DI TÍCH LỊCH SỬ TỪ ĐƯỜNG HỌ NGUYỄN KHẮC

04 07 2024

in trang

Người Việt Nam có câu ca dao "Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn". Câu ca dao đó nói lên đạo lý "Hiếu - nghĩa" của con cháu đối với tổ tiên.

     I.Tên gọi di tích và lược khảo địa chí địa phương

     1.1.Tên gọi di tích

     Xuất phát từ đạo lý đó, ở hầu hết các làng quê Việt Nam, nhân dân đã tổ chức ngày lễ giỗ tổ các họ, phái và xây dựng các nhà thờ tổ, lăng miếu để tưởng niệm các bậc tiền nhân.

     Từ đường họ Nguyễn Khắc (còn gọi là Từ đường họ Nguyễn Khắc Ba Phái, hoặc họ Nguyễn Khắc năm ngành để con cháu dễ nhớ), phường Bàng La, quận Đồ Sơn từ ngày khởi dựng đến nay, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo được nét kiến trúc cổ truyền của ngôi nhà truyền thống và vẫn mang tên gọi của chính dòng họ đã xây dựng lên công trình này. Do vậy, tên gọi chính thức lưu trong hồ sơ khoa học của di tích này là: Từ đường họ Nguyễn Khắc, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

     1.2. Lược khảo địa chí địa phương

     Bàng La nằm trên một cồn cát cổ vùng duyên hải, chếch theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, được ngăn cách với cồn cát Tú Sơn, Đại Hợp và Đoàn Xá bằng cửa Đại Bàng nổi tiếng. Do mặt bằng cao ráo nên Bàng La là nơi quần tụ cư dân sớm hơn so với một số xã trong huyện. Với điều kiện địa lý như vậy, nên ngay từ thời Lý – Trần, dân số Bàng La đã đông đúc, phồn thịnh, bằng chứng là nhiều công trình nổi tiếng đã được xây dựng như: đình Bàng Động mà nay vẫn còn lưu truyền câu ca “ xứ Bắc đình Rồng, xứ Đông đình Bàng”; chùa Bùi có tên chữ là Vĩnh Khánh tự; đình, chùa Nhội ( Quang Khánh tự) ở thôn Đồng Tiến... Trai qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân xã Bàng La có đóng góp đáng kể sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền là một trong những nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Ngoài các công trình đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ (từ đường) dòng họ cũng được tu bổ, tôn tạo và phục dựng ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và tỏ lòng thành kính, tri ân đối với các bậc thủy tổ của dòng họ. Từ đường họ Nguyễn Khắc, tổ dân phố Bảng Thượng, phường Bàng La là một trong những công trình văn hóa như vậy. Ngoài chức năng là nhà thờ, Từ đường họ Nguyễn Khắc còn là nơi hoạt động của cán bộ kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp (1946 - 1954).

     Ngày nay, Bàng La là một phường thuộc quận Đồ Sơn, thành lập theo Quyết định số 145/2007/NĐ-CP ngày 12/9/2007, phía Bắc giáp xã Hợp Đức (huyện Kiến Thụy); Nam giáp vịnh Bắc Bộ ; Tây - các xã : Đại Hợp và Tú Sơn (huyện Kiến Thụy); Đông giáp các phường Ngọc Xuyên và Vạn Hương (đều thuộc quận Đồ Sơn). Diện tích 574,57ha, dân số khoảng 8000 người. Phường hiện nay có 14 tổ dân phố, nhà thờ họ Nguyễn Khắc thuộc tổ dân phố Bàng Thượng. Trước năm 1945, phạm vi của phường ngày nay tương ứng với 2 xã Bàng Động và Phụ Lỗi, tổng Nãi Sơn và xã Tiểu Bàng với thôn Trung Lộc, tổng Đại Lộc, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Từ năm 1962, khu vực Bàng La thuộc thị xã Đồ Sơn. Từ 7/4/1966 là xã thuộc thị xã Đồ Sơn. Từ 26/12/1970, giải thể xã Bàng La để thành lập tiểu khu Bàng La thuộc thị xã Đồ Sơn. Sau đó lại tái lập xã Bàng La. Từ xưa, dân Bàng La sống bằng nghề làm muối, vận tải đường sông, sau phát triển thêm nghề nuôi trồng thủy sản khi đã hoàn thành việc đắp đê lấn biển ngăn mặn.

     II. Địa điểm và đường đi đến di tích

     2.1.Địa điểm

Từ đường họ Nguyễn Khắc thuộc Tổ dân phố Bàng Thượng, phường Bảng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

     2.2.Đường đi đến di tích

     Từ trung tâm thành phố, bằng các loại phương tiện giao thông đường bộ, đi theo đường Lạch Tray qua Cầu Rào, sang đường Phạm Văn Đồng đi hướng Đồ Sơn, đến ngã ba cây xăng đối diện với sân gôn Đồ Sơn, rẽ tay phải hỏi thăm đến UBND phường Bàng La, tới đây sẽ được chỉ dẫn đường tới di tích. Di tích cách trung tâm thành phố khoảng 15km.

     III. Phân loại di tích.

     Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Căn cứ Điều 11 Nghị định 98/2012/NĐ-CP, ngày 21/9/2010 của Chính phů;Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu của nhóm cán bộ Phòng Nghiệp vụ di tích Bảo tàng Hải Phòng tại Từ đường họ Nguyễn Khắc; di tích Từ đường họ Nguyễn Khắc thuộc Tổ dân phố Bàng Thượng, phường Bàng La, quận Đồ Sơn thuộc loại hình di tích lịch sử.

     IV. Đặc điểm lịch sử của di tích và nhân vật lịch sử được thờ

     4.1. Đặc điểm lịch sử của di tích

     Về nguồn gốc khởi dựng ngôi từ đường từ khi nào, quy mô kiến trúc ra sao đến nay không ai còn nhớ rõ. Qua tấm văn bia tại di tích, tạo năm Dương Hòa 5 (1639), tiêu đề ghi: Trùng tu Đông Lỗ kiều tịnh miếu bi ký. Nội dung bia ghi lại việc trùng tu miếu cầu Đông Lỗ tại xã Tiểu Bàng do nhiều dòng họ và các bậc danh sĩ trong xã hưng công. Đặc biệt, đứng đầu danh sách hưng công có cụ thủy tổ dòng họ Nguyễn Khắc là cụ Nguyễn Khắc Minh tên tự là Đạo Diễn được lưu danh trên bia. Qua đó có thể khẳng định rằng dòng họ Nguyễn Khắc đã có mặt và sinh cơ, lập nghiệp tại vùng đất Tiểu Bảng từ nửa đầu thế kỷ 17.

     Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế tại di tích cho thấy: ngôi từ đường đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và từ đường hiện nay là một công trình kiến trúc thời Nguyễn đầu thế kỷ 20. Trên thanh câu đầu của vì nóc tòa bái đường có ghi dòng chữ Hán: “Bảo Đại thập tử niên tuế thứ Kỷ Mão tân tạo đại cát", có nghĩa: Từ đường được dựng vào ngày tốt, năm Kỷ Mão, Bảo Đại thứ 14(1939). Từ đường có bố cục mặt bằng hình chữ đinh, gồm 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung. Kết cấu kiến trúc tòa bái đường gồm 2 bộ vì gỗ lim. Từ đường được trùng tu lần gần đây nhất vào năm 1998, về kết cấu kiến trúc vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

     4.2. Nhân vật lịch sử được thờ

     Từ đường họ Nguyễn Khắc là nơi thờ các bậc tiên tổ của dòng họ. Theo Tộc phả của dòng họ, cụ thủy tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Khắc Minh tên tự là Đạo Diễn sinh năm (1584-1659). Theo nội dung tấm văn bia Trùng tu Đông Lỗ kiều tịnh miếu bi ký còn lưu giữ tại từ đường cho biết: cụ thủy tổ dòng họ là một trong những danh sĩ nổi tiếng trong vùng, cụ là Chủ Hội đồng điền có công đóng góp xây dựng những công trình quan trọng của làng xã. Trải thời gian, cùng qua với các dòng họ khác, dòng họ Nguyễn Khắc đến Tiểu Bàng sinh cơ lập nghiệp kế đến nay đã 13 - 14 đời. Cụ thủy tổ sinh được 03 người con trai: người con cả là Nguyễn Khắc Tuân; người con thứ hai là Nguyễn Khắc Kỷ; người con thứ ba là Nguyễn Khắc Chí. Trải theo thời gian dòng họ tiếp tục phát triển được 5 ngành, gồm: ngành trưởng Nguyễn Khắc; các ngành sau theo thứ tự: Nguyễn Văn, Nguyễn Phú, Nguyễn Hữu và Nguyễn Đức. Ngày nay, số nhân khẩu của dòng họ Nguyễn Khắc chiếm tỷ lệ khá đông, trên 50% so với cả làng phương Bàng La. Dòng họ Nguyễn Khắc từ xưa luôn là một dòng họ lớn, có uy tín và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của làng, xã cũng như quê hương đất nước. Trước 1945, dòng họ có cụ Nguyễn Đức Ưu làm Chánh Tổng, sau cách mạng cụ làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời kháng chiến xã. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ địa phương, trải qua các thời kỳ, nhiều người trong dòng họ có uy tín và được bầu giữ các chức vụ chủ chốt về Đảng, chính quyền xã Bảng La như bí thư, chủ tịch UBND xã.

     Ngày nay, kế tục phát huy truyền thống của dòng họ, nhiều con cháu của dòng họ học hành đỗ đạt, có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ, Đại học, Cử nhân..., nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực công tác, giữ các chức quan của nhà nước.

     V. Sự kiện lịch sử kháng chiến diễn ra tại di tích

     Trong kháng chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Tử đường họ Nguyễn Khắc là nơi nuôi dấu cán bộ kháng chiến. Hậu cung từ đường có căn hầm bí mật là nơi hoạt động của cán bộ kháng chiến và cất dấu tài liệu, nhiều cuộc họp quan trọng đã được tổ chức tại đây, trong đó có các cuộc họp chuẩn bị cho việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Bàng La do đồng chí Lê Chương (sau này là Bí thư Tỉnh uỷ Kiến An) thay mặt Huyện ủy Kiến Thụy chủ trì. Lễ thành lập chi bộ Đảng đầu tiên vào ngày 2/9/1947 tại căn nhà ngang của cụ Chánh Tổng Nguyễn Đức Ưu, ngay bên cạnh từ đường dòng họ Nguyễn Khắc. Chi bộ mới được thành lập gồm 03 đảng viên, Bí thư chi bộ là đồng chí Nguyễn Đức Quý là cháu ruột của cụ Chánh Tổng Nguyễn Đức Ưu, họ đều là con cháu của dòng họ Nguyễn Khắc.

     Trong kháng chiến chống Mỹ, từ đường được trưng dụng làm trường Tiểu học của xã Bàng La. Khuôn viên từ đường có nhiều hầm kèo tránh trú ẩn bom đạn.

     Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dòng họ Nguyễn Khắc đã có những đóng góp đáng kể sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều người trong dòng họ là thương binh, liệt sỹ. Dòng họ có 33 người tham gia bộ đội chống Pháp, trong đó 10 người là liệt sĩ; 153 người tham gia bộ đội chống Mỹ, trong đó 27 người là liệt sĩ. Xã Bàng La có 06 bà mẹ Việt Nam anh hùng thì cả 06 người đều thuộc dòng họ Nguyễn Khắc. Có thể nói, những đóng góp kể trên của dòng họ Nguyễn Khắc là rất đỗi tự hào và vẻ vang cho dòng họ nói riêng và nhân dân phường Bàng La nói chung. Chính vì vậy, ngày 16/12/2004, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Bàng La đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.

     VI. Khảo tả di tích

    Từ đường họ Nguyễn Khắc tọa lạc trên một khuôn viên khá rộng trong khu dân cư đông đúc, mặt quay hướng tây-nam.

     Từ đường có bố cục mặt bằng hình chữ “đinh” (J), gồm 03 gian bái đường và 01 gian hậu cungTừ đường có bố cục mặt bằng hình chữ "đinh", gồm: 3 gian bái đường và 01 gian hậu cung, xây kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn. Mái lợp ngói mũi, nền lát gạch men (30x30).

     Từ ngoài vào, kiến trúc đầu tiên ta bắt gặp là nghi môn. Nghi môn của từ đường xây tại vị trí đối chiếu thẳng trục đường thần đạo. Nghi môn có kết cấu kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong. Hai bên tả hữu của nghi môn xây kiểu giả môn, tạo 4 mái đao đắp rồng chầu phượng đón. Cổng chính, phần cổ giữa 2 tầng mái đắp nổi dòng chữ tên từ đường. Mặt trước và sau của trụ cổng đều đắp nổi các đôi câu đối, nội dung ca ngợi công đức của tổ tiên dòng họ. Qua nghi môn là con đường lát gạch bát thẳng tắp rộng chừng 2m, dài chừng 20m dẫn đến sân từ đường, hai bên lối đi trồng 2 hàng cau đăng đối, tạo sự cân đối hài hòa cho không gian kiến trúc của công trình. Tiếp giáp giữa lối đi và sân, về hai bên tả hữu xây 2 cổng phụ, tạo cho khuôn viên chia làm 2 khu là khuôn viên ngoại và nội. Cổng phụ cũng được xây theo thức truyền thống, mái đắp trang trí kiểu mái đao cong mềm mại. Hai bên phía trước sân là hai giếng ngọc như hai mắt rồng, tạo thế phong thủy cho ngôi từ đường. Giếng xây kiểu hình tròn, xây thành bao xung quanh, đường kính khoảng 1,5m, giếng có niên đại khoảng hơn 100 năm nay.

     Qua một khoảng sân khá rộng là đến tòa bái đường, tường được xây bằng vật liệu đá núi màu vàng. Tòa bái đường được lắp 3 bộ cửa bức bàn kiểu “thượng song hạ bản”. Kết cấu bộ khung chịu lực của tòa bái đường gồm 2 bộ vì gỗ lim, làm theo kiểu 3 hàng chân cột, các cột đều được kê trên các chân tảng đá xanh được đục đẽo công phu. Các chân tảng tạo kiểu giật 2 cấp trên tròn, dưới vuông. Một điều hiếm thấy ở đây là hệ thống khung cột, các cột đều tạo kiểu cột hình trụ vuông (20x20cm). Theo lý giải của chúng tôi, cột gỗ vuông thường là gỗ thành khí được xẻ ra từ một cây gỗ có đường kính lớn. Bản thân gỗ lim nguyên cây thường hay bị “thông tâm”, tuổi thọ không cao. Có lẽ vì thế nên các cụ mới dùng thân cây có kích thước lớn xẻ làm cột cho bộ khung chịu lực, bởi như vậy có thể lược bỏ phần lõi gỗ lim, tránh cột bị thông tâm, tăng tuổi thọ công trình. Ở phần vì nóc bái đường làm kiểu chồng đấu giá chiêng; vì nách chạm bong kênh, chạm thủng đề tài lưỡng long, lưỡng phượng chầu xen kẽ hoa lá cách điệu.

     Tòa hậu cung của từ đường gồm một gian, một bộ vì, có kết cấu kiến trúc đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén.

     VII. Những di vật có giá trị tại di tích

     Tại từ đường hiện còn bảo tồn được khá nhiều hiện vật có giá trị:

      *Bia đá: 01 bia, tạo năm Dương Hòa 5 (1639), do Hiệu sinh trường Dương Kinh là Nguyễn Trị Bản tên tự là Pháp Đạt soạn. Bia kiểu dẹt, trán hình bán nguyệt; trán bia chạm nổi hình lưỡng long triều nguyệt; diềm chạm nổi hoa văn dây leo; diềm dưới chạm hình cánh sen. Bia có tiêu đề: Trùng tu Đông Lỗ kiều tinh miếu bi ký. Nội dung bia ghi lại việc trùng tu miếu cầu Đông Lỗ tại xã Tiểu Bàng do nhiều dòng họ và các bậc danh sĩ trong xã hưng công, đặc biệt đứng đầu danh sách có cụ thủy tổ dòng họ Nguyễn Khắc là cụ Nguyễn Khắc Minh tên tự là Đạo Diễn được lưu danh trên bia.

      Một số nội dung đại tự, câu đối:

   - Đại tự: 01 bức, chất liệu gỗ, hình chữ nhật, diềm ốp kiểu vỏ măng, hoa văn chạm gấm, nền chạm nổi 3 chữ Hán: Đại Từ Đường. Bức đại tự được sơn son thếp vàng; niên đại thời Nguyễn đầu thế kỷ 20.

     - Câu đối:

    + Cổng từ đường ghi: 1, Tổ công, tông đức thiên niên thịnh; Tử hiếu, tôn hiền vạn đại xương.

2, Tổ đức bách niên lưu phúc hậu; Tôn hiền vạn đại phụng ơn tiên

     + Câu đối trong từ đường: 01 đôi câu đối phẳng, niên đại đầu thế kỷ 20, nội dung ghi:

     3, Tứ kim nhật chi ngành vun về quang cảnh đoàn viên; Bằng đa niên tổ thiệu tông bồi ơn bề nội ngoại.

     * Tượng thờ: Ở vị trí cao nhất, gian chính giữa hậu cung là bức tượng ngài thủy tổ của dòng họ Nguyễn Khắc; tượng chất liệu bằng gỗ, tạc kiểu tượng tròn, ngồi trong long ngai, có kích thước nhỏ gần bằng % người thường. Tượng được tạc với nét mặt hiền từ, dáng vẻ nho nhã. Ở hàng thứ hai thấp hơn là 03 pho tượng thờ 03 cụ Trưởng của ba phái, các vị đều ngồi trong long ngai và có kích thước nhỏ hơn so với pho tường ngài thủy tổ. Hàng cuối cùng là 05 pho tượng thờ 05 cụ Trưởng của năm ngành, kích thước 05 pho nhỏ hơn so với các pho trên. Toàn bộ các pho tượng đều được sơn son thếp vàng và mới được dòng họ mới cung tiến những năm gần đây.

*01 long ngai, chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, niên đại thời Nguyễn thế kỷ 19.

*01 đôi lọ lục bình gốm sứ hoa lam, niên đại niên đại thế kỷ 19.

*01 bài vị, chất liệu gỗ, niên đại niên đại thời Nguyễn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

*01 bức đại tự, chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, niên đại niên đại thời Nguyễn đầu thế kỷ 20.

*01 đôi câu đối phẳng, chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, niên đại niên đại thời Nguyễn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

      VIII. Sinh hoạt văn hóa và tổ chức lễ hội truyền thống tại di tích

     Từ đường họ Nguyễn Khắc thường tổ chức tiết lễ vào các ngày 27 tháng Chạp và mùng 6 tháng Giêng hàng năm.

     Hàng năm, dòng họ lấy ngày 6 tháng Giêng làm ngày giỗ chung gọi là ngày đại lễ cúng giỗ bậc thủy tổ dòng họ. Vào ngày này, con cháu trong dòng họ lại có dịp tập trung đông đủ, thành kính trước anh linh bậc tiên tổ, cùng nhau ôn lại công lao to lớn của tổ tiên từ khi mới lập nghiệp, những đóng góp của con cháu với dòng họ, làng xóm, quê hương, phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

      Nhân dịp này, dòng họ còn tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao niên từ 70 tuổi trở lên đến 80, 90 tuổi..., ngoài ra còn tổ chức lễ phát phần thưởng cho các cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đó thực sự là những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc Việt Nam, mỗi dòng họ cần trân trọng gìn giữ và phát huy.

     IX. Giá trị của di tích

     Từ đường họ Nguyễn Khắc phường Bàng La, quận Đồ Sơn là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của dòng họ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, song, dòng họ vẫn bảo tồn nguyên vẹn được kiến trúc ngôi từ đường. Từ đường họ Nguyễn Khắc không chỉ mang những giá trị vật chất đơn thuần mà hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa phi vật thể có giá trị như văn bia, hình thức, nghi lễ thờ cúng...

     Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dòng họ Nguyễn Khắc đã có những đóng góp đáng kể sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

     Có thể nói việc bảo vệ, gìn giữ ngôi từ đường còn nguyên vẹn đến ngày là rất đáng trân trọng đối với dòng họ Nguyễn Khắc. Mặt khác, dòng họ luôn nay duy trì tổ chức ngày giỗ tổ hàng năm theo nghi thức hết sức trang trọng, điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó trong dòng họ, sự tri ân đối với tổ tiên và thểhiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam:“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", góp phần đoàn kết cộng đồng, xây dựng xóm phường, quê hương ngày thêm giầu đẹp.

     Thông qua đôi nét về lịch sử xây dựng, kiến trúc vật chất, những sự kiện lịch sử kháng chiến, nội dung thờ tự và những di vật hiện còn tại di tích. Từ đường họ Nguyễn Khắc thực sự là một di sản văn hóa có giá trị cần được bảo vệ và phát huy.

     UBND thành phố đã quyết định xếp hạng Tử đường họ Nguyễn Khắc, phường Bàng La, quận Đồ Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố vào năm 2016 theo Quyết định số 2822/QĐ-UBND, ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc xếp hạng Di tích Thành phố đối với từ đường họ Nguyễn Khắc, phường Bàng La, quận Đồ Sơn;

Admin

Thong ke