DI TÍCH ĐÌNH LÀNG NGỌC CHỬ XÃ TRƯỜNG THỌ, HUYỆN AN LÃO, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

02 02 2024

in trang

Đình Ngọc Chử thuộc xã Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng Đình được UBND thành phố công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố từ năm 2019.

     Căn cứ niên đại ghi trên 2 tấm bia đá được bảo tồn trong khuôn viên khu di tích, đình Ngọc Chử được khởi dựng từ đầu thế kỷ 19. Đình xưa quay hướng Nam, theo bố cục chữ “Đinh” truyền thống, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Đình dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Năm 1948, đình bị Pháp đốt cháy chỉ còn trơ bộ khung và một phần mái. Sau đó, đình tiếp tục bị tiêu thổ kháng chiến. Đồ thờ tế khí cổ phần lớn bị thất lạc, chỉ còn 2 tấm bia đá niên đại thế kỷ 19 và một số sắc phong triều Nguyễn. Năm 2018, đình Ngọc Chử được chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng lại khang trang trên nền cũ. Khuôn viên đình mở rộng lên 3000 m2, trồng nhiều cây lâu năm như đa, gạo… tạo cảnh quan xanh mát. Đình chính có bố cục hình chữ “Công” gồm: 5 gian đại đình, 3 gian ống muống và 3 gian hậu cung. Kiến trúc mái đình lợp ngói mũi, chính giữa bờ nóc đắp cuốn thư, trên cuốn thư đắp nổi 3 chữ Hán tên di tích; hai đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bờ nóc. Chính giữa tòa ống muống và tòa hậu cung đặt khám thờ 3 vị Thành hoàng: Bùi Tướng Công Thần Tiên Bùi Mộng Hoa, Phù Sơn Đô Thiên Thượng tướng và Nội Phủ Giám Đô Thái kiêm Thượng tân Viện sự. Ngoài ra có khám thờ Phụ, thờ Mẫu.

     Trải qua thời gian, thiên tai, chiến tranh, ngôi đình cổ xưa chỉ còn trong ký ức của dân làng. Ngày nay, nhiều đồ thờ tự tế khí đã bị thất lạc, huỷ hoại, chỉ còn lại 2 tấm bia đá niên đại đầu thế kỷ 19, một số sắc phong và 1 bức ảnh chụp ngôi đình đã bị Pháp đốt năm 1948 được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay.

     Hiện còn một số sắc phong sao lại từ Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội.

- Sắc Thành Thái 13 (1901)

- Sắc Duy Tâm 3 (1909)

- Dây Tân 8 (1915)

- Sắc Khải Định 9 (1924) (3 bản)

- Sắc Khải Định 2 (1917)

- Sắc Tự Đức 6 (1853)

- Tự Đức 33 (1880)

- Đồng Khánh 2 (1887)

- Bia Gia Long 6 (1807); Tiêu đề ghi “Hậu thần bi ký”; Bia có kích thước: cao 0,87m, rộng 1,5m, dầy 0,18

     Bia dẹt, một mặt chữ, trán bia hình bán nguyệt; trên trán bia chạm khắc hoa văn lưỡng long chầu nguyệt; mặt bia chạm giật 2 cấp;

     Nội dung ghi danh những người có công với làng xã được bầu hậu và thờ phối hưởng tại đình làng.

     - Bia Minh Mệnh 8 (1827); Tiêu đề ghi “Hậu thần bi ký”; Nội dung bia, hình thức hoa văn trang trí tương tự bia thứ nhất.

     - Ngoài ra còn một số hiện vật khác như: tượng thờ, long ngai, bài vị, hoành phi, đại tự, câu dối, cửa võng, nhang án, bát biểu, chấp kích … do nhân dân mới cung tiến.

     Tại di tích đình Ngọc Chử, hằng năm, Ban quản lý di tích và nhân dân địa phương tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Trong đó, lễ hội chính được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng Giêng, là dịp để nhân dân trong làng tưởng nhớ công ơn của các vị Thành hoàng, các anh hùng liệt sĩ và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: hát chèo, tổ tôm điếm, đấu vật, cờ người, cờ tướng, hát đúm… thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia.

Admin

Thong ke