ĐỀN BÌ, XÃ ĐOÀN LẬP, HUYỆN TIÊN LÃNG, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

21 06 2024

in trang

Đền Bì thuộc thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đền Bì còn có tên gọi khác tên gọi này phân biệt với đền Canh Sơn do vị trí địa lý của các đền nằm trên thượng nguồn và hạ lưu của sông Văn Úc.

I. VÀI NÉT KHẢO SÁT ĐỊA PHƯƠNG VÀ TÊN GỌI DI TÍCH

1. Vài nét khảo sát địa phương

Đền Bì thuộc địa phận thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Thời kỳ phong kiến, xã Đoàn Lập thuộc địa phận của tổng Tử Đôi, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Vùng đất Tử Đôi hiện nay là một phần trong công cuộc khai hoang lấn bể được thực hiện từ thời nữ tướng Lê Chân. Lúc đầu chỉ có một số ít người của dòng họ Hà, họ Bùi đến ở..., về sau, vào khoảng đầu thời Lê (thế kỷ XV – XVI) những dòng người theo các thuyền buôn đến bến Tiên Đôi Nội, Tiên Đôi Ngoại, Đường Thung để buôn bán và sinh sống lâu dài lập nên làng xã.

Đầu thời Nguyễn, xã Tử Đôi thuộc tổng Tử Đôi, huyện Tiên Minh, tỉnh Hải Dương. Đến đời Thành Thái (1906) đổi tên huyện Tiên Minh thành huyện Tiên Lãng. Huyện Tiên Lãng lúc này có 13 tổng gồm: Cẩm Khê, Kỳ Vĩ, Phú Khê, Hà Đới, Đại Công, Kinh Khê, Ninh Duy, Duyên Lão, Hán Nam, Kinh Thanh, Dương Úc, Kỳ Úc, Tử Đôi. Tổng Tử Đôi gồm 10 xã: Tử Đôi, Hỗ Tứ, Xuân Lai, Xuân Quang, Đông Xuyên, Vân Đôi, Nhân Vực, Tỉnh Lạc, Tiên Đôi Nội, Tiên Đôi Ngoại. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, xã Đoàn Lập tách ra từ tổng Tử Đôi thành lập xã riêng gồm các thôn: Đông Xuyên, Hộ Tứ, Nhân Vực, Tiên Đôi Nội. Đến năm 1953, xã Đoàn Lập thuộc huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An. Năm 1963, sáp nhập tỉnh Kiến An và Hải Phòng, thì xã Đoàn Lập thuộc Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Tên xã Đoàn Lập được giữ cho đến ngày nay.

Huyện Tiên Lãng là vùng đồng bằng phì nhiêu, có hệ thống kênh rạch thủy lợi dày đặc kéo dài khắp huyện, đồng thời là vùng có nhiều đầm nước nằm trong hệ thống sông Thái Bình, sống Văn Úc: Đầm Lộc Trù (Tiên Thắng), Đầm Vòng (Bạch Đằng), Đàm Nhân Vực,... Đây là nguồn tưới và tiêu nước chủ yếu cho nông nghiệp của huyện.

Xã Đoàn lập từ lâu đời là vùng đất thuần nông, người dân lấy nông nghiệp trồng lúa nước là ngành sản xuất chủ yếu, chính từ nền kinh tế lúa nước nên yếu tố nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất. Nằm dọc xã từ xã xưa là một đầm nước lớn là gọi là Đầm Bì, đây là một nhánh sông của sông Văn Úc đổ ra biển Đông. Đầm Bì là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho nhiều xã trong tin huyện: Đoàn Lập, Đoàn Kết, Tiên Thắng,... cũng vì thế mà nơi đây đã sản sinh ra những giá trị văn hoá đặc sắc:

“Lụt lội thì tháo Cống Đôi

Trời làm hạn hán thì bơi Đầm Bì”

Làng Tử Đôi có nhiều di tích lịch sử văn hoá đã được nhà nước xếp hạng: Đền Canh Sơn, Đình Tử Đôi và một số di tích tín ngưỡng khác: Đình Tiên Đôi, chùa Sùng Quang, chùa Vân Long... Đền Bì là một trong những di tích có giá trị tiêu biểu về văn hoá vật thể và phi vật thể.

Làng Tử Đội có Tiến sĩ Trần Doãn Đàn là người thông minh, học giỏi, ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân tại khoa thi Tân Mùi (năm 1511) thời Lê, đứng hàng thứ 9 khi mới 37 tuổi. Sau khoa thi ông được bổ làm Tá trị công thần, sau được sung làm Thượng thư Bộ Hình, khi về già được ban thực ấp 12 mẫu ruộng ở quê hương. Đến đời Lê Trung Hưng, vua Lê Thế Tông xét phong công trạng của các triều thần cũ lại sắc phong mỹ tự, thần hiệu cho ông là: Đương Cảnh thành hoàng Tả thị vệ Đàn hoa phái hầu, tước hiển ứng Đại vương, nhân dân lập miếu thờ phụng, đến nay vẫn còn di tích: Trần Doãn tộc

2. Tên gọi di tích

Đền Bì thuộc thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đền Bì còn có tên gọi khác tên gọi này phân biệt với đền Canh Sơn do vị trí địa lý của các đền nằm trên thượng nguồn và hạ lưu của sông Văn Úc.

 

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ - ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH

1. Địa điểm phân bố

Đền Bì hiện nay thuộc làng văn hóa Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đền nằm trên diện tích 1.344 m2,

Phía Đông di tích giáp: Đất canh tác trồng lúa của nhân dân trong xã,

Phía Tây di tích giáp: Đất canh tác trồng lúa của nhân dân trong xã,

Phía Nam di tích giáp: Đường liên thôn,

Phía Bắc di tích giáp: Đầm Bì và cánh đồng lúa.

2. Đường đến di tích

Đường đến di tích Đền Bì có thể đi theo 2 hướng:

Hướng thứ nhất: Từ trung tâm thành phố Hải Phòng đi 15 km theo hướng Phà Khuể đến thị trấn Tiên Lãng theo trục đường liên xã (đường Mới) 10 km rẽ trái đến UBND xã đoàn Lập, từ UBND xã theo đường liên thôn 3 km đến làng văn hoá Tử Đôi. Đền Bì nằm cách cổng làng văn hoá Tử Đôi 50 m về phía Tây.

Hướng thứ 2: Từ trung tâm thành phố theo đường 10 khoảng 15 km đến địa phận huyện Tiên Lãng. Từ đường 10 rẽ trái đi khoảng 5 km đến UBND xã Đoàn Lập, từ UBND xã theo đường liên thôn 3 km đến làng văn hoá Tử Đôi. Đền Bì nằm cách cổng làng văn hoá Tử Đôi 50m về phía Tây.

III. SỰ KIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐƯỢC THỜ

Theo bản Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1924) hiện còn lưu giữ ở Đền Bì viết: “Từ trước xã Tử Đôi, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An đã thờ vị thần được tặng là Dực Bảo Trung hưng linh phù Đương cảnh thành hoàng Bạt Hải Long Vương tôn thần, nay được gia tặng là Hoằng hợp Thượng đẳng thần, đặc chuẩn cho nhân dân địa phương phụng thờ để ghi phúc nước và làm rạng rỡ điển lệ thờ cúng”

Theo dòng chữ khắc trên bài vị thờ tại hậu cung của đền viết: “Đương cảnh thành hoàng Bạt Hải Long Vương chi thần vị”.

Căn cứ tài liệu "Ngọc phả cổ lục: Tiền Lê Đại Hành vương công thần nhất vị Đại vương" (Ngọc phả về vị Đại vương thời Tiền Lê, triều vua Lê Đại Hành)3 do Đông các Đại học sĩ Hàn lâm Lễ viện thần Nguyễn Bính soạn vào ngày lành tháng Giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (năm 1572), Nội các thần Bộ Lại sao lại vào ngày lành tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (năm 1740) thì vị thần Bạt Hải Long Vương thờ ở Đền Bì là một vị võ tướng thời Tiền Lê dưới , triều vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn).

Thần tích viết: Ông huý tên là Hải người ở thành Long Biên (nay là Hà Nội). Mẹ ông là người họ Đào tên là Nàng Phương. Sinh thời Nàng Phương là một cô gái đẹp, có dung nhan cá lặn chim sa, hoa cười nguyệt thẹn... Một hôm Nàng ra bến Nhị Hà (sông Hồng) tắm thì bỗng nhiên có một con thuồng luồng đến cuốn quanh người, nàng sợ hãi bỏ chạy về nhà, từ đó mang thai, đến ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thìn (?) thì sinh hạ được một người con trai diện mạo khác thường, hình dung khôi ngô tuấn tú “mày Nghiêu, mát Thuấn, lưng Vũ, vai Thang” lúc sinh có một dám mây sắc tía ở trên nóc nhà ngưng tụ ba ngày sau mới tan. Lớn lên, ông là người học giỏi, thông minh đĩnh ngộ khác thường có tài thao lược, văn võ song toàn lại là người đức độ.

