ĐÌNH LÀNG HỢP LỄ - DI TÍCH LỊCH SỬ QUẬN DƯƠNG KINH
14 11 2023
in trangQuận Dương Kinh thành lập năm 2007, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 15 km. Quận có vị trí là cầu nối giao lưu giữa các vùng phát triển linh hoạt của thành phố, với hệ thống giao thông đa dạng, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bố khá tập trung trên nền tảng văn hóa truyền thống.
Trên địa bàn quận có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ thu hút du khách với cảnh quan yên tĩnh, thanh bình mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó Đình Làng Hợp Lễ là một trong 13 di tích lịch sử - văn hóa được UBND thành phố công nhận cấp thành phố, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.
Theo ghi chép của lịch sử Đảng bộ phường Hòa Nghĩa và những chứng tích còn lại của địa phương đã để lại rằng:
Từ trước năm 1945, xã Hợp Lễ thuộc tổng Tư Thuỷ, huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy thuộc tỉnh Kiến An. Xã được thành lập tháng 3 năm 1906 trên một bãi xa bồi ven đường 14 Hải Phòng - Đồ Sơn, nay là đường Phạm Văn Đồng. Đây là xã lớn thứ 2 sau tổng Tư Thuỷ, được hình thành sau khi hệ thống đê chắn sóng, ngăn nước mặn Đồng Nẻo và Đồng Mô được hoàn thành. Địa phương có vị “ Tiên Công” người họ Đỗ đứng ra chiêu mộ dân ly tán, khai mở đất đai xây dựng làng xóm phần đông là người xã Hợp Lễ. Do nhu cầu đời sống tâm linh nảy sinh trong quá trình hình thành cộng đồng dân cư mới tại vùng đất sa bồi. Do cuộc sống ngày một khấm khá hơn buổi đầu khai phá, đến năm 1913, dân làng đã lập được ngôi đình lấy tên là Đình Làng Hợp Lễ.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp cùng cả nước, ngôi đình Hợp Lễ nổi tiếng là cơ sở kháng chiến vững vàng, lòng dân một dạ hướng về sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Đình làng Hợp Lễ là một điểm nút quan trọng giúp cán bộ, chỉ huy đi về hoạt động tại vùng địch tạm chiếm, vẽ hồ sơ, lập kế hoạch tác chiến đỉnh cao thắng lợi của lực lượng kháng chiến tỉnh Hải - Kiến, chính là trận đánh sân bay Cát Bi năm 1954, phối hợp trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ sau này.
Từ một ngôi đình nhỏ đơn sơ, nhưng đã hội tụ đầy đủ quá trình lao động sáng tạo văn hóa, hướng theo chân lý cách mạng của những người dân nơi đây từ những buổi đầu khai mở văn minh làng xã. Đây là một công trình văn hoá tâm linh, linh thiêng ở đó chứa đựng và lưu giữ cả một quá trình lịch sử kháng chiến và tinh hoa văn hóa của cha, ông ta - những người đã có công xây dựng lên mảnh đất này, căn cứ vào giá trị lịch sử văn hóa và những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến. Ngày 18/9/2008, Ủy ban nhân dân thành phố đã ra Quyết định số 1537/QĐ-UBND xếp hạng Đình làng Hợp Lễ là Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, lịch sử và bị chiến tranh tàn phá, Đình dần xuống cấp và được tu tạo, sửa chữa. Năm 2010, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự thành tâm công đức đóng góp của các cơ quan đơn vị nhân dân địa phương và khách thập phương ngôi đình đã tổ chức Lễ khánh thành trùng tu, tôn tạo Di tích Lịch sử kháng chiến cấp Thành phố.
Đình làng Hợp Lễ có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh gồm 3 gian bái đường, 2 gian chuôi vồ. Toàn bộ kiến trúc, trang trí sắp vẽ bờ nóc, mái ngói, hồi tường, tâm Sơn đều mang nét nghệ thuật Nguyễn thế kỷ XX. Mặt chính của ngôi đình quay hướng Nam có sân rộng, ruộng nước sâu, đồng thời có khu vực đặt bia ký “Hợp Lễ xã bia ký”.
Tấm bia đá: Hợp Lễ xã bia ký - niên hiệu Bảo Đại 11 (1937) khắc hai mặt bằng chữ Hán, nội dung ghi lại sự hy sinh gian khổ của lớp cư dân tới khai phá đất đai phát triển làng xóm, địa phương. Đứng đầu danh sách là cụ Đỗ Tiên Công cùng danh sách các cụ kèm theo quê quán từ nhiều nơi tới công cư khai mở đất đai Hợp Lễ.
Admin