[TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI “TUYỀN TRUYỀN CÁC MÔ HÌNH “DÂN VẬN KHÉO” THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, ĐÔ THỊ VĂN MINH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ” 2024] - TRONG ĐẠI BÃO YAGI - NGHĨ VỀ "SỨC MẠNH LÒNG DÂN"
30 10 2024
in trang
KỲ 01: ĐẠI BÃO YAGI - "SÁU MƯƠI NĂM MỚI CÓ MỘT LẦN"
Đó là chia sẻ của những cụ già ở cái tuổi “xưa nay hiếm” mỗi lần nhắc lại sức tàn phá của bão số 3 - đại bão Yagi. Khi bình minh ngày 07/9/2024 vừa ló rạng, người dân các tỉnh, thành ven biển miền Bắc đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Xuất phát từ Biển Đông, cơn đại bão hướng thẳng vào Vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 13 - 14, giật cấp 15, có nơi giật cấp 16 - 17. Không lâu sau, Hải Phòng cùng các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ trở thành những điểm đầu tiên phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên với sức tàn phá kinh hoàng, trong đó có huyện Cát Hải - đảo cát bồi nằm giữa hai cửa sông Bạch Đằng và Nam Triệu phía Đông Bắc thành phố.
ĐẢO NGỌC TAN HOANG, THẤT THỦ SAU BÃO
Bão số 3 đổ bộ vào đảo Cát Bà với sức gió cấp 11 giật cấp 14 đã làm hư hại hàng trăm khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trụ sở cơ quan, đâu đâu cũng thấy cây xanh gãy đổ khiến cho hòn đảo du lịch vốn sôi động, sầm uất trở nên tiêu điều. Chỉ trong ba ngày sau khi bão Yagi quét qua, Đảo Ngọc Cát Bà đã trở thành một vùng đất hoang tàn, thiệt hại nặng nề chưa từng có.
Chợ đêm Cát Bà, vốn là điểm thu hút khách du lịch, nay chỉ còn là tàn tích. Cơn bão Yagi với sức gió rất lớn đã cuốn bay 45 ki-ốt bán đồ lưu niệm nằm trên đường 1/4, thị trấn Cát Bà. Những tiểu thương kinh doanh tại chợ ra thu dọn nhưng hầu hết hàng hoá đã không còn, những gì sót lại chỉ là những quầy hàng đổ nát. Bà Nguyễn Thị Huệ, một chủ ki-ốt đã không giấu được nỗi buồn khi nhìn toàn bộ tài sản hàng trăm triệu đồng của mình bị mất trắng. “Bố tôi đã 85 tuổi và chưa từng thấy Cát Bà bị tàn phá nặng nề như thế này”, bà nghẹn ngào chia sẻ.
Cũng như những tuyến đường trong đất liền hay trong khu vực nội thành Hải Phòng, con đường xuyên đảo Cát Bà vốn được mệnh danh là “cung đường ven biển đẹp nhất miền Bắc” giờ ngổn ngang xác cây cùng những tấm biển quảng cáo bị gió bão đánh vỡ toác. Tại khu vực Trung tâm thị trấn Cát Bà, hai bên đường đầy những cây xanh, cột điện gãy đổ cùng những tấm tôn, khung thép bị gió bão quật biến dạng nằm chỏng chơ trên đất. Dọc con đường 1/4, tuyến đường đẹp nhất của đảo Cát Bà, hàng trăm khách sạn và nhà hàng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, biển hiệu, mái hiên, cửa kính vỡ vụn, mọi thứ trở nên tan hoang. Trên nóc các tòa nhà cao tầng, những mái tôn bị đổ sập trơ ra khung thép bị uốn cong. Giàn mái che bằng thép của khách sạn Hùng Long sụp đổ hoàn toàn, các công trình có kết cấu khung thép, mái tôn đều bị thổi bay. Một số nhà hàng trên cùng con đường cũng bị tốc mái, cửa kính vỡ tan, làm hư hỏng toàn bộ tài sản bên trong. Anh Lê Mạnh Hiệp, chủ khách sạn Dolphin Hotel 230 ước tính gia đình anh thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Anh cho biết thêm: “Nếu muốn đón khách quốc tế, phải mất ít nhất một tháng nữa, còn phần lớn các cơ sở sẽ phải chờ đến hè năm sau”. LePont Cat Ba Bungalow, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nằm trên mỏm núi nhìn ra biển đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Hơn 21 căn nghỉ dưỡng từng kín khách nay chỉ còn là đống đổ nát, ước tính thiệt hại lên đến 10 tỷ đồng. Nhân viên khu nghỉ dưỡng đã dọn dẹp suốt nhiều ngày liên tục nhưng vẫn chưa thể hoàn thành. Trận bão số 3 đi qua đã biến cả khu du lịch trở nên hoang tàn, đồ đạc hư hỏng chất thành đống. Người dân Cát Bà cho hay đây là trận bão với sức tàn phá chưa từng thấy khiến cho hầu hết các gia đình ở đây đều bị thiệt hại, hộ ít cũng vài chục triệu đồng, cơ sở kinh doanh thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí tới hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng.
