DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH PHÚC LỘC - PHƯỜNG HƯNG ĐẠO - QUẬN DƯƠNG KINH
23 10 2024
in trangĐình Phúc Lộc, Phường Hưng Đạo, Quận Dương Kinh, Thành phố Hải Phòng là công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân làng Phúc Lộc (nay thuộc tổ dân phố Phúc Lộc 1, Phúc Lộc 2, Phường Hưng Đạo). Cũng như bao ngôi đình làng Việt Nam ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tên di tích luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã. Do vậy, Đình Phúc Lộc là tên gọi của di tích này
Quận Dương Kinh thành lập năm 2007, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 15 km. Quận có vị trí là cầu nối giao lưu giữa các vùng phát triển linh hoạt của thành phố, với hệ thống giao thông đa dạng, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bố khá tập trung trên nền tảng văn hóa truyền thống.
Hưng Đạo là một phường thuộc Quận Dương Kinh, trên địa bàn quận có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ thu hút du khách với cảnh quan yên tĩnh, thanh bình mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó Đình Phúc Lộc – Phường Hưng Đạo, là một trong số các di tích lịch sử - văn hóa được UBND thành phố công nhận cấp thành phố, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.
Từ xa xưa, vùng đất này được hình thành do quá trình tích tụ, trầm tích và lắng đọng phù sa của sông Lạch Tray. Tương truyền, cách đây hơn 300 năm, địa danh này là Làng Phúc Lộc, lúc đó có 9 hộ đến ở lập nghiệp, cải tạo thành dải đất màu mỡ xanh tươi, sinh con cháu chắt nhiều đời, thành 9 dòng họ. Trải qua nhiều thế kỷ, dân cư ở các xứ lần lượt tìm đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Công cuộc khai hoang, lấn biển, cải tạo đồng đất chua mặn diễn ra hết sức gian nan, bền bỉ từ đời này sang đời khác, mọi người cùng nhau đoàn kết, lao động cần cù sáng tạo, cộng đồng dân cư được hình thành và phát triển.
Theo như lịch sử ghi chép Đình Làng Phúc Lộc được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn Thế kỷ thứ 19, tính theo dấu tích của Đình còn lại. Đình được xây về dựng theo hình chữ Đinh gồm 3 gian, kết cấu khung chịu lực hoàn toàn bằng gỗ lim, có ván sàn long thuyền, chéo đao tàu góc. Đình thờ 3 ngài là Đông Hải Đại Vương Tôn Thần, Tích Lịch Tôn thần, Linh Ứng Tôn Thần. Đình cổ xưa kia được nhân dân xây dựng rộng và đẹp trong khuôn viên 1800m2 với nhiều hiện vật thờ cúng cổ đẹp.
Trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “Tiêu thổ kháng chiến” để không cho thực dân pháp có cơ sở và lấy gỗ làm hầm kèo cho cán bộ Việt Minh trú ẩn hoạt động trong lòng địch. Hòa bình trở lại sau nhiều năm kinh tế nhân dân dần có điều kiện và theo mong muốn của các cụ cao niên trong Làng. Năm 1998 Nhân dân Làng Phúc Lộc đóng góp tiền và công sức dựng lại ngôi Đình bằng Gỗ cũ của Chùa Hương Hải trên diện tích còn lại khoảng 360m2 vào năm 2005 cùng các hiện vật cổ còn được lưu giữ lại như Sắc phong, Hoành phi, câu đối, đồ thờ… và các tảng đá kê cột Đình. Và kể từ đây Ban QLDT Đình Chùa khu Phúc Lộc cùng các cụ cao niên trong làng phục hồi lễ Hội, tế Lễ theo đúng nghi thức truyền thống vào mồng 9,10 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Đình Phúc Lộc hiện nay địa chỉ tại Tổ dân phố Phúc Lộc 2, Phường Hưng Đạo, Quận Dương Kinh, Thành phố Hải Phòng. Đình thờ 3 vị thành hoàng, gồm có: Đông Hải Đại Vương Tôn Thần, Tích Lịch Tôn thần, Linh Ứng Tôn Thần và 9 vị thủy tổ của 9 dòng họ lớn của làng. Làng Phúc Lộc mở hội tế lễ vào chiều ngày mồng 9 tháng 02 âm lịch, cầu trời đất mưa thuận gió hòa, được mùa bội thu, tế lễ vào sáng mồng 10, chiều là các trò chơi dân gian.
Đại đình được phục dựng bằng chất liệu bê tông, cốt thép, mái làm kiểu chéo đao, tàu góc, lợp ngói mũi hài. Đầu đao đắp rồng chầu phượng đón, tạo cho mái đình thêm phần bay bổng. Bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng kìm ngậm bờ nóc, hai bờ dải phía trước đắp con xô (con nghê). Các con giống (linh thú) đều được trang trí bằng mảnh gốm hoa lam và tạo dáng câu đối hài hòa, đẹp mắt. Hai bức tường phía trước tòa đại đình được trổ hai ô cửa sổ, trong lồng hai chữ cách điệu.
Kết cấu khung chịu lực của tòa đại đình gồm 6 bộ vì được làm bằng bê tông cốt thép, các bộ vì liên kết với nhau bởi hệ thống xà thượng, xà hạ, tạo sự chắc chắn cho công trình. Vì nóc làm kiểu chồng đấu giá chiêng, vì nách chồng rường tạo cốn mê. Hoa văn trang trí đề tài đấu sen, lá lật cách điệu
Tại tòa hậu cung, tiếp giáp giữa tòa trung đường và tòa hậu cung có mặt bức chạm nổi, chạm bong kênh đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Đặc biệt ở phần vì kèo gian giữa hậu cung được trang trí dày đặc các mảng chạm khắc với đề tài tứ linh. Có lẽ phần hậu cung (cung cấm) là nơi vị thành hoàng ngự và là nguồn thiêng, cho nên các mảng trang trí, chạm khắc cầu kỳ tinh xảo nhất đều tập trung tại đây
Trong chương trình lễ hội hàng năm đều tổ chức, duy trì cuộc thi kéo co, đấu vật, và các trò chơi dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và địa phương.
Các hoạt động văn hóa truyền thống trong ngày hội lớn của làng vào mùa xuân đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đón xuân mới, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, hiểu thêm về các giá trị của di tích quý nhớ, tri ân những người có công với dân, với nước trong lịch sử dân tộc. Mỗi người dân quê hương, thành kính tri ân vị anh hùng dân tộc, có công bảo vệ người dân khỏi thiên tai, dịch bệnh... Điều ấy còn làm tăng thêm phần uy nghi cho ngôi đình & sự tri ân đức Thánh, làm lan tỏa các thế hệ về truyền thống lịch sử của làng quê, lòng yêu nước & sự tự hào dân tộc- quê hương- đất nước.
Admin