ĐÌNH THƯ TRUNG, PHƯỜNG ĐẰNG LÂM, QUẬN HẢI AN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

12 06 2023

in trang

Đình Thư Trung, phường Đằng Lâm, Quận Hải An có lịch sử hình thành từ lâu đời (thế kỷ 18), gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người nơi đây. Đình tọa lạc tại phố An Trung, phường Đằng Lâm, Quận Hải An, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km


Đình Thư Trung, phường Đằng Lâm, Quận Hải An có lịch sử hình thành từ lâu đời (thế kỷ 18), gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người nơi đây. Đình tọa lạc tại phố An Trung, phường Đằng Lâm, Quận Hải An, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km. 

Đình xưa có bố cục mặt bằng kiểu thức chữ Đinh truyền thống, gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Kiến trúc công trình được liên kết bằng gỗ lim, hai bên có ván sàn; hệ thống mái ngói, đao cong. Khoảng những năm 1966 - 1968, đình bị bom Mỹ đánh đổ, khu vực khuôn viên đình được sử dụng làm sân kho hợp tác xã. Năm 1993 dân làng Thư Trung cùng chính quyền địa phương góp công sức dựng lại đình bằng vữa vôi có quy mô 3 gian tiền đường, hai gian hậu cung. Đến năm 2012, được sự đồng ý chủ trương của UBND phường Đằng Lâm, nhân dân Thư Trung đã đồng tâm, đồng thuận đóng góp công đức, kêu gọi con em xa quê hướng tâm công đức đê phục dựng lại ngôi đình có quy mô như hiện nay.

Đình Thư Trung quay hướng Đông ghé Bắc, nằm gần khu dân cư, phía trước mặt có con đường nội phố của phường chạy qua. Tổng thể công trình di tích gồm có nghi môn, tường bao, đình và nhà khách. Trong đó, đình là công trình chính có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh truyền thông với 5 gian 2 chái Tiền tế và 2 gian Hậu cung. Kiến trúc đình được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu hiện đại xi măng cốt sắt, mái lợp ngói mũi hài.

Thành phần chịu lưc chính của toà Tiền tế được dựng trên cơ sở các cột, rầm, xà bê tông để tạo thành tám bộ vì kèo với vì nóc làm kiểu “chồng rường giá chiêng", vì nách kiểu “chồng rường trụ trốn” . Riêng hai bộ vì ở gian giữa tiền tế được làm trốn cột cái, điều này giúp mở rộng không gian của công trình, tạo sự thông thoáng trong quá trình sử dụng. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc phỏng theo đề tài truyền thống Việt với hình cánh sen, mây cụm, hoa văn lá lật, chữ thọ trên má các con rường, xà, đấu kê... Hệ mái của Tiền tế làm kiểu thức chéo đao tàu góc, bờ nóc đắp trang trí lưỡng long chầu hổ phù đội quả lôi. Hai đầu bờ nóc đặt hai kìm nóc, các góc đao được đắp các hình rồng, phượng, lân cách điệu … Hệ thống cửa của Tiền tế gồm ba gian cửa gỗ lim kiểu thượng song hạ bản dầy dặn, chắc chắn, trên hệ cửa được chạm khắc trang trí các đề tài hoa lá thiêng, tứ linh, tứ quý ...

Hậu cung đình Thư Trung gồm hai gian nằm dọc và được nối với Tiền tế tại khoảng giữa, tạo nên mặt bằng chữ Đinh. Hệ thống khung chịu lực của hậu cung đình được tạo thành bởi ba bộ vì. Ba bộ vì này có sự tương đồng và thống nhất về chất liệu, kết cấu, kiểu dáng với sáu bộ vì của toà tiền tế. Bô vì thứ hai (từ trong ra) là giới hạn ngăn cách giữa bên ngoài và không gian thờ thành hoàng phía trong. Khoảng cách giữa các cột được lắp ba gian cửa thượng song ha bản, hệ thống cửa này chạm khắc trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý, chữ thọ, mây cụm, văn triện..

Nhìn tổng thể, đình Thư Trung là một công trình mới được phục dựng năm 2012 với quy mô lớn cùng cách thức xây dựng theo lối cổ truyền mái ngói đao cong đã góp phần làm cho ngôi đình mang dáng dấp đình làng truyền thông và linh thiêng, có thể bảo tồn được lâu dài để phát huy giá trị văn hoá tâm linh, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương.

Đình Thư Trung là nơi linh thiêng người dân địa phương tôn thờ đức Vương Ngô Quyền làm Thành hoàng làng, người đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc. Hiện nay, Đình còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật như: bia đá, tượng thành hoàng, kiệu bát cống, nhang án, bát bửu, bảng văn, hòm đựng sắc phong, sập thờ, chuông có niên đại từ thế kỷ 19, 20.

Bên cạnh đó, đình còn là không gian thiêng nơi cộng đồng dân cư Thư Trung tổ chức lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian … Lễ hội chính của đình Thư Trung được tổ chức 2 ngày từ ngày 14 đến hết ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội ngày càng thu hút nhiều du khách và phật tử về dâng hương, hành lễ, là một phần không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Ngoài việc cầu cho quốc thái dân an thì lễ hội còn gợi lại cho con cháu về thời oanh liệt ông cha dựng nước và giữ nước, giúp thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc..

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke