ĐỀN TAM KỲ - KHÔNG GIAN VĂN HÓA TÂM LINH NỔI TIẾNG
20 03 2023
in trangĐền Tam Kỳ từ lâu đã là công trình tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương và của cả thành phố Hải Phòng; Đền là nơi tôn thờ các vị thần có công lao với đất nước, với nhân dân, đồng thời đền còn là không gian tổ chức các dịp sự lệ liên quan đến các ngài hàng năm cho nên đền có giá trị văn hoá tâm linh sâu sắc.
1, Vị trí địa lý đền Tam Kỳ qua các thời kỳ
Đền Tam Kỳ - Tên gọi được đặt theo vị trí toạ lạc nằm ở ngã ba sông nên được gọi là Tam Kỳ. Đền còn có tên gọi khác là đền Cửa Sông, hay đền Bắc.
Đền toạ lạc trong khuôn viên công viên Tam Bạc, địa bàn phường Cát Dài, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng. Cách trung tâm thành phố khoảng 1,3 km.
Đền Tam Kỳ trước đây nằm trên phần đất thuộc làng cũ An Dương. Trước năm 1813 là xã An Dương, tổng An Dương, huyện An Dương, Phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Từ ngày 19/7/1988 thành phố Hải Phòng được thành lập nằm trong tỉnh Hải Phòng. Tháng 10/1988 chính quyền thành phố Hải Phòng thành lập 7 hộ (đơn vị dân cư), đền Tam Kỳ thuộc Đệ nhị hộ. Năm 1946, chính quyền cách mạng chia nội thành thành 13 tiểu khu, trong đó đền Tam Kỳ thuộc khu An Dương. Thời Pháp tạm chiếm (12/1945 đến 5/1955) chia làm 3 quận, đền Tam Kỳ thuộc quận Lê Chân.. Năm 1956-1957 đền Tam Kỳ thuộc khu phố An Dương của tiểu khu Hải Dương. Năm 1958 khu phố An Dương sáp nhập với khu phố Dư Hàng thành Ban hành chính Dư Hàng. Năm 1961 thành lập khu phố Lê Chân, đền Tam Kỳ năm trong khu phố Lê Chân. Từ năm 1981, thành lập hành chính quận, phường, đền Tam Kỳ thuộc phường Cát Dài, quận Lê Chân, Tp. Hải Phòng
2. Đặc điểm Di tích, sự kiện, nhân vật lịch sử
Đền Tam Kỳ có từ lâu đời, ban đầu là ngôi miếu nhỏ thờ thuỷ thần được khởi dựng từ lâu đời trên gò đát cao ở ngã ba sông Tam Bạc với lạch liêm khê thuộc địa phận làng An Dương thuộc tổng An Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Đến năm 1890 văn bia vẫn ghi là “Miếu”.
Năm 1920, lập thêm đền thờ Tứ vị thánh mẫu (tứ phủ) và được văn bia ghi là “Tam Kỳ linh ứng bi ký”. Cũng thời gian này, dân làng An Dương rước chân nhang ở đền Kiếp Bạc về thờ vọng Hưng Đạo Vương, bởi theo kể lại ở đây trước bãi cửa sông có đạo quân của Trần Hưng Đạo đóng, sau dân lập miếu thờ.
Kiến trúc đền thời kỳ đầu thế kỷ 20 gồm hai dãy nhà hình chữ Đinh, nằm sát tường nhau. Một toà thờ tứ vị thánh mẫu, một nhà: hậu cung thờ vọng đức thánh trần, gian ngoài thờ Quan lớn Đệ Tam
Chiến tranh chống Pháp (1945) đền bị đổ hết.
Năm 1951, các ông, bà trong Ban quản trị Hội thiện Tam Kỳ đứng lên hưng công, bỏ tiền và quyên góp dân làng để tu sửa lại. Đến thời giặc Mỹ bán phá (1965-1972), ngôi đền tụt hết, tường đỏ được bà Quách Thị Hà bỏ tiền riêng lợp lại ngói và tu sửa lại đền.
Năm 1975 tạm ngưng hoạt động thờ tự. Sau đó cụ Phạm Văn Chủng trông nom, hương đăng đền.
Từ năm 1997 đến nay, ông Đào Đăng Của (con rể cụ Chủng) làm thủ nhang đền
Năm 8/2007- 8/2008 tân tạo lại đền trên nền cũ như ngày nay, với diện tích 200m2 (rộng gấp đôi đền cũ) kiến trúc theo kiểu hiện đại 2 tầng: tầng dưới làm phòng khách, tầng trên làm nơi thờ thánh. Tầng trên chia làm 3 toà nhà chung tường gồm: tiền đường, trung đường, hậu đường.
Toà hậu đường: kiến trúc chồng diêm nóc các. Không gian toà công trình chia làm 3 gian, trạm nổi tứ linh và long, phượng
Toà trung đường: kiến trúc 3 gian, 4 bộ vì: vì nóc mái kiểu thức biến thể chồng rường giá chiêng; vì nách: kiểu thức chồng rường trụ trốn. Trang trí trên hệ vì gôm các đề tài: chạm nổi lá lật, đấu kê cánh sen; dạ xà nóc, nách trạm nổi văn triện và đề tài bát bửu.
Toà tiền đường: kiến trúc 3 gian 4 bộ vì: vì nóc là chồng rường giá chiêng, vì nách là chồng rường trụ trốn. Trang trí hoa văn: chạm là lật, đấu kê cánh sen, chạm nổi đề tài bát bửu. Hai vì gian bên: Vì nóc là biến thể giá chiêng, vì nách là ván mê. Trang trí hoa văn tứ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt.
Không gian nội thất bên trong là nơi tôn nghiêm thờ các vị thần:
- Toà hậu cung: ban giữa thờ Quan lớn Đệ tam, ban trái thờ chúa Sơn Trang, ban phải thờ đức Thánh Trần
- Toà trung đường: thờ Tam toà thánh mẫu
- Toà tiền đường: ban trên thờ ngũ vị tôn ông, ban dưới thờ các quan hoang Bơ ở giữa, quan hoàng Bẩy và quan hoàng mười ở hai bên
- Ngoài ra gian nhỏ bên hữu tiền đường thờ Phật bà Quan Âm
3. Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích
Ngày 11 tháng Giêng: Lễ thượng nguyên
Ngày 14 tháng 4: Lễ nhập hạ
Ngày 11 tháng 7: Lễ tán hạ
Ngày 11 tháng 12: Lễ tất niên
* Lễ theo sự lệ các thần:
- Ngày 3 tháng 3: Tiệc mẫu
- Ngày 25 tháng 5: Tiệc quan lớn Tuần Tranh
- Ngày 24 tháng 6: Tiệc quan lớn Bơ Phủ
- Ngày 20 tháng 8: Tiệc Đức Thánh Trần
- Ngày 10 tháng 10: Tiệc ông Hoàng Mười
4. Một số di vật tiêu biểu thuộc di tích
Đền hiện nay còn lưu giữ được một số cổ vật và hiện vật tiêu biểu như:
- Cổ vật:
+ Bia ký: bia không có tên. Nội dung khắc văn một mặt bằng chữ Hán nôm. Bia tạo niên hiệu Thành thái thứ hai (năm 1890)
+ Bia ký: “Tam Kỳ linh từ bi ký”. Nội dung khắc 1 mặt bằng chữ Hán nôm, chữ Pháp và số La Tinh. . Bia tạo tháng 8 năm Canh Thân (năm 1920)
+ Bia ký: “Tam Kỳ linh từ bi ký”. Nội dung khắc 1 mặt bằng chữ Hán nôm, chữ Pháp và số La Tinh. Nội dung bia ghi tính danh thiện nam tín nữ công đức tiền và đồ thờ vào đền. Bia tạo tháng 8 năm Canh Thân, Hoàng Triều Khải Định thứ 5 (năm 1920).
- Hiện vật: gồm các tượng thờ và đồ thờ tế tự như: Tượng Quan lớn Đệ Tam, tượng Đức Thánh Trần, tượng tứ phủ, tượng ngũ vị tôn ông, tượng quan Hoàng Bơ, hoàng Bảy, hoàng Mười, tượng Phật bà quan âm. Đồ thờ như: khám thờ, nhang án, bát hương, hoành phi, câu đối…
5. Giá trị lịch sử văn hoá của di tích
Đền Tam Kỳ từ lâu đã là công trình tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương và của cả thành phố Hải Phòng; Đền là nơi tôn thờ các vị thần có công lao với đất nước, với nhân dân, đồng thời đền còn là không gian tổ chức các dịp sự lệ liên quan đến các ngài hàng năm cho nên đền có giá trị văn hoá tâm linh sâu sắc.
Từ khởi dựng đến nay đền Tam Kỳ còn được bảo tồn 3 bia ký, cùng nhiều hiện vật đồ thờ như tượng thờ, nhang án, hoành phi, câu đối… Đó là những hiện vật quý, có giá trị làm minh chứng cho lịch sử của ngôi đền, đồng thời là những vật chất sống động thể hiện cho nền văn hoá lịch sử lâu đời và tốt đẹp của làng An Dương xưa. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc đền Tam Kỳ cùng người dân địa phương đã góp sức người sức của vào thắng lợi chung của quê hương, dân tộc.
Bên cạnh đó, đền Tam Kỳ còn là không gian văn hoá tâm linh để giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc đối với các thế hệ trẻ, hậu sinh của quê hương đất nước..
Chính những giá trị lịch sử văn hoá đó, ngày 11/7/2019 bảo Tàng Hải Phòng đã trình “Lý lịch di tích đền Tam Kỳ” đề nghị UBND thành phố xem xét xếp hạng đền Tam Kỳ là di tích lịch sử cấp thành phố.
Ngày 17/01/2020 Quyết định số 155/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng Quyết định xếp hạng di tích thành phố đối với đền Tam Kỳ, phường Cát Dài, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng.
Thành đoàn Hải Phòng