Đồng thời, đây cũng là dịp Đảng, Nhà nước tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương điển hình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" quy định: Chính quyền các cấp định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên. Trong những năm qua, Lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên. Luật Thanh niên dành 01 điều quy định về đối thoại với thanh niên (Điều 10) là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên thông qua những hoạt động đối thoại với thanh niên. Quy định về đối thoại với thanh niên đã được cụ thể hóa tại Chương II Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
6. Luật Thanh niên năm 2020 quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Chương III).
Luật Thanh niên 2005 đã quy định các chính sách của nhà nước đối với thanh niên nhưng lại gắn với trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên. Vì thế nhiều chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được triển khai có hiệu quả.
Để chính sách, pháp luật đối với thanh niên đi vào cuộc sống, Luật Thanh niên năm 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một Chương riêng để tránh chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật có hiệu lực và triển khai trên thực tiễn. Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên; trong đó, quy định nguyên tắc định hướng để thực hiện các chính sách làm cơ sở cho việc bảo đảm cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học (Điều 16); chính sách về lao động, việc làm (Điều 17); chính sách về khởi nghiệp (Điều 18); chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe (Điều 19); chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao (Điều 20); chính sách về bảo vệ Tổ quốc (Điều 21).
Đồng thời, đối với một số đối tượng thanh niên có tính “đặc thù”, Luật Thanh niên năm 2020 cũng đã quy định một số chính sách đối với thanh niên xung phong (Điều 22); chính sách đối với thanh niên tình nguyện (Điều 23); chính sách đối với thanh niên có tài năng (Điều 24); chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số (Điều 25); chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhóm yếu thế phát triển và phát huy nhóm thanh niên tích cực, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng thanh niên (Điều 26). Cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cụ thể hóa tại Chương III Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
7. Luật Thanh niên năm 2020 quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên; trong khi đó những tổ chức này có vị trí, vai trò và sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 Chương quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (Điều 31); trách nhiệm của tổ chức xã hội (Điều 32); trách nhiệm của tổ chức kinh tế (Điều 33); trách nhiệm của cơ sở giáo dục (Điều 34); trách nhiệm của gia đình đối với thanh niên (Điều 35). Các quy định này tạo nền tảng pháp lý quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đông thời tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành lập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Bên cạch đó, các quy định của Luật Thanh niên năm 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục của gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng; được giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.
8. Luật Thanh niên năm 2020 quy định cụ thể nhiệm vụ, cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; đồng thời cũng không quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Đây là hạn chế để triển khai thực thi các chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 8 nhiệm vụ cụ thể: Giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên (Điều 37); quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn. Quy định 8 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. Quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành và lĩnh vực. Quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương./.
Admin
- Quận đoàn Hồng Bàng
- Quận đoàn Lê Chân
- Quận đoàn Ngô Quyền
- Quận đoàn Dương Kinh
- Quận đoàn Hải An
- Quận đoàn Kiến An
- Quận đoàn Đồ Sơn
- Huyện đoàn Thủy Nguyên
- Huyện đoàn Tiên Lãng
- Huyện đoàn An Dương
- Huyện đoàn Cát Hải
- Huyện đoàn Vĩnh Bảo
- Huyện đoàn An Lão
- Huyện đoàn Bạch Long Vĩ
- Huyện đoàn Kiến Thụy
- Đoàn Thanh niên Công an thành phố
- Đoàn Thanh niên Bộ đội biên phòng
- Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Cảng Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên Xăng dầu khu vực III
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Vận tải biển
- Đoàn Thanh niên Khu kinh tế Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Điện lực Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc
- Đoàn Thanh niên Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp
- Đoàn khối các cơ quan thành phố
- Đoàn khối doanh nghiệp thành phố
- Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hàng Hải
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Y Dược Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng