DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH, CHÙA THÔN CÂU THƯỢNG

06 11 2024

in trang

Cụm di tích đình, chùa thôn Câu Thượng là một công trình văn hóa tín ngưỡng biểu tượng của làng Câu Thượng, nhân dân thôn Câu Thượng nói riếng cũng như nhân dân xã Quang Hưng nói chung. Nơi đây là trốn linh thiêng cho những người con xa xứ cũng như làng xóm quy tụ về hằng năm nhằm tưởng nhớ các bậc anh linh, cũng như các vị thần theo tín ngưỡng xưa.

   Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 25km về phía Tây, di tích lịch sử đình, chùa Câu Thượng tọa lạc tại thôn Câu Thượng xã Quang Hưng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Cụm di tích được gọi theo tên làng Câu Thượng.

   Xưa kia, đình, chùa Câu Thượng cùng tọa lạc trên một khuôn viên đất rộng gần 3 mẫu Bắc bộ. Đình nằm phía bên tả chùa và cùng nhìn về hướng Tây. Theo các cụ cao niên, đình, chùa của làng đều được khởi dựng từ khá sớm khoảng thế kỷ 16, 17 thời Lê trung hưng. Quy mô kiến trúc đình, chùa xưa khá to lớn, gồm nhiều tòa ngang, dãy dọc, xung quanh khuôn viên di tích trồng nhiều cây cổ thụ như đa, đề, thị... Quy mô kiến trúc ngôi đình Câu Thượng xưa khá lớn, có bố cục hình chữ “Đinh” truyền thống, xây kiểu “tường hồi bít đốc, đấu trụ hội văn, tay ngai trụ biểu”, gồm 3 gian bái đường và 01 gian hậu cung; vật liệu dựng đình bằng gỗ lim truyền thống. Đình Câu Thượng tôn thờ vị thành hoàng tên hiệu là Cao Sơn Hiển Minh, không rõ sự tích.

   Làng Câu thượng hiện còn lưu giữ được một số sắc phong triều Nguyễn, từ đời vua Tự Đức đến đời vua Khải Định, ban cho làng được lập đình, miếu tôn thờ các vị thần. Xưa kia làng có 5 miếu: Miếu Đông thờ Nam Hải Đại Vương; miếu Lim thờ Hiển Minh Đại Vương; miếu Mít thờ Ngũ Đạo Đại Vương; miếu Doan thờ Đông Hải Đại Vương và miếu Tây thờ Công Thành Đại vương. Trải qua thời gian, Thần tích bị thất lạc, nay đều không rõ sự tích và công trạng các vị thần trên. Hiện nay, di tích còn bảo tồn được nhiều hiện vật có giá trị như: Sắc phong, bia đá, đại tự, bát biểu, bộ tam sự, ngũ sự...và đặc biệt là hệ thống tượng thờ, mộ tháp bằng vật liệu đá, bia đá tại ngôi chùa, đường nét, hoa văn tạo tác mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17,18.

   Di tích lịch sử đình, chùa thôn Câu Thượng được Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng banh hành quyết định số 158-QD-UBND ngày 17/01/2020 công nhận Đình, chùa Câu Thượng là di tích lịch sử cấp cấp thành phố.

   Chùa Câu Thượng xưa cũng bố cục hình chữ “ Đinh”, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian thượng điện. Có đầy đủ nhà tổ và nhà tăng. Trải thời gian, năm 1919, dân làng dời đình sang vị trí khác là Đống Lan, cách vị trí đình, chùa cũ khoảng 500m về phía Tây của làng. Năm 1966, đình bị dỡ bái đường, vật liệu dùng làm một số công trình công cộng. Trải thời gian, ngôi chùa làng cũng phần lớn bị hủy hoại chỉ còn lại phần hậu cung. Năm 1990, đình, chùa được phục dựng lại ở vị trí cũ nhưng với quy mô nhỏ và khiêm tốn để làm nơi thờ tự. Từ 2005 đến 2014, dân làng tiếp tục vận động thập phương công đức tu bổ lại quần thể di tích với quy mô kiến trúc như hiện nay.

   Đình Câu Thượng hiện nay tọa lạc cùng trong khuôn viên với chùa, phía trước đình tạo một hồ nước hình chữ nhật, xung quanh kè gạch. Đình có bình đồ kiến trúc hình chữ “ Nhất”(-), gồm 3 gian, xây kiểu chéo đao tàu góc, 3 tầng 12 mái; mái lợp ngói mũi truyền thống; sân và nền láng xi măng. Đình làm hoàn toàn bằn vật liệu bê tông cốt thép. Kết cấu kiến trúc bộ khung chịu lực gồm 4 bộ vì; vì nóc kiểu giá chiêng biến thể; vì nách kiểu kẻ ngồi. Đỡ mái hiên là 4 cột tròn; hai cột hiên gian chính giữa đắp nổi lưỡng long chầu quấn quanh thân cột. Tòa bái đường lắp 3 bộ cửa bức bàn bằng vật liệu gỗ tốt.

   Chùa Câu Thượng tọa lạc phía bên phải ngôi đình. Từ vị trí trước sân chùa nhìn ra, phía trước tạo một hồ nước hình chữ nhật, giữa hồ dựng lầu bát giác, trong lầu đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Bên trái là gác chuông, bên phải là vườn mộ tháp.

   Chùa có bình đồ kiến trúc hình chữ “ Đinh”, gồm 5 gian bái đường và 3 gian thượng điện, xây kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái, chéo đao tàu góc. Mái lợp ngói mũi, nền lát gạch đỏ Giếng Đáy (40x40). Cổ giữa hai tầng mái tạo một bức đại tự hình chữ nhật, trên ghi dòng chữ Hán; “Linh Ứng Thiền tự”. Kết cấu bộ khung chịu lực tòa bái đường gồm 4 bộ vì bê tông cốt thép; vì nóc kiếu giá chiêng biến thể, vì nách kiểu kẻ ngồi, không trang trí hoa văn. Kết cấu khung chịu lực tòa thượng điện tương tự như tòa bải đường.

   Đình, chùa Câu Thượng tuy mới được trùng tu phục dựng, song điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, đã có ý thức bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và bảo vệ được những hiện vật có giá trị đến ngày nay. Đình, chùa Câu Thượng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh và tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương.

Hôm nay với trách nhiệm là những người thế hệ nối tiếp truyền thông của các bậc tiền bối đi trước và cũng là những người gieo mầm cho tương lai chúng cháu đến đây để tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền nhân, cũng là trải nghiệm cho các thế hệ tương lai để tiếp tục gieo mầm cho tương lai của đất nước./.

 

Admin

Thong ke