MIẾU LÀNG TIÊN ĐÔI NỘI - XÃ ĐOÀN LẬP HUYỆN TIÊN LÃNG – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
21 06 2024
in trang
NGỌC PHẢ VỊ ĐẠI VƯƠNG CÔNG THẦN
TRIỀU TRƯNG NỮ VƯƠNG
(Chi cấn bộ trung đẳng, bản chính tại bộ lễ triều Lê)
Xét: Xưa kia nước Nam mở vận, phân chia non sông theo cương giới sao Chẩn, sao Dực, đất Bắc phân phong, sắp đặt bờ cõi theo theo khu vực sao đẩu sao ngưu. Khoảng đời Hùng Vương, vua Kinh Dương Vương vâng mệnh phân phong của vua cha trở thành tiên tổ tông phái của các bậc đế vương nước Việt. Hoan châu danh thắng, xây dựng kinh đô, nghĩa lĩnh hình cường, sửa sang Miếu Điện, truyền ngôi tiếp nối, lại xưng Lạc Long Quân, kết duyên cùng tiên nữ ở Động Đình, sống trên núi nghĩa Lĩnh, trên đỉnh núi thường có mây Ngũ sắc rực rỡ bao phủ, từ đó bà âu Cơ có mang, đến kì sinh nở bà sinh một cái bọc trong có trăm trứng nở trăm người con trai khôi ngô tuấn tú, đều là bậc thánh hiền tài cao đức độ hơn người thường. Khi đã trưởng thành vua cha bèn phong hầu trấn giữ các nơi, phân chia nước ta thành mười lăm bộ. Trước đó Long quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta giống rồng, làng rống tiên, tuy dương âm tương hợp mà sinh con nhưng vợ chồng chẳng hợp thủy hỏa tương khắc không thể cùng nhau chung sống mãi được. Thế rồi chia năm mươi người con theo cha xuống biển làm thủy thần cai trị nơi đầu nguồn góc biển, năm mươi người con theo mẹ lên núi sơn thần cai trị chốn đỉnh núi sườn non. Lại hẹn ước với nhau rằng hễ thấy ai có công việc thì cùng đến giúp đỡ, không được bỏ mặc. Vì thế về sau nhà họ Hùng có trăm vị thần sơn thủy thường xuyên ứng hiện, biến hóa thần thông, ngầm giúp đất nước, che chở muôn dân, nhà nào có phúc sẽ gặp được điểm này"
Lại nói: Bấy giờ vào cuối đời vua Hùng thứ 18, họ Hùng suy vi, ý trời làm ra như thế. Trải đến các triều Đông Tây Hán lần lượt cai trị nước ta. Khi ấy ở trang Kim Sá huyện Siêu Loại phủ Thuận An đạo Kinh Bắc (Xưa gọi là quận Vũ Ninh) có ông Nguyễn Húy Hiển lấy vợ là bà Vương thị người bản quận, hai vợ chồng sống cảnh nghèo khó túng thiếu, chặt cây, kiếm củi sinh sống. Tuy vậy vẫn hết lòng làm việc thiện một chút hại nhân cũng không làm, một ly lợi kỷ cũng không màng. Dân nơi đây đều khen vợ chồng ông bà là nhà tích thiện tất sẽ được nhiều niềm vui lớn. Vợ chồng ông một lòng ban hậu tích đức hiểm nỗi tuổi đã cao mà con cái lại muộn mằn, ngày đêm vợ chồng ông cầu khấn buồn rầu không vui. Đêm hôm ấy vào khoảng cuối canh ba, Vương thị đang mơ màng ngủ thiếp đi bỗng mộng thấy mình nuốt một ngôi sao, thế là giật mình tỉnh dậy. Sớm hôm sau kể lại cho chồng nghe, ông nói "Chắc có điềm lành rồi" . Từ đó bà Vương thị thấy trong mình có thai (Hôm ấy là ngày mồng 10 tháng giêng năm giáp thìn ) rồi sinh được một người con trai thiên tư đĩnh dị diện mạo khôi kỳ, mắt thuấn mày nghiêu, vai thang lưng vũ, hình dung tú dị, trông rất lạ thường. Khi ấy trong phòng sinh có một dải mây vàng bao phủ trên nóc nhà, mãi đến tối mới tan. Ông biết đây là thần nhân xuất thế nên rất yêu con và đặt tên là Minh. Ba tuổi biết nói, hiểu điều lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới, biết văn học hiểu âm luật. Bẩy tuổi ông đi học chỉ liếc mắt qua một lượt đã biết, khi ông 12 tuổi thiên tư cao mại, học lực tinh thông, thiên văn địa lý ông đều quán triệt, thuộc binh thư, giỏi võ nghệ, sĩ tử đương thời đều thán phục ông, họ đều khen ông là Thánh đồng. Khi ông 16 tuổi trao ôi! Những biến cố không lường trước được, họa vô đơn trí, cha mẹ ông đều qua đời, ông chọn đất tốt làm lễ an táng, đèn nhang thờ phụng cha mẹ theo đúng nghi thức trong 3 năm. Ông ngẫm nghĩ trong lòng muốn làm việc lớn giáo hóa sĩ dân. Khi ấy ông nhàn du sơn thủy, đi đến khu Tiên Đôi Nội huyện Tân Minh (Xưa gọi là Bình Hà đến đời hậu lê đổi là Tiên Minh) phủ Nam sách đạo Hải Dương (Xưa gọi là Hồng Châu) thấy địa thế nhất cục, sông núi uốn quanh, rồng chầu hổ phục phía trước có thể mở mang, phượng hoàng chầu phục, tả hữu đột khai long nhãn, lưỡng tỉnh tiền hậu, phong tinh dẫn mạch, nơi nơi đều chầu về, đúng là một phong quang thắng cảnh vậy. Hơn nữa thấy dân phong thật thà quê mùa, học thuật còn ít biết nên ông liền lập một trường học ở đây để dạy dân biết chữ, dạy dỗ dân dần dần lễ nghĩa ân phú. Mới được mấy năm, khi ấy đất nước thuộc Hán Quang Vũ, Hán Quang Vũ để Tô Định làm Thái thú Giao Châu , bọn Tô Định tàn bạo, quấy phá dân ta, khiến dân ta lầm than cực khổ. Khi ấy ở trang lộc dã huyện Châu Nga có con gái Trưng tướng quân, cháu ngoại Hùng Vương họ trưng húy Trắc, thực là hào kiệt trong đám nữ nhi, bậc thánh thần trên đời.
Bọn Tô Định đã giết Thi sách chồng bà, bà vô cùng căm phẫn đã chỉ thiên tận địa thề không sống cùng Tô Định. Bà cùng em gái Trưng nhị khởi binh đến cửa sông Hát (Xứ Sơn Tây) thiết đàn cáo tế thiên sơn thủy địa bách thần, kết thành cơ ngũ, lại truyền di thư đến các đạo, châu, quận nơi nào có Nam Nữ tướng tài, anh hùng thao lược, mộ được hương binh gia thần thì dẫn đến ứng tuyển dẫn quân đánh giặc. Thế rồi chí tang bồng lòng cô chỉ, tức khắc truyền bảng chiêu binh, phủ dụ anh tài. Không đến 5 ngày, các bậc hào kiệt đến hưởng ứng, nhân dân gia thần sĩ tử đến phụ giúp, hàng vạn người dẫn đến ứng tuyển, Trưng nữ thấy ông, anh hùng thao lược, trí dũng hơn người, văn võ toàn tài cho đây là bậc anh tài nhất trong thiên hạ và phong làm tiền đạo đô chỉ huy sứ đại tướng quân hiệp đồng tướng sĩ, dấy binh đánh giặc. Ông bái tạ nhận quan chức dẫn quân thủy bộ hiệp đồng cùng Trưng nữ dẫn quân tiến thẳng vào đồn Tô Định đánh nhau một trận. Quân Tô Định đại bại, quân ta thu được nhiều khí giới lương thực, mã thất vô số, 65 thành xây đều thuộc về nước Nam, Trưng nữ lên ngôi vua mở yến chúc mừng, ban thưởng cho các tướng có công, ban cho ông thực ấp ở trấn Hải Dương: ông bái tạ rồi trở về thực ấp nhậm sở ở Hải Dương, khi ấy phụ lão nhân dân, gia thần đến bái tạ tâu rằng "Từ khi ông thiết lập học đường ở thần khu, giáo hỗi sĩ dân làm điều nhân nghĩa, huấn thị nhân dân sống cho hòa mục đã thành phong tục. Nay dân giáo hóa đã mở mang, cương trù đã ổn định vững vàng, hình phạt đã giảm bớt, dân chúng đều lễ nghĩa ân phú âu ca đó nhờ cả công đức của ông, đã lấy uy đức để vọng phụng vậy. Nay khu chúng thần đến làm lễ bái hạ và xin làm gia thần tử. Vì vậy nơi đây nay là học đường, sau này xin cho làm nơi thờ tự" Ông nghe xong và đồng ý và từ đó ông thư nhàn, trở lại nơi học đường mổ châu bò, giết lợn bái yết thiên hạ, thiết yến nhân dân, gia thần sĩ tốt ở bản khu, dân khu đến đến ẩm. Ông nói với mọi người rằng "Ta với dân đã thành cố nghĩa, đâu có một ngày mà quên nhau được. Trước đây ta lập học đường rồi yết bảng chiêu binh tại khu các vị. Ta đánh dẹp được Đinh tặc cũng là nhờ vào lòng trời giúp đỡ mà nay khu các vị có lòng với ta như vậy ta rất trọng, ta di mệnh cho muôn đời sau để khu các vị được thờ phụng, ta viết chúc thư và ban cho dân khu hai hốt vàng để sau này tu sửa tự khí". nhân dân gia thần, sĩ tử hoan hỉ yến ẩm, bái tạ lãnh mệnh và nhận tờ ủy chúc, công việc xong, ông xa giá về nhậm sở. Hôm ấy là thượng tuần tháng 11 mùa đông, ông đang ngỗi ở sảnh đường bỗng trong không gian trời đất tối tăm mù mịt, mưa gió sấm chớp ầm ầm ngày tựa như đêm, rồi một đám mây vàng trên trời giáng xuống sảnh đường như xa giá nghênh đón ông, ông cỡi mây bay lên không trung. Trong khoảng khắc trời quang mây tạnh không thấy ông đâu nữa, ông đã hóa luôn vậy. Hôm ấy là ngày 11 tháng 11 gia thần sĩ tốt ai lấy đều kinh sợ, lập tứ thành biểu tâu với triều đình, Trưng nữ Vương nghe tin liền sai sứ phụng sắc phong là tôn Thần.
Phong ông là đương cảnh Thành Hoàng tế thế an dân uy dũng hùng lược thông minh bác đạt Trí minh ngưng hưu trung đẳng thần, sắc ban cho khu Tiên Đôi Nội được rước mĩ tự về cho dân được lập Miếu thờ phụng. Kính thay!
Lại nói: Từ ấy trở về sau rất là linh ứng, nhiều đời vua được ban cấp tặng sắc gia phong mĩ tự Nhất Vị Đại Vương.
Lại nói, trải đến các đời Ngô Hán Tống Tề Lương chừng 340 năm cho đến tiền Lý, hậu Lý, nội thuộc Tùy Đường, Nam Bắc phân tranh, Ngô vương kiến quốc, đến khi 12 sứ quân chia trị đất nước. Khi ấy có Đinh Tiên Hoàng (húy Bộ Lĩnh) khởi nghĩa ở Hoa Lư dẫn quân qua đây dừng giá trú binh ở ngôi Miếu này, cầu xin ngài bảo hộ quốc gia, tiễu trừ tàn tặc, để đất nước được thanh bình. Đinh công đánh dẹp giặc, thiên hạ bình yên, lên ngôi vua nghĩ lại trước đây có cho trú quân ở ngôi Miếu nơi này, cầu đảo được một vị thần hiểu ứng âm phù nên đã ban sắc phong mĩ tự là đương cảnh Thành Hoàng Đại Vương hiển hựu Trung túc Anh nghị Trí Minh Tôn thần. Cho đến đời vua Lý thái tổ (húy là Lợi) khởi nghĩa ở Lam Sơn, ba ngàn hổ lữ tiễu trừ nhà Hồ, đánh dẹp người Ngô, dành được thiên hạ, thái tổ liền phong thêm mỹ tự là Cương nghị Anh linh Đại vương. Sắc ban cho khu Tiên Đôi Nội sùng tu miếu điện để thờ phụng ông. Thật tốt đẹp thay!
- Ngày thần sinh là mồng 10 tháng giêng, lệ trên dùng cỗ chay, dưới xôi, rượu, thịt lợn đen, ca hát.
- Ngày thần hóa là ngày 11 tháng 11, lệ chính dùng cỗ chay, dưới thịt bò lợn, xôi rượu, cấm ca hát.
- Ngày tốt tháng giêng năm Hồng phúc nguyên niên (1572) Hàn Lâm viện bộ lễ, đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn bản chính.
- Ngày tốt tháng 8 năm Vĩnh hựu 6 (1740) Nội các bộ lại tuân theo bản cũ viết lại.
- Ngày tốt tháng 3 năm bảo Đại 13(1938) dân xã vâng sao lại(Bản dịch nghĩa được chép lại nguyên gốc doNguyễn Thị Trang - Cán bộ Viện Hán Nôm dịch ngày 10/11/2000)
Thành đoàn Hải Phòng