DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA BÁCH PHƯƠNG

03 08 2024

in trang

Làng Bách Phương trước khi thuộc Tổng An Luận, huyện An Lão, từ trước đời Vua Minh Mạng (1821) còn có tên gọi là Bách Hoa, suốt thời kì từ Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 địa phương nằm trong địa giới hành chính xã Duy Tân, sau cải cách ruộng đất tên xã An Thắng được xuất hiện đến bây giờ.

     Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của huyện An Lão, xã An Thắng có Đền - chùa Bách Phương nằm trên địa phận thôn Bách Phương 2, thuộc làng văn hóa Bách Phương.

     Đây là di tích lịch sử chứng minh cho truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm thế kỉ 13. Theo truyền thuyết, Đền Bách Phương là nơi rất linh thiêng, ở thời kỳ phong kiến mỗi khi thời tiết hạn hán bất thường, các quan Tri huyện xuống đền - chùa lập đàn tế cùng nhân dân cầu cho mưa thuận gió hoà. Cho đến ngày nay Đền vẫn là chốn linh thiêng để người dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái.

     Đền Bách Phương tôn thờ nhân vật lịch sử là danh tướng Triều Trần, vị thần Dụ Khánh tên thật là Trần Thụy, quê gốc ở làng Tức Mạc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nổi tiếng 3 lần đánh tan giặc Nguyên - Mông xâm lược. Ông có công mở mang, phát triển làng xóm tại điền trang thái ấp Bách Phương sau nhiều năm ly tán, tan hoang bởi giặc ngoại xâm.

     Đền là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cổ kính có bố cục hình chữ “đinh” gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, đặc biệt phần hậu cung được sơn son thiếp vàng rực rỡ thuộc loại quý hiếm ở Hải Phòng hiện nay. Nơi hậu cung linh thiêng nhất là pho tượng thần Dụ Khánh. Tượng được đặt trong long khám, đội mũ phốc, mặt vuông chữ điền , mũi dọc dừa, mắt phượng xếch, nhân trung đầy đặn. Khuôn mặt lộ rõ quý tướng và thần thái đậm vẻ phong sương của người chiến binh dầy dạn trận mạc. Tượng được thể hiện ở tư thế ngồi thiết triều trên ngai rồng, áo long bào bó sát thân, trông lẫm liệt như vị thiên sứ nhà trời trong các huyền thoại dân gian.

     Đền Bách Phương hiện tại còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, phong cách nghệ thuật Nguyễn như: Gỗ kiệu bát cống, khám gỗ chứa ngai tượng thành hoàng, đại tự 05 bức gồm 02 loại (hình chữ nhật phẳng, chữ Hán dịch nghĩa: Thượng đẳng từ, Bảo ngã hậu sinh, Đông a danh tướng). Đặc biệt, di tích còn giữ được 02 bức đại tự được trang trí nghệ thuật tinh xảo, hình cuốn thư nền hoa gấm, cả 02 bức đại tự đều treo giữa gian trung tâm của tòa bái đường.

     - Bức đại tự số 1: Niên hiệu Hoàng Triều Ất Sửu niên (1925)

    - Bức đại tự số 2, trang trí tương tự bức số 1, có lạc khoản Khải Định năm thứ 10-1925.

     Khuôn viên di tích còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật như: Kiệu rồng, khám tượng, cậm cổ. Đền Bách Phương là một trong số rất ít linh từ ở Hải Phòng hiện nay có số lượng sắc phong nhiều, 39 bản sắc hiện tại Đền còn giữ được 12 bản sắc sao, với niên đại sớm nhất Đức Long 6 Lê Thần Tông 1643, rải rác các đời vua tiếp theo, đến sắc có niên đại muộn nhất năm Khải Định 9 (1924).

     Hiện nay các bia còn lưu giữ khá nhiều tại di tích (đặt tại chùa 06 bia, đền 04 bia), các bia kí hầu hết có niên đại Triều Mạc.

     Lễ hội hàng năm của di tích Đền - chùa Bách Phương được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch hằng năm. Tương truyền, đó là ngày ăn mừng thắng trận của vị võ tướng tôn thất nhà Trần (tức thần Dụ Khánh ). Lễ hội diễn ra 3 ngày, cùng với phần tế lễ, rước tượng và các trò chơi dân gian thượng võ như: võ, vật, cờ tướng...

     Chùa Bách Phương có tên chữ là Tân Hoa tự được xây dựng từ giữa thế kỷ 16 có niên đại Mạc Diên Thành (1585), chùa trước đây có quy mô kiến trúc rộng lớn, từng là chốn trường ốc của cả vùng An Lão, An Dương.

     Theo truyền thuyết trước khi lên đường đánh giặc ngoại xâm vua, quan cùng các tướng lĩnh cũng đều về chùa dâng hương cầu cho quốc thái dân an.

     Văn Xuân - Thái giám thời kỳ nhà Mạc, ông đã tham gia đóng góp nhiều tiền bạc, ruộng đất ... để tôn tạo, xây dựng “Tân Hoa tự”, trong tấm bia ghi rất rõ:

     - Kim Thượng Thái hoàng (bố vua đương thời Mạc Phúc Nguyên)

     - Thái hoàng Thái hậu

     - Thọ Phương Thái trưởng Công Chúa

     Các vị tăng ni trụ trì tại chùa Bách Phương hiện còn 3 pho tượng được tôn thờ tại chùa, đó là những sư tổ có nhiều công lao xây dựng vun đắp ngôi chùa Bách Phương. Đặc biệt những ngôi lăng hiện còn, có vị sư tổ hoà thượng Thích Tâm Châu là vị sư có công xây dựng, tôn tạo nhiều ngôi chùa ở khắp vùng An Lão. Chùa Bách Phương là một trong 3 chùa lớn của 3 huyện An Lão, An Dương, Kiến Thuỵ, khi hoà thượng Tích Tâm Châu hoá (ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Duy Tân) các vị tăng ni phật tử của cả 3 huyện nói trên đã về dự an táng.

     Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Bách Phương còn là một trong số những cơ sở kháng chiến tiêu biểu, ở thời kỳ này thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” chùa đã được di chuyển toàn bộ tượng phật, đồ thờ cúng về đình làng, sư tổ trụ trì bị giặc Pháp giết hại ngay tại chùa, sau đó chùa đã trở thành trạm quân y tiền phương, mặt trận khu B do bác sĩ Nguyễn Văn Tín - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phụ trách. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Bách Phương lại tiếp tục làm nhiệm vụ, là kho lương thực của địa phương. Năm 1964 chùa là nơi cứu chữa thương binh của Quân khu 3, là trường học cho con em địa phương và nhân dân thành phố về sơ tán. Vì thế chùa Bách Phương ngoài chức năng hội tụ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của địa phương. Hiện nay tại chùa khu du tích vẫn còn giữ được cây “Thiên đài trụ”, một tác phẩm nghệ thuật kiệt tác được sưu tầm trong quần thể Đền - chùa Bách Phương còn nguyên vẹn.

     Chùa Bách Phương có giá trị như một Bảo tàng nghệ thuật cổ thể hiện qua các pho tượng phật có niên đại từ thế kỉ thứ 16, 17, 18 cùng hệ thống bia kí niên đại Hậu Lê, Nguyễn. Cùng với Đền Bách Phương, Đền và chùa Bách Phương, xã An Thắng, huyện An Lão đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tại quyết định số 3211/QĐ - BT ngày 12 tháng 12 năm 1994.

 

Admin

Thong ke