DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP THÀNH PHỐ MIẾU THƯỢNG ĐOẠN XÁ

16 10 2023

in trang

Miếu Thượng Đoạn Xá do nhân dân 02 làng Thượng Đoạn và Đoạn Xá xưa xây dựng lên. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền mang đậm kiến trúc của ngôi Đình làng Bắc Bộ. Xưa kia Miếu mang tên nôm là Đình Gianh (tức ngôi đình mái lợp bằng lá gianh). Theo dữ liệu để lại Đình Gianh được xây dựng vào thời điểm làng Đoạn Xá, tổng Hạ Đoạn cùng các làng xã khác trong vùng đón nhận các sắc phong của các vị Vua nhà Nguyễn ban cho các vị Thần Hoàng của làng.

Theo đâu tích ghi trên câu đầu bộ vì kèo trung tâm của Tiền đường cho biết vào tháng 8 năm Quý Hợi (1863) Miếu được tu tạo lần thứ nhất theo kiểu nội công ngoại quốc; gồm 5 gian tiền đường, 3 gian nội cung với diện tích 122m2 trên thửa đất rộng rãi cao ráo. Trải qua thăng trầm của lịch sử và sự nghiệt ngã của thiên nhiên ngôi Đình Gianh đã xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2006 ngôi Đình đã được trùng tu tôn tạo theo đúng kiến trúc cổ của ông cha để lại và đã thống nhất đặt tên là Miếu Thượng Đoạn Xá. Với những giá trị văn hoá, tín ngưỡng đã tồn tại gần 02 thế kỷ. Ngày 23/01/2013 UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định xếp hạng Miếu Thượng Đoạn Xá là di tích lịch sử cấp thành phố.

Căn cứ vào 19 đạo sắc phong của các triều vua Gia Long, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định; các văn bia, thần tượng; các cổ vật và kết quả khảo sát các nguồn tư liệu về lịch sử nhân vật được thờ tự tại Miếu cho thấy từ ngày khởi dựng đến nay, Miếu là nơi thờ tự các vị thánh thần có công với đất nước, với địa phương được các triều đại phong kiến và nhân dân ghi danh suy tôn phụng thờ gồm:

- Đức Vương Ngô Quyền

- Ngài Thành hoàng Bản thổ chính thần, Hộ quốc Tý dân, huý Bạch Thuật.

- Đức Đông Hải Đại vương, huý Đoàn Thượng.

- Đức Quận công Vũ tướng Công, huý Cương Nghị.

- Cùng Đức Bản Thổ Bắc thôn, huý Cây Gạo và các chư vị hậu thần, tiên công.

+ Đức Vương Ngô Quyền. Ngài sinh ngày 12 tháng 3 năm Mậu Ngọ (năm 898) ở ấp Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội. Với tinh thần yêu nước, trí khí của bậc anh hùng. Ông đã cùng với nhân dân đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 với chiến thuật lợi dụng quy luật lên xuống của nước thủy triều, ông chỉ đạo binh sỹ bí mật đem cọc lớn, đẽo nhọn đầu, bịt sắt, đóng ngầm dưới lòng sông thành một trận địa cọc chờ giặc tới. Khi nước thủy triều lên đạo binh thuyền của quân Nam Hán ồ ạt tiến sâu vào trong bãi cọc; chờ nước thủy triều rút, Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy đại quân ta từ ba phía đánh ập vào các hạm thuyền của giặc. Lúc này nước sông rút nhanh, bãi cọc nhọn nhô lên cắm sâu vào thuyền giặc, quân Nam Hán bại trận tan tác.

Sau khi giành chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng giữ yên bờ cõi đất nước. Ngô Quyền xưng Vương củng cố triều chính. Mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc, chấm dứt nền thống trị hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Ngài băng hà ngày 18 tháng giêng năm 944. Với công đức của Đức Vương Ngô Quyền nhiều triều đại đã ban sắc phong suy tôn ngài là “Thượng đẳng tối linh Đại vương”; là “Ngô Vương thiên tử”; “vị tổ trung hưng của dân tộc”. Tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Vương Ngô Quyền các vị vua triều Nguyễn. Vua Thành Thái nguyên niên 1889, Vua Duy Tân năm thứ 3 - 1909, vua Khải Định năm thứ 9 - 1924 ban sắc phong ghi nhận công lao của Đức Vương Ngô Quyền và cho phép nhân dân được phụng thờ và hiện nay Miếu Thượng Đoạn Xá còn lưu giữ.

+ Vị Thành Hoàng bản thổ chính thần - Hộ quốc Tý dân, huý Bạch Thuật.

Theo truyền ngôn Đức Thành hoàng Bạch Thuật được thờ tự tại miếu ngay từ khi làng Đoạn Xá lập nên ngôi Đình Gianh. Hiện tại Miếu còn lưu giữ được 02 bản sắc phong của Vua Triều Nguyễn là Sắc niên hiệu Vua Khải Định năm thứ 02 - 1917 và năm thứ 9 – 1924 phong ngài Bạch Thuật là Thượng Đẳng thần.

+ Vị thứ ba thờ tại Miếu là Đức Đông Hải Đại vương huý danh Đoàn Thượng.

Ngài là người làng Xuân Độ, huyện Gia Phúc nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Là một danh tướng thời vua Lý Huệ Tông cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13. Lịch sử còn ghi lại ông là một vị tướng trung thần, có nhiều công lao giúp nước, giúp dân. Ông cho lập đồn phòng thủ, kiểm soát trấn ải xứ Đông giữ nguyên bờ cõi. Ông còn giúp dân khẩn hoang, đắp đê ngăn nước mặn, mở mang diện tích vùng đất ven biển Xứ Đông (tức Hải Phòng ngày nay). Để tưởng nhớ công lao của Đức Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng hiện nay nhân dân ở vùng Đoàn Xá - huyện Kiến Thuỵ; Đông Hải, Tràng Cát quận Hải An; Gia Viên quận Ngô quyền; một số xã của huyện Vĩnh Bảo, đều lập Đình, miếu phụng thờ ngài là Thành hoàng làng.

+ Vị  thứ tư thờ tại miếu là Vũ tướng công tên huý Cương Nghị.

Ngài là người làng Trung Hành phường Đằng Lâm quận Hải An làm quan thời vua Lê Trung Hưng. Là vị Quận công thứ 2 trong 18 vị Quận công của dòng họ Vũ ở làng Trung Hành. Ông có công giúp nhân dân vùng Tràng Cát, Trung Hành, Hạ Đoạn, Đoạn Xá đắp đê ngăn nước mặn bảo vệ mùa màng. Để tưởng nhớ công lao của ông nhà Vua đã ban sắc phong cho 05 làng Phương Lưu, Vạn Mỹ, Đoạn Xá, Thượng Đoạn và Trung Hành được thờ ngài. Hiện Miếu Thượng Đoạn Xá còn lưu giữ được các bản sắc phong của các Vua triều Nguyễn ban phong ngài là: “Đoan Túc Dực bảo trung hưng, Tả Đô đốc, Thiếu bảo Quận công Vũ Tướng công”.

Cùng với việc thờ tự 04 vị Thần Thành hoàng. Miếu còn thờ ngài Bản Thổ  Bắc Thôn Huý Cây Gạo mang đậm nét văn hóa tôn thờ các vị thần thiên nhiên của người Việt cùng các chư vị hậu thần, tiên công. Thể hiện sự tôn vinh tri ân và uống nước nhớ nguồn đối với các vị anh hùng có công cùng nhân dân địa phương trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước

 . Góp phần cùng với 06 di tích của phường Đông Hải 1 gồm: Chùa Vẽ, Phủ Thượng Đoạn, Đền Phú Xá, Miếu Phương Lưu, Đàn Thiện và Di tích lịch sử kháng chiến Từ đường Họ Trịnh Phương Lưu tạo thành một quần thể di tích độc đáo, là những kho tàng lịch sử hào hùng, chân thực, sống động chứa đựng những khí phách kiên cường, nhân cách trung nghĩa, đạo đức nhân từ trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc của người Việt Nam đồng thời là nơi tâm linh, kiến trúc, văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.

Hàng năm, vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống, dâng hương tưởng niệm các vị tiền nhân phụng thờ tại Miếu góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị lịch sử và truyền thống, gạn đục khơi trong, xây dựng khối đại đoàn kết để làm nền tảng phát triển kinh tế văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke