DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN ĐÌNH LÀNG VỊ XUYÊN - XÃ TÂN DÂN HUYỆN AN LÃO – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
15 01 2024
in trangĐình làng Vị Xuyên, thuộc thôn Vị Xuyên, xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Xưa là một công trình kiến trúc cổ, nằm tại vị trí trung tâm của xã Tân Dân, là nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện An Lão.
Xã Tân Dân được thành lập ngay sau ngày cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công trên cơ sở chủ trương của UBND huyện về việc hủy bỏ cơ cấu tổ chức làng xã của chính quyền phong kiến cũ. Trong đó thôn Vị Xuyên nằm ở trung tâm của xã, có vị trí địa lý rất thuận lợi. Đình làng Vị Xuyên đã bị tiêu hủy trong kháng chiến chống Pháp, đến nay hầu như không để lại di tích nào. Nền cũ của ngôi đình hiện nay là nhà văn hóa xã Tân Dân. Dựa vào cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng cổ truyền và nhằm đảm bảo yếu tố bí mật, các Đảng viên trung kiên của huyện đã quyết định lấy địa điểm đình Vị Xuyên để thành lập chi bộ Đảng cộng sản chính thức, đảm bảo vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến trong toàn huyện lúc bấy giờ.
Giai đoạn 1930 – 1945, do điều kiện lịch sử huyện An Lão ở thời kỳ này chưa có cấp ủy lãnh đạo thống nhất. việc lãnh đạo cách mạng, nhất là cách mạng tháng 8 năm 1945 chủ yếu do lãnh đạo Việt Minh huyện đã căn cứ vào chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là Đảng viên Đảng cộng sản. Bước sang năm 1946, sau khi ổn định về chính quyền các cấp, Mặt trận Việt Minh huyện được củng cố, đồng chí Tô Duy được cử làm chủ nhiệm Việt Minh huyện, công tác phát triển Đảng viên, xây dựng lực lượng, đoàn thể vẫn được chú trọng.
Cuối năm 1946, tình hình cách mạng trong nước có diễn biến phức tạp, nhất là âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Tại huyện An Lão, phong trào cách mạng có từ rất sớm, nhân dân yêu nước, ủng hộ cách mạng, nhiều đảng viên đã qua rèn luyện thử thách, xứng đáng là lực lượng nòng cốt lãnh đạo cách mạng địa phương. Nhưng lực lượng cán bộ Đảng viên còn ít và hoạt động dưới danh nghĩa Việt Minh mà chưa có tổ chức Đảng chính để tập hợp lực lượng đủ mạnh để đáp ứng tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đứng trước tình hình này, tỉnh ủy Kiến An đã có ý kiến chỉ đạo phải đẩy mạnh công tác phát triển Đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Chính vì vậy, đồng chí Lê Quốc Thân – Bí thư tỉnh ủy Kiến An, đồng chí Mai Côn – phó bí thư, đồng chí Trần Các – tỉnh ủy viên đã về Tân Dân nghiên cứu, khảo sát địa bàn, xúc tiến việc thành lập chi bộ huyện An Lão.
Ngày 16 tháng 9 năm 1946, tại đình làng Vị Xuyên, xã Tân Dân, chi bộ Đảng cộng sản huyện An Lão được thành lập có sự chứng kiến của đồng chí Trần Các, ủy viên thường vụ tỉnh Kiến An. Chi bộ đầu tiên có 3 đồng chí là Tô Duy, Phạm Ngọc Cương, và Nguyễn Thị Hường. Đồng chí Tô Duy, chủ nhiệm Việt Minh huyện được cử làm bí thư chi bộ. Trong phiên họp đầu tiên, chi bộ đã đề ra phương hướng công tác nhằm phát triển mạnh phong trào cách mạng trong huyện, đồng thời đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phát triển Đảng viên. Chi bộ hết sức coi trọng truyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và chính phủ tới nhân dân để quán triệt, thông suốt và hăng hái thực hiện. Từ đây, huyện An Lão mới chính thức có một tổ chức Đảng gánh vác trọng trách lịch sử và đã làm nên những thắng lợi vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân huyện An Lão kể từ khi được thành lập cho đến nay.
Sự kiện chi bộ Đảng cộng sản của huyện được thành lập tại xã Tân Dân, là sự lựa chọn lịch sử. Ngoài yêu cầu của tình hình nhiệm vụ lúc bấy giờ về việc cần thiết phải thành lập một chi bộ chính thức, xã Tân Dân còn là địa phương có cơ sở của cán bộ Đảng từ thời tiền khởi nghĩa và là xã được tỉnh bộ Việt Minh chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền sớm, có phong trào quần chúng mạnh. Việc chi bộ Đảng cộng sản của huyện được thành lập tại đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phong trào Tân Dân được đánh dấu bằng sự kiện là sau đó 3 tháng, tháng 01/1947, chi bộ của xã Tân Dân cũng đã được thành lập. Sự hoàn thiện ở mặt tổ chức đã cho phép chi bộ Đảng ở Tân Dân củng cố lực lượng, phát triển mạnh đảng viên, đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng ở xã.
Đến tháng 4 năm 1947, trước sự phát triển của chi bộ xã, Đảng bộ huyện An Lão cũng đã ra đời, đồng chí Tô Duy được cử làm bí thư huyện ủy, Phạm Ngọc Cương là phó bí thư, Nguyễn Văn Bút là ủy viên ban thường vụ. Trụ sở huyện ủy đặt tại thôn Xuân Sơn, xã Duy Tân( An Thắng ngày nay) để tiện việc chỉ đạo phong trào toàn huyện. Sự ra đời của chi bộ huyện An Lão đã đánh dấu bước phát triển mới về mặt tổ chức Đảng, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng và ngày càng lớn mạnh trong quá trình thực hiện vai trò lịch sử của mình.
Đình làng Vị Xuyên đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố theo Quyết định số 734/QĐ-UB ngày 11 tháng 05 năm 2005.
Hiện nay, Đình làng Vị Xuyên đã bị tiêu hủy trong kháng chiến chống Pháp, đến nay hầu như không để lại dấu tích nào.
Admin