Khi mới lập quốc, vua Lê Đại Hành có chiếu chỉ lệnh cho các châu huyện tiến cử người hiền tài ra giúp nước. Ông được cử ra ứng thí và với tài thao lược và đức độ của mình ông được nhà vua trọng dụng phong làm Đô chỉ huy sứ đại tướng quân.

Niên hiệu Thái Bình (năm 981), nhà Tống âm mưu xâm lược nước ta, Đại tướng là Hầu Nhân Bảo, Phó tướng Khâm Kỳ đem 20 vạn quân thuỷ bộ sang xâm lấn nước ta. Thế giặc rất mạnh. Vua Lê Hoàn họp quần thần, tiến cử ông đem quân chống giặc. Ông được nhà vua phong là Tiết chế Đại tướng quân, kiêm cả thuỷ bộ, đem quân đi chặn giặc. Trước khi đi, vua Lê Đại Hành tin đích thân làm bài thơ để khích lệ tinh thần quân sĩ:

Nguyên âm: “Ngự chế lao thi”

“Tam quân lẫm liệt xuất trùng quan

Vạn lý tinh kỳ, vạn lý an

Công dĩ hồng mao khinh tử mệnh

Sư quân nhất tiết mạc từ nan.”

Tạm dịch: Bài thơ vua ban

“Ba quân lẫm liệt đến trùng quan

Muôn dặm tinh kỳ muôn dặm yên

Công tựa hồng mao coi thường sống chết

Thờ vua một dạ chẳng từ nan”.

Ông đem quân đi trước chặn giữ những nơi hiểm yếu, gây thanh thế ba trung quân và phòng thủ biên cương. Một hôm, ông đến làng Tử Đôi, huyện Tiên Minh, Phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiễn Lãng, Thành phố Hải Phòng) quan sát thấy đây là chốn phong thuỷ hữu tình, thế đất rồng chầu hổ phục, núi không cao, nước không sâu. Ông bèn cho lập một đồn binh giả để dùng vào việc chống quân Tống, trai tráng tham gia tòng quân rất đông. Khi Quân Tống theo đường biển tiến vào cửa An Bang, Ông đem quân ra chống cự. Trận đầu tiên thắng lợi, chém nhiều giặc, bắt sống tướng giặc Hầu Nhân Bảo, Triệu Phụng Huân, thu khí giới nhiều vô kể...

Thắng trận khải hoàn, ông đưa quân trở về kinh sư, nhà vua mở hội lớn gia phong cho quân sĩ, ban cho ông thực ấp ở trấn Hải Dương. Khi ông mãn nhiệm đã trở về quê sinh sống cùng nhân dân. Ông còn dạy dân trồng lúa tốt, mở mang giáo hoá trong vùng...

Khi ông mất nhân dân biết ơn ông lập đền hương khói thờ phụng.

IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH

Căn cứ Điều 28 Luật Di sản văn hoá, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về phân loại di tích lịch sử văn hoá; Nghị định số 98/2010/NĐ - CP ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa về phân loại di tích lịch sử văn hoá thì Đền Bì thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thuộc loại hình di tích lịch sử văn hoá.

V. KHẢO TẢ DI TÍCH VÀ SINH HOẠT LỄ HỘI

1. Khảo tả di tích

Đền Bì hiện nay là một kiến trúc chữ Đinh ( J ), gồm một toà Bái đường và Hậu cung. Đền nằm trên gò đất cao của thôn Tử Đôi, có tên gọi là gò Bì hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Phía trước Đền có một đầm nước gọi là Đầm Bì rộng lớn đổ nước ra sông Văn Úc. Đầm nước này là nơi cung cấp nước chính cho sản xuất nông nghiệp của vùng. Phía sau đền là nơi nhân dân quần cư đông đúc.

Theo các tài liệu hiện còn lưu trữ tại đền Bì thì ban đầu vị trí Đền Bì đổi hiện nay là một gò đất cao ráo của xã Tử Đôi, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Khi vị tướng nhà Tiền Lê hành quân qua vùng này thấy có đổi đất cao ráo đã ra lệnh cho quân sĩ đóng đồn binh ở đây dùng vào việc quân cơ. Sau khi ông được ban thực ấp ở vùng đất này, nhân một lần về thăm, các phụ lão trong làng đã xin ông sau này khi ông mất thì được lập đền thờ kính công ở tại nơi này.

Đền ban đầu chỉ là một miếu thờ được dựng bằng gỗ, lợp lá và bài trí thờ tự đơn sơ. Đến thời Hậu Lê (XVII – XVIII), được tu sửa lại bằng đá (căn cứ vào di vật, cổ vật có niên đại thời Hậu Lê tại đền), kiến trúc thời điểm này là một ngôi đền đá. Theo một số cụ cao niên thì trước khi bị thực dân Pháp phá hủy năm 1953, Đền Bì có nhiều phần kiến trúc đá: cột đá, voi đá, bát hương đá, nhang án đá... Bố cục như sau: Ngoài cùng là khoảng sân rộng thờ voi đá đồng thời là nơi đặt nhang án đá, tiếp theo là một tam quan cũng dựng bằng đá, cổng chính giữa cao 2,5 m (nay vẫn còn cột đá), hai cổng hai bên thấp hơn. Qua tam quan đá là nhang án đá đặt đồ thờ tự, tiếp sau nhang án đá là một bệ đá cao, trên bệ đá đặt Long đình đá, phía trong Long đình đá có đặt bài vị để thờ thần. Trải qua thời gian đền bị xuống cấp. Đến đầu thời Nguyễn, đền được dựng thêm một kiến trúc bằng gỗ phía sau long đình đá, nhân dân đã đưa thêm bài vị gỗ khắc tên hiệu thần và một số đồ tế khí vào thờ (kiếm gỗ). Kiến trúc này có dạng chữ Đinh với quy mô nhỏ kiểu tường hồi bít đốc. Đợt tu sửa này diễn ra vào khoảng giữa thế kỷ XIX và đã được ghi lại trên bia đá. Tuy nhiên, tấm bia đá này và những phần kiến trúc đá đã bị thực dân Pháp phá hủy vào những năm 1953 - 1954 để ngăn chặn hoạt động của lực lượng dân quân du kích.

Vị trí Đền Bì hiện nay nằm theo trục liên thôn của xã, Đền gồm các hạng mục: cổng tam quan, bình phong, sân đền, tiền cung (Đại bái), hậu cung. Tam quan là một dạng kiến trúc cổng làng cổ xưa được dựng lại vào năm 1997, cổng gồm hai trụ biểu có mái đỡ. Trên trụ biểu có ghi đôi câu đối:

Bá thổ Tử Đôi phường uy tập

Sở trang thánh đức tối linh từ

Tạm dịch:

Đất thôn Tử Đôi tốt nên nhiều vùng đến ở

Nơi đây có ngôi đền thờ Đức Thánh rất linh thiêng.

Bước vào trong là khoảng sân rộng lát gạch. Trên sân bố trí các phần kiến trúc theo đối xứng từ trục thần đạo sang hai bên: phía ngoài cùng là hai ông voi đá chầu vào đền. Ông voi được tạo từ đá nguyên khối. Voi quỳ trên bệ đá giật cấp trong tư thế buông vòi, thủ phục hướng vào đền. Tiếp theo voi đá là hai nhang án đá song song. Nhang án đá có hình khối, dài 100 cm, rộng 40cm, cao 60 cm, gồm 3 phần: đế, thân nhang án và mặt nhang án. Trên thân nhang án, ở trung tâm có trang trí hoa văn, do lâu ngày lớp hoa văn này bị mờ nhưng vẫn có thể nhận ra những lớp hoa văn cúc dây trang trí trong bố cục vòng tròn, hai góc thân nhang án cũng được trang trí hoa cúc dây nở mãn khai hướng về trung tâm.

Ở chính giữa của sân và là trung tâm của di tích là hai trụ đá đối xứng. Mỗi trụ cao 2,5 m gồm 3 phần: Đế trụ hình lồng giành, cao 40 cm; Thân trụ cao 1,5 m, vuông cạnh 25 cm và đỉnh trụ có hình trụ hoa sen nở hướng lên. Trên thân trụ ở mặt tiền có ghi câu đối bằng chữ Hán nói đến nguồn gốc xuất xứ và ý nghĩa tâm linh của ngôi đền:

Phiên âm:

Sinh tiền thử địa đồn binh sở,

Hóa hậu dư linh đảo vũ từ.

Tạm dịch:

Thời trước lúc (ngài) còn sống, đây là nơi đóng đồn binh để đánh giặc

Sau khi (ngài) mất, đây là ngôi đền cầu mưa rất linh thiêng

Hai bên mặt cột cũng ghi chữ Hán, tuy nhiên do lâu ngày một số chữ đã bị mờ, không đọc được. Ở mặt ngoài có ghi:

“Lê triều linh tích ... hoàng điển

Thuỷ trạch cộng chiêm thánh hoá lưu”

Tạm dịch:

Dấu tích linh thiêng dưới triều Lê còn ghi mãi trong sách thờ tự

Nguồn nước dồi dào tuôn chảy do ơn của đức thánh ban cho.

Riêng ở mặt hậu của trụ bên phải chỉ khắc một vế đối, không khắc ở trụ đối xứng:

“... hạt tướng truyền cửu ngũ hiển hiệu”.

Chính giữa hai cột đá là nhang án đá, nhang án ở đây đá giống với các nhang án đá trong di tích nhưng đây là nhang án trung tâm, phía trên đặt một bát hương đá (đường kính 30 cm, cao 25 cm). Nhang án đá có chạm nổi chủ đề “lưỡng long chầu nhật”.

Qua khoảng hiên là bước vào Đại bái. Đại bái là tòa nhà xây bằng vữa với 3 gian, mái vòm cuốn. Đây là kiến trúc do nhân dân phục dựng lại vào năm 1995 theo lối tường hồi bít đốc, lợp ngói. Sau tòa Đại bái là Hậu cung, Hậu cung là một gian thờ. Ở trung tâm Hậu cung là nơi đặt ngai thờ thần, trước ngai đặt bài vị thần, trên bài vị ghi dòng chữ: “Đương cảnh thành hoàng Bạt Hải Long Vương chi thần vị”, hai bên đặt hai thanh kiếm gỗ. Các di vật trên đều có niên đại vào thời Nguyễn. Phía trước bài vị thần là nhang án. Trên tiết thi nhang án có bệ đặt thần tượng. Thần tượng có oai phong của một vị võ tướng, mắt mở to, hai tay đặt trên gối, ngồi trên bệ thờ. Thần tượng do nhân dân mới Tây Đô công đức khi khôi phục lại đền năm 1995. Trên nhang án đặt một mâm bồng ở chính giữa, phía trước mâm bồng là bát hương, đối xứng hai bên là chân nến và đài nước. Phía dưới thấp hơn là một ban thờ nhỏ, trên đặt bát hương và một mâm bồng, hai bên đặt ống hương và hai chân nến.

2. Lễ hội đến Bì

Theo những ghi chép trong thần tích, Đền Bì có 2 ngày lễ lớn trong một năm: Ngày thần sinh là ngày 15 tháng 2, ngày thần hóa là ngày 15 tháng 11. Cả hai ngày này, nhân dân sắp sửa lễ vật để tế thần: Lễ ban trên có lễ chay (cau trầu, xôi oản, hương hoa trà quả) và ban dưới là lễ mặn (trâu, lợn). 

Ban hành lễ thường là các cụ cao niên trong làng tổ chức, nơi hành lễ diễn ra ngay sân đền. Trong ngày lễ có lý trưởng tham dự. Lễ vào ngày thần sinh thì có ca hát (ca trù, trầu văn), lễ ngày thần hóa thì cấm mọi trò ca hát. Nhân dân trong vùng có việc vào đền cầu xin thần phù trợ thì lễ tự phát...

Do làng Tử Đôi có đình nên mọi sinh hoạt lễ hội diễn ra chủ yếu ở đình, đền là nơi hành lễ thần và thực hiện lễ cầu mưa đồng thời tổ chức đua thuyền.

Đền Bì là một trong 5 đền thiêng của Tiên Lãng "Ngũ Linh Từ" gồm: Đền Canh Sơn (xã Đoàn Lập), Đền Để Xuyên (xã Đại Thắng), Đền Để Sơn, Đền Gắm (Toàn Thắng), Đền Bì (Đoàn Lập). Nhân gian cũng có câu: "Thứ nhất đền Bì, thứ nhì Đền Gắm" để nói đến sự linh thiêng của di tích.

Đền Bì là là trung tâm của lễ hội cầu mưa của nhân dân trong vùng. Từ thực tiễn quan sát tại địa phương dân gian đã đúc kết:

“Lụt lạo thì tháo cống đôi

Trời làm hạn hán thì bơi Đầm Bì”

Xưa kia, mỗi khi trời hạn thì nhân dân tiến hành làm lễ cầu mưa (đảo vũ) ở đền thường vào tháng 4,  Âm lịch. Để chuẩn bị cho lễ đảo vũ, mỗi làng trong xã tiến hành rước long ngai, bài vị từ đình Để Xuyên, đền Hà, đền Gắm, Đền Canh Sơn, đình Cựu Đôi về Đền Bì làm lễ tế. Thời Phong kiến, đây là một lễ hội lớn cấp huyện nên trong Ban hành lễ ngoài các cụ cao niên trong làng còn có Quan Chánh tổng hoặc phó chánh tổng, lý trưởng của các xã cũng tham dự. Lễ tế cầu mưa diễn ra trong thời gian 7 ngày. Nếu trời không mưa, lại tiếp tục mở cửa đền tế lễ thần lần thứ hai, lần thứ ba. Trời vẫn không mưa thì Ban hành lễ tổ chức hội thi bơi thuyền trên Đầm Bì giữa các làng trong hàng Tổng. đội tuy Trên mỗi thuyền bơi đều có cắm cờ màu để phân biệt: Thôn Xuân Lai dùng cờ đen, thôn Tỉnh Lạc dùng cờ vàng, thôn Hộ Từ dùng cờ đỏ.... Khoảng cách đường đua xuất phát từ Đền Bì và đích đến là Cầu Đầm. Đội thuyền nào tới Cầu Đầm trước là thắng cuộc. Thuyền thắng cuộc được thưởng 1 lá cờ, một vuông vải. Nhân dân địa phương cho rằng: trong thời gian cầu đảo ở đền Bì, thế nào trời cũng đổ mưa.

Hiện nay hội đua thuyền vẫn được tổ chức nhưng lịch tổ chức có thay đổi vào ngày 2 tháng 9 hàng năm (ngày Quốc khánh) do Uỷ ban nhân dân xã Đoàn Lập đứng ra tổ chức. Lễ hội cầu mưa đền Bì thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia.

VI. GIÁ TRỊ KHOA HỌC LỊCH SỬ - KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT

Đền Bì là di tích đã tồn tại từ bao đời nay nhưng gần đây chúng ta mới phát hiện được đây là một ngôi đền thờ một vị võ tướng có công đánh giặc Tống xâm lược dưới thời vua Lê Đại Hành (thế kỷ X). Tuy không rõ chính danh của vị tướng này (chỉ biết tên húy là Hải) nhưng so sánh giữa thần tích tại di tích và những sự kiện lưu trong chính sử (Việt sử lược: Lê Hoàn đại phá Đất đai Tống. Nxb Văn Sử Địa. 1960), gạt bỏ những yếu tố hoang đường, ta thấy có những điểm thống nhất:

Thứ nhất: Thời điểm vua Lê Đại Hành xuất binh đánh quân Tống xâm lược trùng với thời điểm ghi trong thần tích, tên các viên tướng soái xâm lược đều trùng hợp:

"Lúc ấy là khoảng niên hiệu Thái Bình nhà Tống sai Đại tướng là bọn Hầu Nhân Bảo, Khâm Kỳ, Triệu Phụng Huân đem 20 vạn quân thủy bộ sang xâm lấn nước ta, thế giặc rất lớn, ngoài biên cương đưa thư về cấp báo" (Ngọc phả).

"Đầu năm 981, vua nhà Tống phát quân sang đánh Đại Cồ Việt, cử các tướng Hầu Nhân Bảo, Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn cầm quân chia hai đường thủy bộ. Cánh bộ binh đi theo ngả Lạng Sơn còn thủy binh thì tiến vào sông Bạch Đằng để hội quân ở khu vực Lục Đầu Giang" (Việt sử lược: Lê Hoàn đại phá Tống. Nxb Văn Sử Địa N. 1960, trang 55).

Thứ hai: Trong thần tích và chính sử đều viết đến sự kiện vua (Lê Hoàn) thân chinh đem quân đi đánh giặc, cử bộ tướng đi tiền trạm, đóng đồn để chuẩn bị cho thủy chiến tại vùng cửa sông Bạch Đằng:

"Nhà vua họp quần thần bàn mưu chống giặc Tống, chia quân sĩ thành cơ ngũ, phong ông làm Tiết chế Đại tướng quân kiêm quân thủy bộ đem quân đi trước tuần tra chặn giữ những nơi xung yếu. Còn nhà vua thì tuyển chọn tướng tài thân chinh đem quân đi sau tiếp viện" (Ngọc phả).

"Mùa xuân tháng Ba (năm 981), quân của Hầu Nhân Bảo đến Ngân Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trùng đến sông Bạch Đằng, vua tự làm tướng đi chống Tống, sai người cắm cọc ngăn sông. Tại sông Bạch Đằng, thủy quân Tống bị quân Đại Cồ Việt chặn đánh, những chiến thuyền Tống cũng bị thủng bởi những chiếc cọc sông dày dặc cho dù rất mạnh về thế trận. Vì thế quân Tống không thể tiến sâu vào nội địa được. Thủy quân Tống thất bại. Tôn Toàn Hưng dừng quân hơn 70 ngày, chần chừ không dám tiến. Hầu Nhân Bảo thì hiếu chiến hơn, tự đem quân tiến theo sông Thương. Khi quân Hầu Nhân Bảo kéo đến Chi Lăng, Lê Hoàn giả vờ xin hằng để đánh lừa Nhân Bảo rồi phục binh đổ ra đánh dữ dội. Số quân địch hơn phần nửa bị tiêu diệt" (Việt sử lược: Lê Hoàn đại phá Tống. Nxb Văn Sử Địa N. 1960, trang 56)

Thứ 3: Thần tích và chính sử đều nhắc đến chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Lê Hoàn và sự thất bại của quân Tống:

"Theo lệnh vua ông hành quân đi. Đến đại phận thôn Tử Đôi ông bèn truyền lệnh cho quân sĩ và dân chúng lập đồn giả để chống Tống. Phụ lão và nhân dân đều muốn xin làm gia thần thủy thủ. Ngày hôm sau thấy sứ gỉa đem chiếu thư của nhà vua đến sai ông đi đánh giặc. Ông vâng lệnh đem quân đi đánh. Một trận đầu chúng bị thua to, chém được chánh tướng, bắt được khí giới ngựa xe nhiều vô kể lại bắt sống được bọn Triệu Phụng Huân... (Ngọc phả).

"Sau hai trận thắng lớn Bạch Đằng, Tây Kết, quân Lê giết được Hầu Nhân Bảo, bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân. Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực, Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn cũng vội vàng rút chạy về nước. Lê Hoàn đã không thực hiện được trận mai phục bằng sự kết hợp giữa phục binh và trận địa cọc ngầm vì chiến sự lúc này diễn ra không được mau lẹ, thuận lợi như trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh Nam Hán" (Việt sử lược: Lê Hoàn đại phá Tống. Nxb Văn Sử Địa N. 1960, trang 56).

Đền Bì là di tích thờ người có công với nước, với dân, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", biết ơn những anh hùng có công đánh giặc cứu nước trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Khi còn sống ông là tướng đánh giặc, khi từ quan về quê, ông cho khai khẩn ruộng hoang, dạy dân trồng lúa phát triển kinh tế nông nghiệp cũng vì đó mà ông được dân gian thờ phụng từ xa xưa, trong tâm linh ông là một vị thần phù trợ cho sản xuất nông nghiệp. Ông còn cho mở mang dân trí, giáo hóa nhân dân thuần theo đức thiện... lập công đức nên được nhân dân tôn vinh.

Đền Bì là một trong "Ngũ linh từ" trên đất Tiên Lãng. Từ xa xưa, đền Bì đã đi sâu vào tâm thức nhân dân không chỉ là nơi tờ một vị võ tướng oai linh có công trong chiến trận đánh đuổi ngoại xâm mà với huyền thoại xuất thân là dòng thủy thần (thuồng luồng) nên đã sản sinh ra lễ hội cầu mưa ở đây. Lễ hội cầu mưa đền Bì (đảo vũ) là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, tiêu biểu của cư dân nông nghiệp trên vùng đất này.

Đền Bì là một di tích cổ còn giữ được hệ thống một số di vật bằng đá có niên đại sớm vào thế kỷ XVII - XVIII: Voi đá, nhang án đá, bát hương đá, cột đá... Đây là những di vật quý, ít gặp trên vùng đất Hải Phòng. Đền lại nằm trong không gian cảnh quan của một miền quê thuần nông đã mang lại nhiều giá trị tinh thần cho nhân dân và là nơi thư thái tâm hồn cho mỗi ai vãn cảnh về vùng đất này.

VII. HIỆN TRẠNG DI TÍCH

Đền Bì hiện nay là một kiến trúc dựng lại vào năm 1995 bằng chất liệu gạch vữa, xi măng lợp ngói vảy. Một số cấu kiện kiến trúc cũ đã được nhân dân tận dụng trong đợt tu sửa nhưng lại bố trí lại sai lệch so với nguyên bản của di tích trước khi bị thực dân Pháp phá huỷ. Đền có kiểu kiến trúc chữ Đinh, do thời gian phục dựng đã lâu, chất liệu gỗ không tốt nên nhiều cấu kiện kiến trúc vì kèo đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bộ phận bị mối mọt xông gây hư hại, vữa vôi bong tróc... Các đồ tế khí trong đền bài trí không đúng vị trí thờ tự: Gian Hậu cung vừa đặt bài vị thờ thần, vừa đặt tượng thần, bài vị không đặt trên ngai thờ theo truyền thống mà đặt riêng rẽ... Bên ngoài, phần bờ nóc đền đã bị mọc rêu xanh phủ, nhiều thực vật ký sinh trên các phần kiến trúc của đền.

XIII. PHƯƠNG ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Bảo tồn giá trị di vật, cổ vật: Đền Bì còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị gắn với nguồn gốc xuất xứ của một vị võ tướng: Voi đá, các cột đá, nhang án đá... có niên đại sớm cách ngày nay 300 - 400 năm. Đây là một trong những di vật có giá trị tiêu biểu về một thời kỳ trong lịch sử dân tộc. Nhưng do thời gian, các di vật này đã bị bào mòn, hư hại, nhiều chỗ bị bong, nứt, vỡ. Vì vậy cần có biện pháp khoanh vùng bảo vệ các di vật, cổ vật này. Thực hiện phục chế các bản sắc phong có liên quan đến di tích để bảo quản lâu dài. Bài trí lại các đồ thờ tự trong đền cho phù hợp: Vị trí của bài vị, các thanh gươm, tượng thần...

Bảo tồn môi trường cảnh quan: Đền Bì nằm trong không gian cảnh quan thanh của làng quê thuần nông với đặc trưng là cánh đồng lúa và đầm nước trước Đền (Đàm Bì). Để phát huy giá trị của di tích cần đảm bảo vệ sinh môi trường nói chung và đầm nước nói riêng, giữ nguyên môi trường cảnh quan thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái, sinh hoạt lễ hội...

Phục dựng di tích: Kiến trúc Đền Bì nguyên bản đã bị thực dân Pháp phá hủy vào khoảng năm 1953. Hiện nay đền được phục dựng vào năm 1995, đến nay nhiều phần đã bị hư hại. Kiến trúc này phục dựng trên cơ sở tự phát của nhân dân, có nhiều yếu tố pha tạp (mái cuốn vòm kiểu Gô-tích). Vì vậy cần có những nghiên cứu đầy đủ để thực hiện phục dựng lại di tích phù hợp với nguồn gốc lịch sử và dấu tích nguyên bản của di tích trên cơ sở quy hoạch xây Đôi khi dựng cho toàn khu di tích.

Phát huy giá trị di tích: Theo quan niệm dân gian, Đền Bì là một trong "Ngũ linh từ" (5 đền thiêng) của huyện Tiên Lãng. Đây là nơi xuất phát của lễ hội cầu mưa (đảo vũ) trong đó có hội bơi Đầm Bì, một di sản văn hóa truyền thống có giá trị được đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia, hưởng ứng. Việc khôi phục giá trị di tích, khôi phục giá trị nguyên bản của hội bơi đầm Bì gắn với phát triển du lịch và dịch vụ nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trên cơ sở nghiên cứu các di tích tín ngưỡng có quan: Đền Bì, Đền Canh Sơn, Đình Tử Đôi, Trần tộc đường.... gắn với các di tích trong huyện để xây dựng tuyến tham quan du lịch, hình thành tuyến du lịch tâm linh.

IX. CĂN CỨ PHÁP LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Căn cứ Luật Di sản văn hoá nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 28/2001/QH10 được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X, ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, số 32/2009/QH12 được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, ngày 18 thái riêng tháng 6 năm 2009 về bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá; 

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ - CP ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa về khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá;

Căn cứ Đơn đề nghị ngày 14/10/2010 của nhân dân thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng về việc xếp hạng di tích Đền Bì

Căn cứ Tờ trình số 01/Tr-UBND ngày 04/1/2011 của Uỷ ban nhân dân xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng về việc đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá Đền Bì, thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng;

Căn cứ Công văn số 32/UBND-VHTT ngày 17/01/2011 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng về việc đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá Đền Bì xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng;

Căn cứ Đạc hoạ và Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích do các đơn vị chức năng tham gia cam kết bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá Đền Bì, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Xét giá trị về lịch sử, văn hoá, mỹ thuật... hàm chứa tại di tích, Bảo tàng Hải Phòng lập Hồ sơ khoa học di tích Đền Bì báo cáo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Uỷ ban nhân dân thành phố xét, quyết định xếp hạng di tích Đền Bì là di tích lịch sử văn hóa.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke