DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA LÂM ĐỘNG, HUYỆN THỦY NGUYÊN

21 02 2023

in trang

 CHÙA LÂM ĐỘNG

Chùa Lâm ngày nay mang đậm nét kiến trúc đầu thế kỷ XX. Các công trình kiến trúc được bố cục đăng đối và chuẩn mực dọc theo đường Thần đạo.

 Tương truyền, xưa kia Lâm Trang và Tùng Động trang đều có đình chùa, đền miếu riêng; trong đó, chùa Lâm Động thuộc trang Tùng Động. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tài liệu khẳng định mốc thời gian cụ thể hình thành chùa Lâm. Tuy nhiên, theo tư liệu khảo sát địa phương cho thấy chùa Lâm Động có lịch sử từ thời Lý – Trần. Khởi thủy, chỉ là ngôi chùa làng nhỏ, đến triều Trần (1226-1400) chùa có quy mô lớn hơn và dần trở thành một trong những trung tâm Phật Giáo quan trọng của mảnh đất Thủy Đường. Đến thời thuộc Minh, chùa đã bị giặc Minh tàn phá hầu như không còn dấu vết. Mãi cho đến năm 1927 chùa được các tín thiện địa phương hưng công, góp của trùng tu ngôi chùa với mục đích Hoằng dương Đạo Pháp, trở thành một danh lam bậc nhất của huyện Thủy Nguyên đương thời; trong đó người đóng góp công lao lớn nhất chính là Hòa thượng Thông Thanh.

 Mở đầu là Tam quan kiêm gác chuông. Có thể nói Tam quan chùa Lâm mang đậm phong cách bố cục truyền thống Việt Nam, là một trong số không nhiều công trình xây dựng mang dấu ấn nghệ thuật đầu thế kỉ thứ XX ở Hải Phòng chưa bị pha tạp, ngoại lai. Công trình được xây dựng theo kiểu “Chồng Diêm Đốc Các”, trang trí hoa văn lá đề, đường diềm hình hạc. Giữa tầng hai của kiến trúc treo quả chuông đồng cỡ lớn niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923), từ đây mỗi lần tiếng chuông chùa vang xa có tác dụng như cảnh tỉnh mọi người rời khỏi cõi mê để đến bến giác ngộ, đánh thức những người đang mê lầm, vô minh đi về với Chính đạo.

Tiếp theo Tam quan là khoảng sân rộng, vuông vức, lát gạch Bát Tràng cổ; được bài trí, lắp đặt các hiện vật cổ gắn liền với lịch sử ngôi chùa gồm hai Thạch trụ đá cao ghi địa danh, phạm vi chúa Sùng Nguyên.     

Giữa sân là tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa tựa cây bút “Kình Thiên” giữa trời xanh. Đây được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của chùa Lâm. Công trình này được khởi công từ năm 1939 và hoàn thành vào năm 1942. Chân tháp xây bằng đá xanh, ốp thêm lớp đá sẻ hình lục lăng, mỗi cạnh dài 1,2m, cao 1,58m. Bao quanh chân tháp, người ta xây bệ bằng gạch, phía trong rỗng, tạo hình vòm cuốn, mặt ngoài trổ 6 ô cửa vòm. Trong lòng bệ tháp, xưa kia là nơi các vị tăng sư chạy đàn quanh chân tháp trong những dịp lễ cúng Phật. Phía trên là 9 tầng tháp nhỏ dần từ trên xuống, mỗi tầng tháp đều có dáng lục lăng như được làm từ một phiến đá liền khối. Tầng nọ được ngăn cách với tầng kia bằng mái đá khum hình Lợi chậu. Đỉnh tháp tạo hình bình Cam lộ đặt trên Đài sen. Mặt ngoài các tầng tháp được trang trí tương tự nhau; mỗi mặt trong khối lục lăng hình chữ nhật diềm ngoài trang trí bằng các gờ chỉ nổi, chạm nổi các đồ án “Lá cúc hóa Long”, hoa sen, triện văn cách điệu hổ phù, hòm sách thắt dải lụa đào… Chính giữa mặt tháp chạm tượng Phật ngồi thiền trên đài sen theo lối phù điêu; tượng được chạm nổi thể hiện tỉ mỉ từ tóc xoắn ốc, ngón tay, nếp áo toát đến vóc dáng sang quý của nhà Phật. 

Tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa

Tòa Thượng điện có quy mô kiến trúc tương đối vượt trội so với các ngôi chùa khác trong vùng, bố cục kiểu chữ “Công”, gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian chùa cổ, 2 gian cánh gà mở rộng về hai phía hồi tường. Phần mãi nóc công trình mở rộng, cao dốc. Xung quanh hai tầng mái trang trí những hàng “Lan can con Tiện” so le nhau, có tác dụng đón ánh sáng từ trên cao xuống, đảm bảo thông thoáng cho nội thất.        

Hệ thống tượng pháp của chùa chủ yếu có niên đại thế kỉ XIX, tiêu biểu là các pho tượng Thế Tôn, Quân âm Tọa sơn, Quan âm Tống tử, Đại Thế chi, Quan âm Bồ tát, tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan âm Thiên thủ thiên nhãn, Thánh tăng,… Đáng chú ý tại chùa còn bảo lưu được 02 tấm bia “Sùng nguyên tự bi” niên đại 1814 và 1851, qua đó khẳng định thêm giá trị của di tích. 

Lễ Thượng nguyên chùa Lâm được mở vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Bên cạnh các nghi lễ tôn giáo theo đúng truyền thống cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, hội chùa còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đặc sắc, tiêu biểu là các chương trình chiếu chèo sân chùa… Lễ hội đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân, trở thành một trong những địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu của toàn huyện. Đây cũng là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của huyện Thủy Nguyên, thu hút được đông đảo du khách thập phương đến dự hội.

Năm 2011 Chùa được xếp hạng di tích cấp Thành phố.

 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke