MIẾU NAM - XÃ BẮC SƠN - HUYỆN AN DƯƠNG
27 10 2023
in trang
Miếu Nam là tên gọi của địa phương sau này. Nguồn gốc di tích trước đây nguyên là ngôi đình của xã Hà Liễn thời xưa. Đình còn có tên chữ là đình Vạn Thọ, hiện nay đình thuộc thôn Hà Liễn, xã Bắc Sơn. Miếu Nam đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990.
MIẾU NAM - XÃ BẮC SƠN
Miếu Nam là tên gọi của địa phương sau này. Nguồn gốc di tích trước đây nguyên là ngôi đình của xã Hà Liễn thời xưa. Đình còn có tên chữ là đình Vạn Thọ, hiện nay đình thuộc thôn Hà Liễn, xã Bắc Sơn. Miếu Nam đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990.
Hà Liễn (河輦), theo Hán tự có nghĩa là dòng sông đẹp và quý giá. Đình Hà Liên thờ Thành hoàng là Ngài Nguyễn Hồng. Theo bản thần tích của xã Hà Liễn, tổng Song Mai, huyện An Dương, tỉnh Kiến An, do các vị chức sắc của xã khai báo về trên vào đầu Thế kỷ XX. Bản thần tích do Hàn Lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn niên hiệu Hồng Phúc năm đầu ( 1572), quan Quản giám bách thần, Tri điện hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền theo chính bản sao lại niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737). Thân thế sự nghiệp của Ngài Nguyễn Hồng được tóm lược như sau:
Vào thời Lý Nam Đế, tại trang Hà Liễn, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương có gia đình họ Nguyễn, tên là Thành, vợ là Đào Thị Ngọc, gia thế có học nghiệp, thi thư, lễ nhạc, truyền được đến ba, bốn đời. Tuy vậy gia đình, nhà cửa vẫn giữ nếp cần lao, thanh bần. Ông bà Thành tuy tuổi đã ngoài ba mươi nhưng chưa có con nối dõi. Ông, bà Thành thường than vãn vì muộn mằn và ra sức làm việc thiện, mong cầu được trời đất soi xét, ban cho gia đình có ngày được toại ý. Hai ông bà lập một đàn tràng để tế lễ cầu trời, đất, bách thần phù giúp. Trong thời gian cầu đảo, vào một ngày, lúc nửa đêm đang ngủ bà Thành mơ thấy ông, bà lên thiên đình, ngắt được bông hoa quế và ôm trong lòng. Thái bà trong lòng rất vui mừng, sau đó bà tỉnh giấc biết mình nằm mơ. Ba ngày sau ông, bà lễ tạ, một thời gian Thái bà thấy mình mang thai. Đến kỳ sinh nở vào giờ Ngọ, ngày 16 tháng 2 năm Mậu Tý, bà sinh ra người con trai, diện mạo rất phương phi, thân cao lớn. Cha mẹ rất yêu mến và đặt tên là Hồng, đến năm ông Hồng 12 tuổi cha, mẹ cho đi học, qua 4, 5 năm, văn chương quán triệt, học vấn tinh thông. Tuy ông Hồng nhỏ tuổi nhưng đã thể hiện được chí học hành. Ông còn đi tiêu giao đây đó, hưởng thú vui với cuộc sống thiên nhiên đời thường. Bất hạnh đến với gia đình, cha ông bị bệnh qua đời, đó là ngày 1 tháng 8, lúc đó ông Hồng 24 tuổi. Ông Hồng an táng thân phụ và cư tang, ông cùng thân mẫu sống trong cô đơn, gia cảnh bần hàn, ba năm mãn phục. Vào thời đó, năm Ất Mùi, nhà vua mở khoa thi tại triều đình để tuyển chọn nhân tài. Ông Hồng biết chuyện, xin thân mẫu lên Kinh thành ứng thi, thân mẫu đồng ý. Ông Hồng tham gia thi và đã trúng tyển đứng đầu khoa bảng. Ông Hồng được vua cho yết kiến và vua phong cho chức Thượng thư Bộ Hộ, Tham tán mưu sự. Nhận chức, tước xong ông xin nhà vua về bản quán lễ tiên đường, nhà vua cho phép. Ông Hồng về quê hương mở yến tiệc, mời mọi người dân trong trang đến dự, mọi việc xong ông về triều nhậm sự. Khoảng 1, 2 năm được tin thân mẫu qua đời, đó là ngày 13 tháng Giêng, ông xin về chịu tang mẹ. Sau một năm mãn tang, ông trở lại triều đình. Vào thời đó biết triều Lý đang suy vi, nên giặc Ma Na sang xâm lược nước ta. Nhà vua lo lắng triệu tập triều thần họp bàn kế đánh giặc, nhưng chưa tìm được kế hay. Nhà vua liền chiếu ông Hồng đến và nói hiện nay triều đình chưa tìm được kế chống giặc, vì vậy vua phong cho ông làm Thăng đô Ngự sử, đốc xuất các châu, trấn, đạo trong nước để đánh giặc. Ông Hồng dẫn một ngàn tuấn mã cùng ba vạn tinh binh, chia làm hai đường thủy, bộ song hành tiến đánh đồn, trại giặc tại sông Bạch Đằng. Bọn giặc Ma Na nghe tiếng ông Hồng dẫn đại binh đến, tự nhiên quân giặc tẩu tán, quay đầu chạy về nước. Từ đó Ma Na thần phục và tiếp tục triều cống nước ta. Ông Hồng mang quân về triều báo tin thắng trận, nhà vua rất vui mừng, mở yến tiệc khao thưởng tướng sĩ. Sau đó ông Hồng xin vua cho về bản quán, bái lễ tiên đường, ông mở yến tiệc khao lao mọi người dân trong làng. Mọi việc xong xuôi ông Hồng về triều tiếp tục công việc. Trải qua một số năm, lúc ông Hồng 79 tuổi, ông xin nhà vua về trí sĩ tại quê nhà, nhà vua chuẩn tấu. Về quê hương, khoảng qua 3, 4 tháng, vào một ngày ông Hồng không có bệnh và mất, đó là ngày 21 tháng 12. Vào lúc ông mất, bỗng trời đất nổi phong ba, mưa lớn, sấm, sét ầm ầm. Sau một lúc trời quang mây tạnh mọi người thấy chỗ ông Hồng mối đã xông lên thành ngôi mộ lớn, người dân thấy đó là điều linh dị, bèn làm biểu tấu lên nhà vua. Nhà vua rất thương xót cho một vị công thần, trung nghĩa, có nhiều công lao với đất nước. Nhà vua cho quan trong triều mang sắc phong về tận quê hương, truyền cho người dân địa phương lập miếu phụng thờ ông, vua còn ban cho địa phương 100 quan tiền để hương hỏa. Nhà vua sắc phong ban mỹ tự, thần hiệu để phụng thờ ông Hồng cùng với sự trường tồn, thịnh vượng của quốc gia.
Miếu Nam, tức là đình Nam, tên chữ là đình Vạn Thọ, theo tương truyền đình được xây dựng ngay trên nơi Ngài Nguyễn Hồng hóa. Cũng theo các cụ cao niên, đình Vạn Thọ, khởi dựng vào thời Lê trung hưng Thế kỷ XVII. Đình trước đây làm bằng vật liệu truyền thống có ván sàn, lòng thuyền, đại bái năm gian, mái cheo đao tầu góc. Tháng 11 năm 1949, chấp hành lệnh tiêu thổ kháng chiến chống Pháp của trên, ngôi đình Nam đã bị đốt phá. Vào mùa đông năm 1950, mặc dù còn khó khăn trong kháng chiến nhân dân địa phương đã dựng ngôi đình ngay trên nền đất cũ. Gần đây nhất là năm 2012, nhân dân địa phương xây dựng lại miếu Nam trên nền đất cổ xưa.
