ĐÀN THIỆN PHƯƠNG LƯU, PHƯỜNG ĐÔNG HẢI 1, QUẬN HẢI AN

24 10 2023

in trang

Phường Đông Hải 1 là một trong những nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa với những dấu ấn tín ngưỡng, kiến trúc độc đáo tiêu biểu. Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố Đàn Thiện Phương Lưu là một trong những nơi linh thiêng đó.


Phường Đông Hải 1 là một trong những nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa với những dấu ấn tín ngưỡng, kiến trúc độc đáo tiêu biểu. Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố Đàn Thiện Phương Lưu là một trong những nơi linh thiêng đó.

Đàn Thiện Phương Lưu là công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian cổ truyền được nhân dân địa phương trùng tu khôi phục lại vào thời Bảo Đại. Theo các tư liệu địa chí và qua nghiên cứu đánh giá Đàn Thiện là một trong những loại hình di tích khá đặc biệt, có duy nhất tại Hải Phòng bởi nội dung và ‎ý nghĩa thờ tự tại di tích rất độc đáo, có nguồn gốc hình thành từ cuối thế kỷ 13 và phát triển mạnh ở thế kỷ 17. Đàn Thiện còn có tên chữ là “Khuyến Thiện Dụ Đàn” nghĩa là “Nơi làm Đàn để khuyên dăn mọi người làm việc thiện”. Tương truyền Đàn Thiện xây dựng từ đời nhà Trần, được trùng tu tôn tạo ở thế kỷ 20. Đàn Thiện toạ lạc trên một khu đất rộng, được thiết kế kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc. Phía trước là hồ nước nơi hội tụ linh khí của trời đất, điều hòa âm dương. Giữa hồ có đặt tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát từ bi hỷ xả, cứu độ chúng sinh. Nối tiếp dọc kiến trúc là toà bài đường, thiêu hương, nhà dải vũ và hậu cung. Tòa tiền đường được thiết kế theo kiểu kiến trúc chồng diêm, mái trên thu nhỏ, mái dưới xòe ra khoảng cách giữa hai tầng mái  được trang trí đắp nổi các khung cảnh dân gian, sông, núi, làng mạc và các hoạt động đời thường của con người nói lên tại nơi linh thiêng này mọi người không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, ngành, nghề, tuổi tác, có nguyện vọng đều đến đây để chiêm bái. Bờ lóc mái đắp nổi các hình tượng rồng, phượng, nghê, hổ phù … mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thể hiện sự uy nghi, linh thiêng trong thiên học.

 

Chính cung của Đàn Thiện đặt thần tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế  là vị chủ tối cao của cõi trời, phán xét công lý dưới trần gian. Hai bên là tượng Nam Tào tay cầm sổ sinh ghi điều thiện, Bắc Đẩu tay cầm sổ tử ghi điều ác nhằm nhắc nhở, khuyên dăn mọi người sống phải ngay thẳng, thật thà, làm việc thiện, để không bị trừng phạt.

Tiếp đó là Ban thờ Phật Thích Ca Mâu Ni sơ sinh đứng trên đài hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất lúc mới sinh ra. Hiện thân Đức phật là mang đậm tư tưởng và hành động cứu nhân độ thế, cứu giúp chúng sinh, từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn.

Tầng thứ ba là Tượng thờ Đức Thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Ngài đã 3 lần đánh thắng giặc Mông Nguyên trên sông Bạch Đằng vào thế kỷ 13. Với đức độ, tài năng của Đức Thánh Trần bao trùm thiên hạ, đã đem lại một đức tin cho nhân dân Đức Thánh sẽ đem lại hòa bình, tự do, hạnh phúc, mạnh khoẻ cho muôn dân.

Tiếp đó là ban thờ Thánh Mẫu được nhân dân và các triều đại phong kiến tấn phong là Mẫu nghi thiên hạ. Là hiện thân của người mẹ Việt Nam, bao dung nhưng nghiêm khắc, đức độ khoan dung, uy linh cao cả mà gần gũi. Đức Thánh Mẫu vừa hiện thân là nhân, là thần, là phật. Mẫu là người mẹ cao cả, từ bi nhân hậu, che chở, hết lòng, hết sức vì tương lai.

Từ các nội dung thờ tự tại Đàn Thiện ta thấy được đây là nơi hội tụ linh khí trời đất và kết tinh của 3 dòng đạo: là đạo Phật, đạo Thánh và đạo Mẫu. Tương truyền từ trước đến nay hàng năm địa phương và nhân dân vẫn giữ nguyên truyền thống của ông cha vào dịp cuối xuân, đầu hè lại lập đàn để tế cáo trời đất, thỉnh phật, thỉnh thánh về chứng giám, nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hoà, nhân khang, vật thịnh, nhà nhà phồn vinh, người người mạnh khỏe, hạnh phúc. Như ý nghĩa của đôi câu đối đặt tại chính cung:

“Vũ thuận phong điều, hoà diệu khí

Dân an, quốc thái hữu thần công”

Nghĩa là:

“Gió thuận mưa hoà nhờ diệu khí

Dân an nước thịnh có công thần”

Cùng với các nghi thức tế lễ, thờ tự được nhân dân giữ gìn đến ngày nay. Trước đây tại Đàn Thiện còn có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian rất độc đáo chỉ có tại Đàn Thiện đó là Thánh giáng bút ban đơn thuốc chữa bệnh cứu dân tại cửa Thánh, đây cũng là nguyên nhân trước đây nhân dân tại khu vực Phương Lưu và các vùng lân cận thường đến để xin đơn thuốc chữa bệnh nhiều bệnh đã được chữa khỏi. Hiện nay di tích vẫn còn lưu giữ được cuốn sách thuốc có niên đại trên 300 năm nay và bộ thẻ ban đơn thuốc.

Cùng với việc lưu giữ tín ngưỡng thờ tự dân gian độc đáo, đặc sắc Đàn thiện Phương Lưu còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị lịch sử, nghệ thuật như tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Đức thánh Trần. Bộ tượng Thánh Mẫu, các bức đại tự, câu đối, long khám, lư hương, nhang án, chuông đồng, kiệu bát cống…

Với những giá trị đó ngày 08/10/2009 Đàn Thiện Phương Lưu được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Thành phố.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke