GIỚI THIỆU VỀ ĐỀN ĐỒN RIÊNG

22 08 2024

in trang

   Quận Dương Kinh thành lập năm 2007, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 15 km. Quận có vị trí là cầu nối giao lưu giữa các vùng phát triển linh hoạt của thành phố, với hệ thống giao thông đa dạng, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bố khá tập trung trên nền tảng văn hóa truyền thống.


   Trên địa bàn quận có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ thu hút du khách với cảnh quan yên tĩnh, thanh bình mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó Đền Đồn Riêng là một trong 13 di tích lịch sử - văn hóa được UBND thành phố công nhận cấp thành phố, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.

Toàn cảnh phía cổng Đền Đồn Riêng

   Đền Đồn Riêng địa chỉ tại TDP số 11 - Phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng là một trong những đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, tứ vị Hoàng Tử, tướng quân Phạm Ngũ Lão, Danh tướng Yết Kiêu và Nhị vị Cô Nương.

Phía trước cửa Đền Đồn Riêng

   Theo ghi chép của lịch sử Đảng bộ phường Hòa Nghĩa và những chứng tích còn lại của địa phương cho thấy:

   Tình thế nước ta vào những năm 1258-1285, 1287-1288 của thế kỷ thứ 13, đế quốc Nguyên Mông đã ba lần ồ ạt xâm chiếm nước ta. Trận ác liệt và khó khăn nhất đối với quân dân ta là trận xâm lược lần thứ hai, chúng huy động tới 60 vạn quân cả thủy và bộ.

   Quân bộ từ hướng Bắc đánh thẳng xuống Thăng Long do tướng Thoát Hoan và Toa Đô chỉ huy. Trước thế mạnh của giặc, lúc đầu quân ta chiến đấu không lợi. Vào tháng chạp năm Giáp Thân (1284) và tháng Giêng năm Ất Dậu (1285), ở mặt trận phía Bắc quân đội đoan hậu của ta do Trần Bình Trọng chỉ huy đã bị thất thủ. Ở phía Nam, Trần Nhật Duật và trần Quang Khải phải lui binh. Cánh quân thủy do tướng giặc là Ô Mã Nhi tiến theo theo sông Bạch Đằng đánh vào nhằm úp và bắt sống hai vua nhà Trần. Trước sức mạnh của giặc lúc này, Vua phải dùng kế lui binh để khoan thư sức lực trường kỳ kháng chiến.

   Dựa theo tài liệu “Thử tìm đường hành quân của vua Trần trên đất Hải Phòng trong cuộc rút lui nghi binh thần tốc năm 1285 của Tác giả Ngô Đăng Lợi – Sử học gia Hải Phòng” đã viết:

   “Khi sa giá, hai vua đến Ba Chẽ đi theo đường bộ đến vùng Đông Thủy Nguyên, lấy thuyền theo sông Chương Mỹ vào sông Cấm, rồi qua sống Tam Bạc sang sông Lạch Tray rẽ vào sông Riêng, từ sông Riêng rẽ theo sông Cái Lai, ra sông Sàng ra cửa Đại Bàng vào Thanh Hóa. Theo tương truyền của địa phương, khi hai vua đến cửa sông Riêng thấy tình hình yên tĩnh, hai Vua đã dừng lại trên một gò đất cao cạnh cửa sông Riêng để nghiên cứu tình hình chiến lược quân sự rồi đi tiếp vào Thanh Hóa”.

   Cửa sông Riêng từ thời hoang sơ rộng tới gần nửa cây số do các nguồn nước từ sông Đa Độ, sông sàng đổ về chảy ra biển bào mòn lòng sông sâu tới bốn, năm sải nước. Sau khi Trần Hưng Đạo đánh tan giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng (1288) giành lại an bang cho đất nước thì cửa sông Riêng không phải mai phục quân giặc nữa. Về sau, chỉ có các thuyền buôn của người Trung Hoa từ phương Bắc xuống, thuyền buôn từ phía trong ra đều nghỉ ngơi neo đậu tại cửa sông Riêng nên nơi đây đã trở thành thương chợ của các thuyền buôn.

   Người xưa thường đi sâu vào duy tâm, nên trước khi xuất hành làm ăn hay buôn bán thường kêu cầu thần linh phù hộ cho trăm sự được may mắn. Không biết người nào đó đã dựng nên một ngôi miếu thờ thần. Từ đấy các thương truyền qua lại đều cúng lễ rất sầm uất. Ngôi miếu tọa lạc giữa một gò cao nhất cửa quay xuống lòng sông. Tương truyền rằng, chính chỗ lập ngôi miếu là nơi hai vị Vua Trần đã dừng chân nghỉ tại đây.

   Sau khi có dân cư ở các nơi đến lập ấp, khai khẩn thành điền địa, nhân dân địa phương đã nâng cấp ngôi miếu to và rộng thêm theo hình chữ Đinh, gồm 08 gian (03 gian cung và 05 gian tiền), đặt tên là Đình Đền Riêng.

   Trước đây, nhân dân quen gọi là Đình Đồn Riêng, nhưng thực tế không phải là nơi thờ Thành Hoàng, cũng không phải là nơi để xác định chỗ ngồi phân chia ngôi thứ hoặc ban bố các chính sách phu đài tạp dịch của chế độ phong kiến v.v… Để mang đúng tính chất là nơi để thờ thánh, từ lâu nhân dân địa phương đã cải tên là “Đền Đồn Riêng”.

   Đền đã nhiều lần bị giặc tàn phá, hủy hoại cộng thêm với thời tiết khắc nghiệp của miền biển mang theo hơi nước mặn, đền xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân địa phương đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên vẫn giữ được nguyên bản giá trị của nền văn hóa Việt Nam và di sản quý giá của địa phương.

   Đây là một công trình văn hoá tâm linh, linh thiêng ở đó chứa đựng và lưu giữ cả một quá trình lịch sử và tinh hoa văn hóa của cha, ông ta - những người đã có công xây dựng lên mảnh đất này, căn cứ vào giá trị lịch sử văn hóa và những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến. Ngày 28/11/2005, Ủy ban nhân dân thành phố đã ký Quyết định xếp hạng Đền Đồn Riêng là Di tích lịch sử Văn hóa cấp thành phố.

Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Đền Đồn Riêng cấp Thành phố

   Về kiến trúc ngôi đình trước đây nhìn bề ngoài rất uy nghi tráng lệ, trong đình có bức Đại tự chữ Hán “Trần quân Đồn Trú”, dịch là “Nơi đóng quân của nhà Trần”.

Bức Đại tự chữ Hán “Trần quân Đồn Trú”

Ban thờ chính của Đền Đồn Riêng

 

   Phía trước cửa là hai trụ văn, người thợ xây tạo dáng có độ thắt mở hài hòa mềm mại. Thân trụ mặt thẳng và mặt cửa mang 4 hàng câu đối chữ Hán:

          Đình hướng Bắc phương tả nhiêu thanh long vượng tướng

          Môn khai Hoàng Đạo hữu đỉnh Bạch Hổ đương quyền

 Và:

          Trí dũng tung hoành bình Bắc Khấu

          Anh hùng sự nghiệp trấn Đông A.

    Vai trụ hình hộp đèn tượng trưng cho gương của đức Thánh luôn luôn tỏa sáng. Phần chóp trụ đặt hai nghệ thần chầu phục rất là uy nghi. Mái lợp ngói vảy cá gắn kết chặt chẽ, các đầu hồi đặt đấu sen, góc đầu nóc đắp hình hạp long. Giữa nóc mặt tiền đặt hình nổi “Lưỡng long chầu nguyệt” tạo nên cảnh sắc huyền bí giữa cái hư và cái thực như thách thức với thời gian, thi gan cùng tuế nguyệt.

Gian thờ Đức Ông

Gian thờ Mẫu Nghi thiên hạ

   Hai bên kiệu mời, mỗi bên bốn cây bút biểu có chữ “Hồi Tỵ” và một thanh long đao. Trên là hai bộ cửa võng đỡ hoành phi mai hóa nét đục trạm tinh xảo. Hai bên tiền đình có khảm thờ Đức Ông và Mẫu Nghi thiên hạ. Tất cả các đồ thờ tự được nạm bạc sáng rực rỡ của nền văn hóa tâm linh người Việt.

   Mỗi khi đến với đền Đồn riêng, du khách thập phương được chiêm ngưỡng hai Cây Đa tạo nên khung cảnh kỳ vĩ, sầm uất và đầy vẻ tôn nghiêm.

Bia đá Cây di sản Việt Nam “Hai Cây Đa”

   Theo lời người xưa truyền lại, khi mới xuống đây lập ấp đã có ngôi đền và hai cây Đa xanh tốt vươn cao giữa rừng cây ngập mặn trong cảnh hoang sơ nơi bãi biển. Đến nay, chưa có chứng cứ nào xác định được hai Cây Đa có từ bao giờ nhưng so với hai cây Đa còn lại của làng Hợp Lễ trồng trên đường nhà Mạc từ năm mới xuống nơi này lập ấp (1905) thì hai cây Đa ở Đền Đồn Riên còn to hơn nhiều.

Cây đa phía sau Đền

Nơi thờ tự Hai Cây Đa đặt tại gốc cây đa phía trước cửa Đền

   Cây phía trước Đền, gốc chia thành hai nhán, một nhánh nghiêng mình soi bóng xuống mặt hồ như nàng công chúa ngắm gương, một nhánh xòe vào trong sân Đèn, tỏa bóng mát rượi.

   Cây phía sau Đền dáng đứng thẳng, tán xòe rộng như một chiếc dù lớn che mát một nửa mái đền, gốc có nhiều lớp rễ bám xuống đất xoắn xuýt như những bắp chân khổng lồ nổi lên những đường cơ bắp gân guốc, gốc cây phải nhiều người ôm mới xuể, ngọn cao tới vài chục mét.

   Người dân kể lại rằng, hai Cây Đa là hai vị “cứu tinh”. Thuở ấy, ông Ngô Đệ là người xóm Đình đã chứng kiến trận đại hồng thủy ngày 12/8/1955 (Ất Mùi), khi nước dâng to người vào trú ở trong đình đã chật, nhiều người phải trèo lên hai cây đa, các cành của hai cây đa như hàng trăm cánh tay vươn ra cứu vớt những người đang bị nước cuốn trôi đã được thoát nạn. Ông Ngô Đệ đã sáng tác bài thơ:

…. Nhớ năm bão lụt nước dân

      Cuốn phăng tất cả mấy trăm nóc nhà

      Riêng Đình và hai Cây Đa

      Sừng sững đứng đó để mà cứu dân

      Tạ ơn đức Thánh ngàn lần

      Ra tay cứu nạn chúng dân được nhờ…

   Bài thơ đã được nhiều người thuộc lòng và nhân dân đã đặt bát hương để tôn thờ hai Cây Đa như hai vị “Cứu tinh”.

   Hàng năm, Đảng Uỷ - UBND Phường Hòa Nghĩa cùng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ hội Đền Đồn Riêng nhân kỷ niệm ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20/ 8 âm lịch.

Gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị anh hùng

Nơi ghi chép lại công đức xây dựng Đền của nhân dân từ thời xa xưa.

Bia ghi nhận công đức từ nhiều năm nay

 

 

 

 

Admin

Thong ke