ĐÌNH HOÀNG LÂU – XÃ HỒNG PHONG - HUYỆN AN DƯƠNG
26 10 2023
in trang
Đình Hoàng Lâu, thuộc thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, công trình văn hóa truyền thống được mang tên chính địa danh nơi quê hương đã sản sinh ra nó. Đình Hoàng Lâu được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014.
Đình Hoàng Lâu, thuộc thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, công trình văn hóa truyền thống được mang tên chính địa danh nơi quê hương đã sản sinh ra nó. Đình Hoàng Lâu được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014.
Hoàng Lâu (黄 樓), theo Hán tự có nghĩa quê hương đẹp như lầu cao và sang quý. Hoàng Lâu vùng đất và con người được hình thành từ trước thế kỷ thứ VI. Trong thần tích Thành hoàng làng Lương Quy chép: “Vào thời gian Lý Nam Đế, ở Trà Lân thuộc châu Hoan có ông họ Phạm, tên là Phúc, thuộc gia thế dòng dõi mạnh nhất trong châu, vợ là Vương Thị Tường là người hiền đức. Ông Phạm Phúc tinh thông cả Nho, y, lý, số. Tên Thái thú Tiêu Tư nhà Lương nghe tiếng, định hãm hại. Ông Phạm đem gia quyến trốn đến trại Hoàng Lâu, phủ Kinh Môn cư ngụ, đổi sang họ Hoàng và thay tên là Hựu, làm nghề bốc thuốc để sinh sống”. Sau này ông Hoàng Phúc sinh ra hai người con là Hoàng Thị Lãng và Hoàng Công Thản. Hai chị em đã tham gia khởi nghĩa của Lý Bôn, lập nên nhà nước Vạn Xuân, năm 544. Sau khi hóa, các Ngài là Thành hoàng của làng Lương Quy.
Theo bản thần tích, thần sắc của chức dịch làng Hoàng Lâu, khai báo về trên năm 1938, đình Hoàng Lâu thờ 6 vị Thành hoàng, duệ hiệu như sau:
Đô Thiên, Thần hựu Đại Vương; Trấn Quốc, Hiển ứng Đại Vương; Phong văn, Linh ứng Đại Vương; Uy dũng, Linh quang Đại Vương; Đương giang, Hộ quốc Đại Vương; Thổ trạch, Dực vân Đại Vương.
Các Ngài Thành hoàng đều là những vị thiên thần. Sự tích về các Ngài ghi chép rất vắn tắt như sau:
Vào thời Đinh, có loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh cầm quân dẹp loạn. Nhà vua dẫn quân qua Hoàng Lâu và nghỉ tại đây. Đêm hôm đó là ngày 10 tháng 11, vua nằm ngủ, mộng thấy có 6 vị thần hiển hiện âm phù, quả nhiên vua thắng giặc. Vua Đinh Tiên Hoàng đã ban sắc phong cho 6 vị thần là: “Hộ quốc, Khang dân, Phù vận, Dương uy, Dực thánh, Bảo cảnh, Linh thông, Trung đẳng thần”. Vào triều Trần, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, kinh thành Thăng Long bị vây hãm, Trần Quốc Tuấn phụng lệnh vua cầu đảo các đền thiêng. Quân, dân Đại Việt thắng giặc, thiên hạ thái bình, vua Trần Nhân Tông sắc phong cho 6 vị thần là: “Linh ứng, Anh triết, Hiển hựu, Trợ thắng Đại Vương”. Lê Thái Tổ (Lê Lợi), khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh, sau khi đất nước độc lập, vua gia phong, ban tặng mỹ tự cho 6 vị thần.
Đình Hoàng Lâu, tương truyền được xây dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII, nhưng đã bị hủy hoại trong quá khứ. Đình Hoàng Lâu hiện nay mới được xây dựng. Đình được làm bằng vật liệu mới, bê tông, cốt sắt. Đình nhìn về hướng Nam, nằm cận và hướng ra con lộ liên tỉnh Hải Phòng, Hải Dương. Đình Hoàng Lâu có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và ba gian hậu cung, trong đó có một gian cung cấm. Tòa tiền tế đình xây theo thức mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Trên mái đình được đắp, trang trí các đề tài thường gặp như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, khúc nguỷnh đắp con sô, trong tư thế chạy về phía nhau, các góc đao cong, đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa. Tòa tiền tế cấu tạo ba gian cửa, cửa bằng gỗ, đóng theo kiểu cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh. Tường bao che phía trước hai gian hồi tòa tiền tế trổ cửa sổ hình tròn để lấy thêm ánh sáng trong đình. Bộ khung chịu lực gồm 4 bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột, kết cấu vì nách thuận chồng ba con, vì nóc thuận chồng 2 con, tạo giá chiêng. Đầu dư đắp nổi hình đầu rồng có đủ râu, tóc, móng vuốt, mắt rồng lồi, miệng rồng ngậm ngọc. Trên các cấu kiện của bộ vì như: con thuận, đầu xà đắp trang trí đề tài lá guột, trên đấu kê đắp hoa sen cách điệu. Tòa hậu cung, bộ khung chịu lực gồm hai bộ vì, vì 4 hàng chân cột, kết cấu các bộ vì tương tự như bộ vì tòa tiền tế. Ngăn cách giữa cung cấm và cung ngoài là hệ thống cửa cung. Cửa cung đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách, người đi ra vào cung cấm chủ yếu qua hai cửa nách.
Đình Hoàng Lâu xưa, trải qua thời gian đã bị hủy hoại, nên đồ thờ tự cũng bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, hiện nay ngôi đình đã được người dân địa phương mua sắm trang trí đầy đủ như: cửa võng, câu đối, đại tự, nhang án... các đồ thờ tự được sơn son thếp bạc phủ hoàn kim, tỏa mầu vàng ánh, trông rất uy nghi, sáng rạng.
Đình Hoàng Lâu, công trình kiến trúc truyền thống, ghi dấu lịch sử có trên một ngàn năm của người dân địa phương. Ngày nay người dân địa phương đang từng bước kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống của dân làng do tiền nhân để lại. Ngôi đình như một tượng đài tưởng nhớ, tri ân các vị Thành hoàng. Ngôi đình cũng là nơi bảo tồn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý giá của người dân Hoàng Lâu. Truyền thống đó đã và đang là sức mạnh mềm để người dân Hoàng Lâu tiếp tục vươn lên xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Thành đoàn Hải Phòng