DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CHÙA VIỆT KHÊ - XÃ TÂN DÂN HUYỆN AN LÃO – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

15 01 2024

in trang

Chùa Việt Khê (Chùa Bà Đanh – Huyền Quang Tự) thuộc thôn Việt Khê - xã Tân Dân – huyện An Lão – Thành phố Hải Phòng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp Chùa Bà Đanh là nơi liên lạc bí mật của Đảng, hầu hết các đầu mối liên lạc tập trung tại chùa. Chùa là nơi xuất phát của lực lượng vũ trang địa phương tham gia đánh địch.

     Ngôi chùa được mang ngay cái tên của làng quê, nơi cộng đồng dân cư đã xây dựng lên nó. Chùa Việt Khê còn được người dân địa phương quen gọi là chùa Bà Đanh, gắn với nhiều câu chuyện lưu truyền về nhân vật Bà Đanh. Chùa có tên chữ là “Huyền Quang Tự” nghĩa là ngôi chùa tỏa ánh sáng huyền diệu của phật pháp.

     Thời kỳ phong trào yêu nước Cần Vương cuối thế kỷ 19, ở khu Biều Đa, Mỹ Đức, An Lão có cụ Đốc Trịnh đã đứng lên tập hợp nghĩa binh, hưởng ứng chiếu Cần Vương chống lại kẻ thù xâm lược. Trong số nghĩa binh có người phụ nữ không rõ quê ở đâu, song bà là người am hiểu phật pháp, tinh thông võ nghệ, người địa phương hay gọi là Bà Đanh. Bà Đanh dựng lều quán bán nước và một ngôi chùa nhỏ trên gò đất cao ven đường, thực chất là địa điểm liên lạc, nơi triệu tập nghĩa sĩ và thu thập tình hình phục vụ cho nghĩa quân. Sau khi bà Đanh rời chùa, quán đi theo nghĩa quân Đốc Trịnh, Ni sư ở chùa Kim Châm xã Mỹ Đức đã cùng dân làng Việt Khê di dời cả hai ngôi chùa cũ trong làng và chùa quán của Bà Đanh về xây dựng lại trên mảnh đất hiện nay.

     Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các đội vũ trang, du kích của cả xã Tân Dân thường xuyên lấy địa điểm chùa Việt Khê làm nơi luyện tập, tổ chức hội họp, xây dựng lực lượng kháng chiến. Đồng thời ngôi chùa cũng là nơi đưa đón cán bộ, du kích, bộ đội của ta vào sâu vùng hậu cứ địch hoạt động. Tháng 3/1949, địch tổ chức càn quét vào làng Việt Khê và chùa Bà Đanh. Trong trận chiến đấu chống càn ác liệt, 3 đồng chí cán bộ vũ trang và một vị sư chú của chùa cũng tham gia chiến đấu cùng lực lượng kháng chiến đã anh dũng hy sinh, nay được nhân dân xây bia tưởng niệm tại cổng chùa. Tuy bị càn quét nhưng thời gian sau đó chùa Việt Khê vẫn là cơ sở, địa điểm hoạt động bí mật, quan trọng của ta. Nối tiếp các thời gian sau này cho đến ngày hòa bình. Chùa Việt Khê luôn là cơ sở, một địa điểm che chở, nuôi dưỡng, hội họp, làm việc của lực lượng kháng chiến thôn Việt Khê cũng như của xã Tân Dân và huyện An Lão

     Tương truyền, Chùa Việt Khê  được xây dựng từ thời nhà Mạc (thế kỷ 16) và đã  trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có lần trùng tu lớn Triều Minh Mạng (Đầu thế kỷ 19). Chùa Việt Khê là một công trình kiến trúc cổ có quy mô vừa phải. Mở đầu khuôn viên chùa là đài tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dung hy sinh tại đây để bảo vệ cơ sở kháng chiến. Đài tượng niệm được đặt ngay lối vào chùa, được xây vào đầu những năm 90. Cũng thời gian này,  được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhân dân nơi đây đã xây dựng mới thêm một nhà bái đường sát phía trước phục vụ cho các dịp lễ hội và sinh hoạt văn hóa của địa phương. Đồng thời nhà chùa dựng lại 2 ngôi tháp gạch tại vườn trước sân để thờ người có công lập lên chùa và vị sư chú đã ngã xuống trước làn đạn quân thù.

     Mặt bằng kiến trúc ngôi chùa cổ làm theo kiểu chữ đinh (T) gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung. Nhìn chung, di tích chùa Việt Khê có bố cục tương đối gọn kiến trúc nghệ thuật đơn giản nhưng khá chắc chắn mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc đầu thời Nguyễn. Tại chùa Việt Khê, số lượng tượng phật đồ thờ hiện nay còn lại không nhiều, tuy nhiên những di vật đó lại tương đối giá trị về mặt nghệ thuật và niên đại.

     Tại chùa Việt Khê, hàng năm vào dịp mồng chín tháng giêng, dân làng và các tăng ni, phật tử tổ chức lễ hội chùa. Trong dịp lễ hội, ngoài việc tế lễ dâng hương, ở đây còn diễn ra các hoạt động thể thao, thi đấu như bơi thuyền, đấu vật…

     Chùa Việt Khê (Chùa Bà Đanh) đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố theo Quyết định số 177/QĐ – UB ngày 28 tháng 01 năm 2005.

Admin

Thong ke