Sức tàn phá của bão Yagi không chỉ giới hạn ở các cơ sở du lịch mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân. Theo thống kê của huyện Cát Hải, cơn bão số 3 đã khiến 12 người bị thương, hơn 4.700 căn nhà, cơ sở kinh doanh dịch vụ bị hư hỏng, trong đó có hơn 130 công trình bị hư hỏng nặng, thậm chí nhiều ngôi nhà gần như bị hư hỏng hoàn toàn; 20 trường học, 08 cơ sở y tế, 27 nhà văn hoá, 17 công trình di tích lịch sử văn hoá bị hư hại; 52 công trình bao gồm Trụ sở Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và nhiều cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang bị thiệt hại.
Đặc biệt, trận bão số 3 đổ bộ đã làm đổ 01 trạm biến áp trung thế, gãy đổ 28 cột điện, 10 cột viễn thông và làm hư hỏng nhiều đoạn dây trung thế, hạ thế, thậm chí trạm 110KV Cát Bà cũng bị tốc mái nước mưa tràn vào phòng điều khiển. Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, viễn thông và nước sạch bị tê liệt hoàn toàn. Các con đường trên đảo bị ngập tràn cây đổ và rác thải. Các điểm du lịch nổi tiếng như động Thiên Long, động Thiên Cung, động Trung Trang đều phải đóng cửa cho đến khi sửa chữa xong thiệt hại. Bãi biển Tùng Thu vốn là nơi đông đúc khách du lịch giờ đây hoang vắng, không một bóng người. Ước tính thiệt hại về cơ sở vật chất công cộng của huyện đảo Cát Hải lên tới hàng trăm tỷ đồng.
NGƯ DÂN ĐẢO CÁT MẤT TRẮNG
Không chỉ trên đất liền, đại bão Yagi còn gây ra thiệt hại nặng nề với các khu vực trên biển. Theo thống kê có tới 18 tàu bị đắm, trong đó có 09 tàu du lịch, 09 tàu cá. Cùng với đó là 19 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị đứt dây neo trôi dạt trên biển bị hư hỏng nặng, 42 thuyền nan bị đắm…Chị Nguyễn Thị Nhài, một lái đò có thâm niên hơn 10 năm tại bến Bèo buồn rầu khi chia sẻ về sự mất mát của người dân nuôi cá lồng bé trên khu vực các Vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà: “Nhiều gia đình mất trắng số tiền hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, trong khi đang nợ đầm, nợ đìa”.
Là người trực tiếp chứng kiến gió bão quần thảo suốt hơn 4 tiếng đồng hồ, ông Vũ Văn Hương (Thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) chủ lồng bè nuôi cá ở vịnh Cát Bà kể lại, mặc dù được núi bao quanh bao bọc, che chở, nhưng bão gió nơi đây vẫn rất khủng khiếp. Có thời điểm gió bão cuốn bay mọi thứ, kể cả nước biển, tạo vòng xoáy như vòi rồng. Sóng gió liên tục nâng các lồng bè lên rồi hạ xuống như vận động viên bơi nước rút trên biển. Nhiều thời điểm, sóng cao hàng mét trùm qua toàn bộ khu vực nhà chòi. “Trong lúc gió bão kinh hoàng ấy, tôi chỉ biết ôm chặt cây cột lớn để khỏi bị gió cuốn bay lên trời”, ông Hương kể lại mà ánh mắt vẫn hằn rõ sự kinh hoàng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Sát gần đó là lồng bè nuôi cá của gia đình ông Vũ Văn Vóc, cùng ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng. Ông Vóc bắt đầu câu chuyện không phải là thiệt hại do bão số 3 gây ra, mà là những khó khăn mà những hộ nuôi cá lồng bè ở Cát Bà, trong đó có gia đình ông phải trải qua từ năm 2020 đến nay. Theo ông Vóc, chỉ trong vòng hơn bốn năm, gia đình ông cũng như các chủ cơ sở nuôi cá lồng bè có tới ba lần điêu đứng do hứng chịu khó khăn, thiệt hại. Lần thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Khi ấy, hàng chục tấn cá trong lồng bè mặc dù đã đến kỳ xuất bán, chẳng ai hỏi mua kể cả những thương lái gắn bó 10 - 20 năm. Sau đó, do không còn tiền để mua cá mồi và thu hồi phần nào vốn bỏ ra để trả lãi vay, ông phải “cắn răng” bán cá theo giá “giải cứu” 120.000 - 130.000 đồng/kg trong khi vào thời điểm trước đó khoảng 320.000 - 350.000 đồng/kg. Sau vụ cá lỗ đến quá nửa ấy, gia đình ông Vóc phải ngừng nuôi một thời gian để thực hiện việc di dời và sắp xếp lại lồng bè trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà theo Nghị quyết số 05 của Hội đồng nhân dân thành phố.
“Gia đình tôi may mắn nằm trong số gần 120 hộ của đợt 1 và đợt 2 được tái nuôi trồng tại vị trí mới. Tuy nhiên, để tiếp tục nuôi cá lồng bè, tôi đã phải vay mượn thêm gần 250 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa lồng bè bảo đảm yêu cầu của huyện cũng như thành phố”, ông Vóc chia sẻ. Hơn một năm kể từ khi chuyển tới chỗ nuôi mới, gia đình ông Vóc vẫn chưa thu hoạch được lứa cá nào thì bão số 3 đổ bộ. Theo thống kê sơ bộ của ông, gió bão cuốn trôi số cá thịt ước tính khoảng 500 triệu đồng của gia đình, đó là chưa kể tới số cá giống được chăm bẵm nhiều tháng qua. “Đùng cái mất hàng trăm triệu đồng không phải đơn giản. Nhưng đó là thiên tai, gia đình tôi không biết bao giờ làm sao bây giờ. Chỉ mong thành phố và huyện có sự quan tâm, hỗ trợ, nhất là vay vốn với lãi suất ưu đãi, để chúng tôi có thể tiếp tục làm nghề”, ông Vóc chia sẻ trong sự nghẹn ngào.
Anh Đỗ Mạnh Toàn, một hộ nuôi cá ở bến Cái Bèo cũng cho biết, gia đình anh có hàng chục ô lồng nuôi cá với sản lượng khoảng 60 tấn, vừa qua do việc tiêu thụ gặp khó khăn nên lượng cá của các hộ còn lại khá lớn. Trước khi bão đổ bộ, gia đình anh Toàn cùng các hộ dân khác được tuyên truyền kịp thời những biện pháp ứng phó để hạn chế thiệt hại, việc gia cố lồng bè, chằng chống các căn chòi được thực hiện khẩn trương theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng. Tuy vậy, do cường độ cơn bão quá mạnh, hướng đi khó lường nên khi tràn qua đã cuốn đi nhiều lồng bè và cá trước sự bất lực của người dân.
“Chưa thống kê hết được, thiệt hại nặng lắm, nhà chòi rồi lồng bè xiêu vẹo hết cả. Trước mắt chắc chắn đã thiệt hại một lồng với ba con cá song vua, mỗi con 50kg, mấy lồng nuôi cá song thương phẩm và nuôi cá giò cũng hỏng, cá đi hết. Ước tính thiệt hại của riêng gia đình tôi khoảng 700 - 800 triệu đồng”, anh Đỗ Mạnh Toàn buồn bã chia sẻ. Cũng theo anh Toàn, trong số hơn 100 cơ sở nuôi cá lồng bè gần như không còn chỗ nào nguyên vẹn, có hộ mất tới 06 bè cá, có hộ lồng bè bị đứt dây chằng trôi dạt đi nơi khác, có hộ mới đóng xong một loạt bè gỗ giờ cũng tan hoang. “Khi chứng kiến cảnh tài sản mà tôi và gia đình dành bao tâm huyết, của cải gây dựng, chăm sóc bị bão tàn phá, nước mắt cứ tứa ra lã chã hòa cùng nước mưa chảy xuống biển”, anh Toàn tâm sự.
Không chỉ có gia đình ông Vóc, ông Hương, anh Toàn mà 19 hộ nuôi cá lồng bè tại các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà bị thiệt hại tương tự. Trong đó, gia đình ông Đang bị sập hơn 10 ô lồng bè, gia đình ông Quang - Cẩn hơn nửa số bè bị đứt trôi tứ tán, gia đình ông Long bị sập nhà chòi,…Sau bão số 3, người nuôi cá lồng bè ở đảo Cát Bà tập trung xuống biển sửa chữa, gia cố lại cơ sở vật chất, trang thiết bị để bắt đầu vụ nuôi mới. Nước biển Cát Bà vốn đã nhiều muối vì không gần vùng cửa sông, giờ lại thêm vị mặn của những giọt mồ hôi với quyết tâm giữ biển và bám biển của biết bao ngư dân làng cá.
Cơn bão đi qua, chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng để khắc phục hậu quả. Xe xúc, công an, bộ đội, lực lượng dân phòng và cả những bạn đoàn viên, thanh niên huyện đảo nỗ lực dọn dẹp đường hè và khơi thông các tuyến giao thông quan trọng. Tuy nhiên, với quy mô thiệt hại lớn, đảo Ngọc Cát Bà nói riêng và huyện Cát Hải nói chung sẽ cần nhiều thời gian và công sức để hồi phục, đặc biệt trong bối cảnh các cơ sở du lịch và dịch vụ cần sửa chữa dài hạn. Hơn lúc nào hết, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành và quan trọng hơn cả là sự đoàn kết, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh mạnh mẽ, đưa huyện đảo sớm vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này./.
(Còn nữa)
- Bảo Minh -
- Quận đoàn Hồng Bàng
- Quận đoàn Lê Chân
- Quận đoàn Ngô Quyền
- Quận đoàn Dương Kinh
- Quận đoàn Hải An
- Quận đoàn Kiến An
- Quận đoàn Đồ Sơn
- Huyện đoàn Thủy Nguyên
- Huyện đoàn Tiên Lãng
- Huyện đoàn An Dương
- Huyện đoàn Cát Hải
- Huyện đoàn Vĩnh Bảo
- Huyện đoàn An Lão
- Huyện đoàn Bạch Long Vĩ
- Huyện đoàn Kiến Thụy
- Đoàn Thanh niên Công an thành phố
- Đoàn Thanh niên Bộ đội biên phòng
- Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Cảng Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên Xăng dầu khu vực III
- Đoàn Thanh niên C.ty CP Vận tải biển
- Đoàn Thanh niên Khu kinh tế Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Điện lực Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên C.ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc
- Đoàn Thanh niên Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp
- Đoàn khối các cơ quan thành phố
- Đoàn khối doanh nghiệp thành phố
- Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Hàng Hải
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Đại học Y Dược Hải Phòng
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II
- Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng