LẠI ĐỘI LỐT “NHÂN QUYỀN” CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA VIỆT NAM

13 08 2024

in trang

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trương Huy San vì có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các hành vi nêu trên phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự.


Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu không có chuyện sau khi ông Trương Huy San bị bắt một số tổ chức như: Bảo vệ Ký giả,  n xá Quốc tế, Văn bút Mỹ và mới đây là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) đã ra thông báo đề nghị chính quyền Việt Nam “cần ngay lập tức phóng thích nhà báo độc lập” Trương Huy San cũng như hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông. 

Chiêu trò, luận điệu trên đã cũ mèn, bởi cứ lần nào cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ, xử lý những đối tượng phạm tội kiểu tương tự như trên là các tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí với Việt Nam lại như đám kền kền xâu xúm vào rỉa rói, bới móc.

Trước hết, cần phải thấy việc cơ quan chức năng của Việt Nam khởi tố, bắt giữ ông Trương Huy San là việc làm bình thường, theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật. Trương Huy San không phải là nhà báo, ở Việt Nam không có cái gọi là “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” , mà chỉ có nhà báo hoạt động trong lĩnh vực báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ hành nghề.

Chúng ta chẳng lạ gì nhân quyền là chủ đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch và một số tổ chức phi chính phủ được sự bợ đỡ của phương Tây luôn tìm cách lợi dụng nhằm thực hiện những động cơ đen tối với Việt Nam. Cái danh “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” chỉ là cái áo mà các thế lực thù địch và các tổ chức thiếu thiện chí dựng lên, khoác cho những kẻ đã vi phạm pháp luật Việt Nam nhằm kiếm cớ bóp méo, xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền; bao che, kích động những đối tượng vi phạm pháp luật; đội lốt “nhân quyền”, kiếm cớ can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.


Hành động của các tổ chức nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Quy định về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được đề cập trong các điều ước quốc tế. Đặc biệt, trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, lần đầu tiên đã quy định về nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác ở Điều 2. Sau đó tại Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác tiếp tục được ghi nhận cụ thể và rõ ràng hơn.

Nền tảng pháp lý của nguyên tắc này là các nước, các tổ chức quốc tế có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và toàn vẹn chính trị của một quốc gia. Nội dung chính của nguyên tắc theo Nghị quyết 2625 là: Không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. Theo đó: Can thiệp vũ trang và tất cả các hình thức can thiệp hay đe dọa chống lại tư cách của quốc gia hay chống lại các đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó, đều là vi phạm luật pháp quốc tế; không quốc gia nào có thể sử dụng hay khuyến khích sử dụng các biện pháp cưỡng ép bằng kinh tế, chính trị hay các hình thức khác nhằm buộc quốc gia khác phải phụ thuộc mình khi thực hiện các quyền chủ quyền và nhằm bảo đảm các lợi thế ở bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, Nghị quyết 2625 còn quy định: Không quốc gia nào được tổ chức, hỗ trợ, khuyến khích, tài trợ, kích động hay dung thứ cho hành vi lật đổ, khủng bố hay các hoạt động vũ trang trực tiếp nhằm lật đổ bằng bạo lực thể chế của quốc gia khác, hoặc can thiệp vào các cuộc bạo động dân sự ở quốc gia khác... Theo Nghị quyết 2625, việc sử dụng bất cứ hình thức nào nhằm ngăn cản các dân tộc có bản sắc quốc gia cấu thành hành vi vi phạm các quyền không thể tách rời của các dân tộc đó và vi phạm nguyên tắc không can thiệp…

Đối với Việt Nam, trong nhiều văn bản pháp luật, Nhà nước Việt Nam cũng quy định rõ các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó phải: Tôn trọng pháp luật và phong tục, tập quán của Việt Nam; không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam... Thế nhưng các tổ chức đã nêu vẫn phớt lờ những quy định và nguyên tắc ấy. Điều này càng lộ rõ thông qua những việc làm và phát ngôn của một số nhân vật đại diện cho các tổ chức ấy trong thời gian qua./.
 

Theo: Sống Xanh

Đoàn khối các cơ quan thành phố

Thong ke