MIẾU VUA BÀ - KIẾN TRÚC VĂN HÓA TÂM LINH

01 03 2023

in trang

Miếu Bà tôn thờ vị hoàng hậu cuối cùng của vương triều nhà Tống (Trung Quốc). Hoàng hậu cùng hoàng tộc bị nhà Nguyên âm mưu sát hại năm 1279 đã phiêu bạt ra biển Đông về phía Đại Việt (Cửa Lò, Nghệ An). Trên đường đi đánh giặc Chiêm Thành, vua Trần cùng đoàn quân dừng nghỉ chân đóng đô tại Trang Đoan Lễ (làng Văn hóa Đoan Lễ ngày nay) thì được vua Bà linh ứng báo mộng, dâng kế sách giúp vua Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Đất nước được thái bình, vua Trần xuống chiếu sắc phong cho người “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thượng Đẳng Thần” và cho dựng lập miếu thờ.

Làng Văn hóa Đoan Lễ, xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng có phong cảnh hữu tình, nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, có địa hình, địa thế quan trọng, vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và kinh tế, là cầu nối giữa thành phố Hải Phòng với vùng than Quảng Ninh bằng quốc lộ số 10 với dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Trong các thời kỳ chống giặc ngoại xâm, vào thế kỷ thứ X, năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, thế kỷ thứ XIII năm 1288, Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên phá tan âm mưu xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Nhân dân nơi đây đã dựng lập Miếu, Đền thờ những vị đã có công chiến đấu hy sinh quên mình để bảo vệ quê hương, đất nước như: đền thờ tướng quân Phạm Tử Nghi, miếu thờ cụ Lý Hồng, miếu thờ Hoàng hậu Triệu Loan (vua Bà) và 2 công chúa Thanh Lương, Hoàng Lương từ thế kỷ thứ XII.

Miếu Bà tôn thờ vị hoàng hậu cuối cùng của vương triều nhà Tống (Trung Quốc). Hoàng hậu cùng hoàng tộc bị nhà Nguyên âm mưu sát hại năm 1279 đã phiêu bạt ra biển Đông về phía Đại Việt (Cửa Lò, Nghệ An). Trên đường đi đánh giặc Chiêm Thành, vua Trần cùng đoàn quân dừng nghỉ chân đóng đô tại Trang Đoan Lễ (làng Văn hóa Đoan Lễ ngày nay) thì được vua Bà linh ứng báo mộng, dâng kế sách giúp vua Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Đất nước được thái bình, vua Trần xuống chiếu sắc phong cho người “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thượng Đẳng Thần” và cho dựng lập miếu thờ.

Theo truyền thuyết từ xa xưa, ngôi miếu thờ rất linh ứng, cho đến ngày nay trong nhân gian sự linh ứng vẫn còn nguyên giá trị. Các thế hệ phụng thờ hương khói. Ngôi miếu cổ đã trải qua thời gian biến cố thăng trầm, thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi miếu bị hỏng nát, xuống cấp trầm trọng. Mặc dù đã nhiều lần tu sửa nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ do điều kiện kinh tế nên chưa đáp ứng được sự tôn nghiêm của ngôi miếu.

Năm 2006, được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, MTTQVN xã, Ban quản lý di tích cùng các tín đồ Phật tử đi vận động quyên góp công đức ủng hộ của nhân dân, các nhà hảo tâm, các cơ quan doanh nghiệp đóng góp công sức, tiền của tôn tạo, xây dựng ngôi miếu được khang trang như ngày nay. Thể hiện sự báo đáp ân thâm, sinh thành tạo hóa kính đền nghĩa cả, dưỡng dục dựng xây, toàn dân phụng sự, cây gốc nước nguồn. Kiến trúc ngôi miếu xây dựng kiểu chữ Đinh, tòa bái đường gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu, mái lợp ngói múi, bờ nóc trang trí lưỡng long trầu nhật, lưỡng kim ngậm bờ nóc, gian chính giữa lắp bộ cửa gỗ kiểu bức bàn (thượng son hạ bản) kết cấu bộ khung chịu lực. Tòa bái đường làm bằng chất liệu gỗ tứ thiết. Kết cấu kiến trúc vì nóc kiểu chuồng rường, giá chiêng truyền thống vì lách chuồng rường con nhị, trang trí hoa văn kiểu đấu sen, lá thật đơn giản. Tòa hậu cung theo kiểu quấn vòm, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi miếu cổ vẫn được bảo tồn đến ngày nay và còn lưu giữ được 1 số hiện vật có giá trị và được bảo quản khá tốt như: sắc phong, bức chương đá, cổ mũi giáo đồng, cùng các đồ thờ tự khác.

Miếu vua Bà là một kiến trúc văn hóa tâm linh tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân làng, xã, các Phật tử thập phương. Ngôi miếu và quần thể di tích được tôn tạo, nâng cấp khang trang như ngày nay có sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, Ban quản lý di tích cùng nhân dân địa phương đã có ý thức bảo vệ giữ gìn và giữ được những hiện vật hết sức có giá trị. Các lễ hội được dân làng tổ chức theo đúng tiết lệ hàng năm, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Căn cứ theo các quy định và hướng dẫn về pháp lệnh tôn giáo, luật di sản văn hóa và quy định của cấp trên. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, các tín đồ phật tử, ngày 02/5/2018 UBND xã, BQL di tích lịch sử xã Tam Hưng, HQĐQT làng Văn hóa Đoan Lễ lập hồ sơ kính đề nghị các cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét và vinh danh miếu vua Bà là di tích lịch sử văn hóa thành phố. Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ được các cơ quan có thẩm quyền, huyện, thành phố thẩm định. Ngày 15/8/2018 UBND thành phố quyết định xếp hạng di tích thành phố, di tích lịch sử miếu Vua Bà xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đây là niềm vui mong đợi, tự hào của nhân dân xã Tam Hưng nói chung, nhân dân làng Văn hóa Đoan Lễ nói riêng, là một trong hai cụm di tích lịch sử được xếp hạng cấp thành phố, là ghi nhận của huyện, thành phố đối với nhân dân làng, xã Tam Hưng trong việc duy tu, bảo tồn và giữ gìn các di tích, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Một di tích lịch sử miếu Vua Bà nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Hàng năm ngày mùng 5 tháng 8 lễ thánh hóa, 15 tháng Giêng tế kỳ an, ngoài ra còn có lễ tế thường tân và thượng, hạ điền. Trong tế lễ có rước bát hương từ miếu về đình mở hội, giã hội lại rước trở lại miếu tế tạ an vị. Lễ thánh hóa thường được tổ chức trong 3 ngày (từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 8) và là lễ hội lớn nhất trong năm. Lễ hội thu hút được đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, dự hội.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke