DI TÍCH LỊCH SỬ TỪ ĐƯỜNG HỌ TRẦN DOÃN

16 07 2024

in trang

Từ đường Trần Doãn, thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là nơi tôn thờ gia tiên, tiền tổ của dòng họ, trong các cụ tổ, cụ Tiến sĩ Trần Doãn Đàn được coi là ông tổ khởi nghiệp.

    Căn cứ Bia Thần tích (Triều vua Tương Dực nhà Hậu Lê thừa sao bia đá tại bản chính quốc triều) được Quản giám bách linh tri điện đại học sĩ Lê Tung sao vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) và Bản chính tại từ đường đông các đại học sĩ thừa sao niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924); Căn cứ sắc phong niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924); Căn cứ bia đá “Trần tộc bi ký” lưu tại từ đường; Căn cứ bản Văn tế cổ họ Trần Doãn cùng nhiều di vật, bài vị cổ tại từ đường ghi chép rõ về cụ Trần Doãn Đàn: 

    Bia thần tích cho biết: Năm Hồng Thuận thứ ba nhà vua cho mở khoa thi kén chọn người hiền, “khoa tiến sĩ” gọi là “Bảng long hổ”, “Ban ngọc duẩn” và “Kinh thiên Phật”. Thời gian ấy, nhà vua ban chiếu cho các châu quận trong thiên hạ rằng: Những người có học thực hơn đời, có đức hạnh đều được đến dự thi, nếu trúng tuyển được phong quan tước. Thời ấy, sĩ tử ở các .châu quận nghe thiên tử có chiếu chỉ đều nô nức tới thi. Nhà vua cho lấy đỗ:

    - Đệ nhất giáp tiến sĩ ba người gọi là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa;

    - Lấy đỗ: Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân chín người gọi là Hoàng giáp; 

    - Lấy đỗ: Đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân ba mươi nhăm người, gọi là Tiến sĩ. 

    Khi ấy ở trang Tử Đôi huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương có ông Trần Doãn Đàn là con thứ cụ Trần Doãn Đàm, tiên tổ trước kia vẫn được thụ phong mấy đời tập ấm. Khi ấy, ông Trần Doãn Đàn vâng chiếu chỉ về kinh đô ứng thí, trúng tuyển Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, tại khoa thi Tân Mùi đứng hàng thứ 9. Năm ấy ông 37 tuổi. 

    Khi vào bệ yết kiến nhà vua, ông là người có đức hạnh liêm khiết, bèn phong ông làm Tán trị công thần xung làm Thượng thư bộ Hình. Ông lạy tạ nhận chức quan tước, từ đó thấm nhuần mưa móc của thánh ân; tổ tiên được tiếng thơm, hương khói dài lâu. 

    Một ngày kia nhà vua ban yến tiệc, chuẩn cho ông về nơi quê cũ, lại ban cho thực ấp ở chỗ nhiệm sở thuộc huyện Tiên Lãng. Ông lạy tạ về nhiệm sở được ban 12 mẫu ruộng thực ấp để dùng vào việc khi ông trăm tuổi sau này giao cho dân làng Tử Đôi trông nom, tu sửa đền miếu thờ phụng ông. 

    Đầu triều Lê Thế Tông bình được nhà Mạc, khôi phục cơ đồ. Khi xét công trạng, nhà vua thấy ông có công trạng từ triều vua trước, bèn sai sứ đem sắc phong mỹ tự, thần hiệu tặng phong làm “Đương cảnh thành hoàng tả thị vệ Đàn hoa Phái hầu tước hiển ứng đại vương”. Chuẩn cho trang Tử Đôi và họ Trần Doãn được rước mỹ tự nói trên về lập miếu thờ phụng. 

    Ngoài Cao tổ Trần Doãn Đàn thì trong dòng họ còn có nhiều ông làm quan, đóng góp cho quê hương, đất nước như: Cụ Cao cao tổ Trần Doãn Đạc dưới triều Lê được đặc tiến là Phụ quốc Thượng tướng quân Thần vũ, vệ đô chỉ huy sứ Dương nghĩa hầu Tham đốc, gia phong Đốc tiền đô phủ quân; Cao tổ Trần Phúc Thọ, trùm phủ kiêm cai huyện Quảng Phú cụ Trần Đức Tiến cùng cụ bà Trần Thị Na được bầu làm Hậu thần của làng.

    Về sự kiện lịch sử. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1946-1953 cũng như địa phương khác, thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Thực dân Pháp cho xây dựng nhiều đồn bốt và lập chính quyền Tề nguỵ. Địa thế bị bao vây, phong toả bốn phía: Phía Đông giáp vùng Công giáo Tiên Đôi Ngoại; Phía Tây giáp vùng Công giáo toàn tòng Đông Xuyên Ngoại, có đồn bốt, bong ke của Pháp chiếm đóng; Phía Nam giáp Tỉnh Lạc là vùng Phía Bắc giáp Vân Đối cùng là vùng Tề nguy, có đồn Tây đóng chốt. 

    Nhưng Tử Đôi vẫn là khu du kích như một chiến khu của Việt Minh thu nhỏ, có luỹ tre làng bao bọc, có mả Sặc, mả chùa là nơi ém quân và hệ thống hầm bí mật để cất giấu cán bộ, mai phục mỗi khi địch đến càn quét. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã có nhiều cán bộ cấp tỉnh, huyện về lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện như: Đặng Kinh, Đỗ Tất Yến... Để che mắt địch và bọn Tề nguy, lực lượng kháng chiến của ta đã lấy cơ sở tâm linh: Đình, đền, từ đường là nơi hội họp bí mật, tranh thủ những dịp lễ hội Thành hoàng làng để cán bộ Việt Minh tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Trong thời gian đó, từ đường họ Trần Doãn là cơ sở bí mật của Việt Minh. Năm 1947 khi chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đoàn Lập được thành lập thì trong số 8 Đảng viên đầu tiên có 2 đồng chí là con cháu họ Trần Doãn (Trần Văn Riễm tổ trưởng Đảng kiêm thôn đội trưởng, Trần Hợi xã đội trưởng). 

     Trong những năm 1949-1953 địch tiến hành càn quét, khủng bố gắt gao nhằm phá hoại những cơ sở cách mạng của ta. Để đáp trả lại hành động hung hãn của kẻ thù, một cuộc họp được tổ chức tại gầm bàn thờ từ đường do hai cán bộ Huyện uỷ cử xuống không rõ danh tính. Các ông đeo mặt lạ, bàn một số việc tấn công đồn Vân Đôi, đánh bốt Đông Xuyên Ngoại. Thời gian này thấy lực lượng của ta ngày càng lớn mạnh, bọn phản động chỉ điểm người địa phương đã báo cho bốt Đông Xuyên Ngoại, đứng đầu tên cai Chuyên tìm cách tiêu diệt bằng được những cán bộ Việt minh gồm các đồng chí: Trần Văn Riễm, Trần Văn Tu, Trần Văn Thoan và một số người khác. Thực hiện dã tâm đó, năm 1951 chúng đốt phá toàn bộ từ đường Trần Doãn, 3 lần đốt phá nhà tổ trưởng Đảng Liên Văn Thoan, Trần Văn Tu.

    Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc năm 1954, con em trong dòng họ Trần Doãn đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dòng họ có 3 người hy sinh được công nhận liệt sỹ như: Ông Trần Văn Thoan, Trần Văn Tu, Trần Văn Sáo. 

    Đặc điểm của di tích 

    Từ đường họ Trần Doãn được khởi dựng từ lâu đời (gần 500 năm). Theo bia thần tích bản chính quốc triều, “ru vua Lê Tương Dực nhà hậu Lê thừa sao thì từ đường được dựng sau khi cụ tổ Trần Doãn Đàn mất, tức thế kỷ XVI. Đến triều vua Lê Thế Tông sau khi bình được nhà Mạc, khôi phục cơ đồ. Khi xét công trạng, nhà vua thấy ông có công trạng từ triều vua trước nên sắc phong mỹ tự thần hiệu “Đương cảnh thành hoàng tả thị vệ Đàn hoa Phái hầu tước hiển ứng đại vương” chuẩn cho trang Tử Đôi và họ Trần Doãn rước mỹ tự về lập miếu thờ phụng. Đến thời Nguyễn từ đường được trùng tu. Công việc bắt đầu từ thời Tự Đức 28 (1874) đến ngày 29/7 năm Duy Tân 6 (1912) thì khánh thành. Từ đường có bố cục hình chữ Nhất, 3 gian. Năm 1951 từ đường bị lính Pháp ở bốt Đông Xuyên Ngoại phá dỡ. Từ 1954-3/1955, tôn tạo. Năm 1995 từ đường được tân tạo lần 2. Năm 2004, 2007 tu bổ. Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành từ đường cổ, xây dựng nhà bia. Năm 2014, tiến hành đảo ngói, thay toàn bộ hoành rui. Cho đến nay kiến trúc từ đường cơ bản khang trang, tố hảo. 

    Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích 

    Hằng năm tại từ đường, dòng họ tổ chức lễ giỗ tổ ngày 7/4. Trong dịp này con cháu của dòng họ khắp nơi về dự, thắp hương thành kính trước tổ tiến. Ba năm một lần dòng họ có tổ chức rước sắc ông tổ Trần Doãn Đàn từ đình Tử Đôi về từ đường tể lễ trong hai ngày mùng 6, 7. 

    Trong không gian lễ hội, từ đường cùng nhân dân tổ chức các trò chơi truyền thống như: vật cầu, cờ tướng, tổ tôm điểm. 

    Nhằm phát huy truyền thống hiếu học, dòng tộc Trần Doãn đã thành lập được quỹ khuyến học để khích lệ con em phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành công dân có đức, có tài đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước phát triển. Hội khuyến học tổ chức phát phần thưởng cho các em đạt thành tích cao trong học tập vào dịp đầu năm học mùng 2/9 hằng năm. 

    Khảo tả di tích 

    Từ đường họ Trần Doãn có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, bao gồm tòa tiền đường 3 gian, hậu cung 2 gian. Tòa công trình được làm kiểu tường hồi bít đốc. Từ đường quay hướng Nam, hướng vượng khí, đem lại nguồn sinh khí tốt lành cho dòng họ. Phía Đông nhà bia 3 gian; phía Tây giếng ngọc là khẩu thủy của từ đường.

    Tiền đường có 2 vì gian giữa làm bằng gỗ lim, hoành rui gỗ táu mật, mái lợp ngói mũi hài. Để mở rộng không gian tòa nhà, tiền đường được thiết kế theo kiểu chốn chân cột, hệ thống vì bít trực tiếp vào hệ tường làm điểm chịu lực. Hai vì gian trung tâm được thiết kế theo thức vì kèo cổ truyền, vì nóc “chồng rường giá chiêng” và sử dụng kẻ ngồi liên kết mộng từ cột cái qua cột quân. Trên hệ vì được trang trí theo lối chạm nổi kết hợp kênh bong hoa lá lật, đấu kê chạm cánh sen.

    Hậu cung 2 gian là không gian thiêng tôn thờ gia tiên, tiền tổ của dòng họ Trần Doãn. Chính ban có long đình, ngai bài vị cụ tổ “Đương cảnh thành hoàng đức sài tổ tả vệ Đàn đại vương”. Hai bên tả hữu thờ Đức ông và tổ cô. 

    Một số di vật tiêu biểu thuộc di tích nguy

    Trải qua thời gian lịch sử, chiến tranh chống xâm lược, từ đường Trần Doãn bị tháo dỡ, mất mát, hư hỏng song hệ thống đồ thờ tự, tế khí, bia đá... vẫn được các thế hệ con cháu bảo tồn, gồm một số di vật tiêu biểu: 

    - Long ngai bài vị của tổ khai nghiệp Trần Doãn Đàn. Long ngai, bài vị được sơn thếp rực rỡ, niên đại đầu thế kỷ XX; 

    - Kiệu long đình, niên đại thế kỷ XIX;

    - Sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924) cho cụ Vệ Đàn; 

    - Nhang án chân cao, cạnh chính diện nhang án chạm hoa lá cách điệu rồng mang đặc trưng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII);

    - Hệ thống bia đá: Trần tộc bi ký (bia ghi chép về tộc họ Trần); Đệ nhất chi phái, niên hiệu Thành Thái 19 (1908); Bia ghi từ Tằng tổ trở xuống đến 8 đời của (phái 1), niên hiệu Thành Thái 19 (1908); Bia ghi về việc tân tạo từ đường, niên hiệu Duy Tân 6 (1912). 

    Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của di tích của các loại hoa 

    Từ đường họ Trần Doãn là di tích có giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc, là nơi tôn thờ gia tiên, tiền tổ của dòng họ, đặc biệt dòng họ có cụ tổ Trần Doãn Đàn đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân khoa Tân Mùi (1511), đến đời vua Lê Thế Tông được truy tặng: Danh thần tiền triều, đương cảnh thành hoàng tả thị vệ Đàn hoa Phái hầu tước hiển ứng đại vương. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, con em trong dòng họ đã đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp chung của đất nước, huyện Tiên Lãng. Trong kháng chiến chống Pháp, dòng họ có ông Trần Văn Thoan hy sinh ngày 17/4/1951; Trần Văn Tu hy sinh ngày 8/5/1951; Trần Văn Sáo hy sinh ngày 6/5/1954. Trong kháng chiến chống Mỹ, họ Trần Doãn có: Trần Văn Thảo hy sinh năm 1968; Trần Văn Dậu hy sinh năm 1971; Trần Đức hy sinh năm 1972; Trần Văn Nhạc hy Thành, Trần Văn Tuý, Trần Đức Kí sinh năm 1979.

    Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

    - Trong thời gian từ năm 1995 đến năm 2014, từ đường họ Trần Doãn được các thế hệ con cháu cùng nhau trùng tu, tôn tạo khang trang, tố hảo. Do vậy về kết cấu kiến trúc công trình đảm bảo được độ chắc chắn, có thể bảo tồn lâu dài phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dòng họ. Kiến trúc công trình về cơ bản theo thức cổ truyền, cổ kính, phù hợp với chức năng nhà thờ tổ. Năm 2012, xây dựng nhà bia đã góp phần bảo tồn nguồn sử liệu quý ghi chép về gia phả, lịch sử từ đường của họ Trần Doãn; 

    - Môi trường, cảnh quan di tích sạch đẹp tuy nhiên chưa được quy hoạch tổng thể, cảnh quan còn đơn điệu, thiếu vắng cây xanh; 

    - Hệ thống đồ thờ tự, tế tự cổ, phong phú đáp ứng tốt hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh trong dịp lễ giỗ tổ; điện thờ được bố trí khoa học, đảm bảo được tính linh thiêng và thẩm mỹ cao; 

    - Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, lễ giỗ tổ được dòng họ duy trì tổ chức hằng năm. Cứ ba năm một lần, dòng họ cùng dân làng tổ chức rước sắc phong cụ tổ, thành hoàng làng Trần Doãn Đàn về từ đường dòng họ tế lễ. Đây là một truyền thống văn hoá tốt đẹp của địa phường nhằm tri ân người có công với đất nước, dân nhân và quê hương Tử Đôi.

 

Admin

Thong ke