Miếu Nam nhìn về hướng Tây Nam, hướng cổ xưa của ngôi đình, xa xa là sông Cống Sến, chi lưu của sông Văn Úc và đối ngạn là quần thể di tích, thắng cảnh núi Voi. Miếu Nam có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung trong đó có 1 gian cung cấm. Đình làm bằng vật liệu hiện đại, kết hợp với vật liệu truyền thống, kiến trúc theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu, tay ngai. Đại bái có ba gian cửa chính, cửa bằng gỗ, đóng kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh. Hai gian hồi đại bái, tường bao, xây phía trước trổ của sổ hình chữ nhật đứng, trong đặt tấm đan thoáng hình tròn chữ thọ cách điệu, chầu vào chữ thọ là bốn hoa văn dạng hình con dơi, biểu hiện phúc chầu chữ thọ. Phía trên cửa gian trung tâm đại bái, phần tường xây, đắp bức đại tự, bên trong đắp nổi ba chữ Hán lớn: “Vạn thọ đình” ( 萬夀亭), có nghĩa là ngôi đình bền vững và trường tồn mãi với thời gian. Như vậy đắp chữ Hán trên với mục đích người dân trả lại chính tên ban đầu của thiết chế phụng thờ này. Mái miếu Nam lợp ngói mũi, trên mái đắp trang trí đề tài truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lương long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, ngậm bờ nóc. Phần xây nối dài với hai tường hồi miếu ra phía trước tạo thành tay ngai, ngoài cùng tay ngai là trụ biểu. Trụ biểu có đế xây tạo dáng quả bồng, thân trụ tiết diện vuông, bên trong đắp khung câu đối, đầu trụ đắp trang trí đèn lồng, đỉnh trụ đắp bốn chim phượng tung cánh về bốn phía, đuôi chim phượng thắt lại với nhau ở giữa, xòe rộng ra ở phần trên, trông tổng thể như một đài hoa nở rộng trên bầu trời. Bên ngoài tay ngai còn xây thêm phần tường rộng kiểu cánh gà khá rộng, cánh gà có mái che. Trong cánh gà tạo hình khung vuông lớn, trong khung ô đắp, vẽ trang trí đề tài tứ linh: long, lân, quy, phượng.
Tòa đại bái bộ khung chịu lực làm bằng bê tông cốt sắt, kết cấu gồm bốn bộ vì, vì bốn hàng chân cột, nhưng hàng cột quân gần như nằm trong tường bao che, vì nóc cấu trúc chồng rường con nhị, vì nách thuận chồng hai con. Trên các cấu kiện kiến trúc đắp trang trí mang tính điểm xuyết đề tài lá guột mềm mại, đấu kê con thuận đắp nổi hoa sen cách điệu. Tòa hậu cung gồm ba gian, khung chịu lực kết cấu ba bộ vì, cấu tạo tương tự như bộ vì tòa đại bái. Cung cấm ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống cửa cung, cửa chính của cung ít khi mở, cửa cấu tạo thượng song, hạ bản, ra vào cung cấm chủ yếu bằng cửa nách hai bên cửa chính, cửa nách ngưỡng cao, có một cánh đủ để cho một người đi vào. Cách cấu tạo cửa như trên để gìn giữ thâm cung nơi thánh ngự, nguồn thiêng của di tích.
Như đã nói ở trên năm 1949 đình Nam phải tiêu thổ kháng chiến nên đồ thờ tự tế khí đã bị thất lạc, mất mát. Tuy nhiên hiện nay đình cũng còn bảo tồn được một số cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa sau đây: Kiệu bát cống và kiệu thất cống; Kiệu thất cống; 4 đạo sắc phong của vua triều Nguyễn, ban cho Ngài Nguyễn Hồng làm Bản cảnh Thành hoàng làng Hà Liễn; Bia đá…
Miếu Nam, tức là đình Vạn Thọ xưa của dân làng Hà Liễn, nơi thờ vị đại quan Thượng thư học rộng, tài cao của nhà nước Vạn Xuân. Di tích đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước ta thời vua Lý Bôn của người dân Hà Liễn nói riêng, nhân dân An Dương nói chung. Di tích miếu Nam còn bảo tồn được bộ kiệu thất cống một tác phẩm nghệ thuật duy nhất có ở thành phố Hải Phòng.
Ngày nay nhân dân địa phương đang từng bước gạn đục, khơi trong để kế thừa phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong hội lễ mà tiền nhân xây dựng lên. Cùng với những di tích khác của xã Bắc Sơn, như đình Rướng, chùa Cao Linh… Đặc biệt là ngôi chùa Tường Vân, một ngôi chùa tối cổ có lịch sử khởi dựng từ Thế kỷ VI. Đây là một trong hai ngôi chùa được xác định có niên đại sớm nhất của Hải Phòng ( chùa Đót Sơn, Cấp Tiến, Tiên Lãng cũng có lịch sử xây dựng vào Thế kỷ VI). Chắc chắn miếu Nam sẽ trờ thành địa điểm hội tụ của người dân trong và ngoài thành phố Hải Phòng đến tham quan, chiêm bái
Thành đoàn Hải Phòng