DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH HOÀNG XÁ
03 08 2024
in trangĐình Hoàng Xá giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng và sự phát triển văn hóa của thôn Hoàng Xá nói riêng, thị trấn An Lão, huyện An Lão nói chung. Đình là một trong những di sản lịch sử văn hóa thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Hoàng Xá. Không chỉ là không gian thiêng để thực hiện các nghi lễ tạ ơn các phúc thần, đình còn là nơi hội họp quyết định những công việc lớn nhỏ trong làng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội đình Hoàng Xá vẫn giữ được những giá trị di tích lịch sử-văn hóa.
Đình Hoàng Xá tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ 17 - 18 (xưa kia còn có tên gọi khác là đình Vàng Xá) nằm trên địa bàn tổ dân phố Hoàng Xá, cách Cầu Vàng khoảng 300m. Đình Hoàng Xá là nơi thờ 2 vị thần Hiển Thánh Chiêu Thai Công chúa Trần Thị Trinh và Hiển Thánh Ngũ Đạo Đại vương- là 2 mẹ con có công lao lớn đối với nhân dân trong vùng. Theo tích thần, hai mẹ con công chúa Trần Thị Trinh tham gia cùng nghĩa quân củ Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh giặc giữ nước. Sau khi nghĩa quân của Trưng Trắc, Trưng Nhị thất bại, hai mẹ con chống trả với quân giặc và lên mây bay về trời vào ngày 10/11. Để ghi nhớ công lao của mẹ con ông, nhân dân trong vùng lập đền thờ. Xét công 2 vị đều hiển linh phò vua giúp nước, các triều đại ban đạo sắc phong: thời Tiền Lê, phong bà Chiêu Thai làm Chiêu Thai Thánh mẫu Chinh thục Hoàng thái hậu, Thượng đẳng thần; ông Ngũ Đạo làm Ngũ Đạo linh hiển Đại vương, Trung đẳng thần, Đến thời Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ gia phong thiên hiệu cho 2 vị.
Để tưởng nhớ công lao của mẹ con ông, nhân dân trong vùng lập đền thờ và đình. Đình được xây dựng khang trang từ cuối thế kỷ XVIII bằng nguyên liệu truyền thống trên mảnh đất địa linh ngày nay. Đình là ngôi nhà chung để sinh hoạt cộng đồng, nơi dân làng tụ hội, bàn bạc công việc của làng, khao vọng đón người đỗ đạt. Đình làng xưa còn là trụ sở làm việc của chính quyền, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi hội họp của dân quân, du kích.
Công trình được xây dựng với những nét chạm khắc cổ kính, công phu. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình bị hư hỏng nhiều. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đình đã được xây dựng, trùng tu và tôn tạo lại như ngày nay. Khuôn viên của đình khá rộng và thoáng, phía trước có sân rộng đã được ốp đá vân, cổng ốp cột đồng trụ. Mái đình lợp ngói mũi, rêu phong cổ kính. Tường hồi cổ, nguyên bản. Đình có kiến trúc mặt bằng chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung thờ thành hoàng làng. Bước lên qua 2 bậc thềm là vào trong là tòa đại bái và hậu cung, với kết cấu cột gỗ cổ, con trầu đấu sen (trầu 3 con). Đình vẫn còn lưu giữ được các hiện vật có giá trị lịch sử cao như: Thạch đài trụ tạo tác bằng đá xanh nguyên khối có niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2, năm 1736; Bát hương gốm đề tài lưỡng long chầu nguyệt có niên đại thế kỷ 19.
Với giá trị về lịch sử văn hóa đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2180/QĐ-UBND ngày 13/10/2014 công nhận đình Hoàng Xá là Di tích lịch sử cấp thành phố.
Lễ hội thường niên diễn ra trong 3 ngày từ ngày 13, 14, 15 tháng 02 Âm lịch tại di tích lịch sử Đình Hoàng Xá với hai phần, phần Lễ và phần Hội. Lễ hội truyền thống Đình Hoàng Xá luôn được mở đầu bằng nghi thức rước Thành hoàng từ Đình ra miếu và đi vòng quanh làng. Phần lễ, lễ phẩm ban trên dùng cỗ chay, hoa quả; ban dưới dùng lợn đen, xôi, rượu. Ngày sinh, ngày hóa và tên húy của 2 vị đều phải kiêng kỵ. Bên cạnh việc chú trọng nghi thức phần lễ, phần hội được quan tâm với các trò chơi dân gian như: vật, chọi gà, đi cầu tùm…, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và khách thập phương tham gia.
Không chỉ ghi nhớ công ơn của người đã lập nên vùng đất này, Lễ hội còn là một hoạt động nhằm giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc.
Admin