CHÙA VĨNH KHÁNH TẠI ĐỊA BÀN THÔN ÚC GIÁN, XÃ THUẬN THIÊN, HUYỆN KIẾN THỤY

18 06 2024

in trang

Chùa Vĩnh Khánh nằm trên địa bàn thôn Úc Gián, xã Thuận Thiên. Chùa mang tên chữ là Vĩnh Khánh tự.

     Chùa có nguồn gốc khởi dựng từ thời Mạc thế kỷ 16. Niên đại này được phản ánh qua tấm bia đá làm theo kiểu thạch đài trụ, tạo vào năm Chính Hòa thứ 21, đời vua Lê Thần Tông, năm 1701. Bia này đã ghi chép về việc người làng Úc Gián, Xuân Vũ (Xuân Úc) đóng góp công của để trùng tu lại chùa Vĩnh Khánh. Ngoài ra một số bia đá đã mờ hoặc gây, vỡ nằm rải rác quanh chùa mang phong cách thời Hậu Lê thế kỷ 17 cũng đã cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc khởi dựng từ những thế kỷ trước của ngôi chùa.

     Hiện tại chùa Vĩnh Khánh xây quay theo hướng nam (hướng bát nhã của đạo Phật) với mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống với 5 gian tòa tiền đường và 3 gian Phật điện. Bộ khung làm bằng gỗ lim, kết cấu đơn giản, ít thể hiện các trang trí điêu khắc hoa văn. Trong chùa có đầy đủ các pho tượng Phật như Tam thế, Adiđà, Ngọc hoàng thượng đế, tượng Hộ pháp...Nơi đây hiện còn lưu giữ được quả chuông đồng đúc năm 1841 thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng thứ 21.

     Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Vĩnh Khánh là một trong những cơ sở tôn giáo có nhiều đóng góp rất tích cực. Giai đoạn từ những năm đầu của thế kỷ 20 đến cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều tổ chức quần chúng yêu nước, đặc biệt là các cụ đồ nho ở trong làng đã tập hợp nhân dân luyện tập võ nghệ chuẩn bị đánh Pháp. đứng đầu là cụ Nguyễn Văn Bồ, Nguyễn Đình Húc, Nguyễn Thị Dung. Sau bị lộ, nhiều người đã bị Pháp bắt, tù đày. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Vĩnh Khánh là nơi tổ chức phong trào "diệt giặc dốt", góp phần xóa mù chữ cho thanh niên trong vùng. Sau những ngày sôi nổi của khí thế Kim Sơn kháng Nhật và giành chính quyền về tay nhân dân, chùa Vĩnh Khánh đã trở thành nơi thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với rất nhiều cuộc hội họp, mít tinh, huấn luyện vũ trang của lực lượng tự vệ trong xã. Giai đoạn từ năm 1948 đến năm 1953, chùa Vĩnh Khánh là một địa điểm bí mật, nơi ẩn nấp, đi về của cán bộ kháng chiến và đã được nhà chùa nuôi dưỡng, che chở. Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử người làng Úc Gián đã từng tham gia công tác trong thời gian này cho biết: "Chùa Vĩnh Khánh là cơ sở đặc biệt tin cậy của Ban tình báo mặt trận C (lúc bấy giờ bao gồm Cầu Rào, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Kiến An, An Dương, người phụ trách là ông Mạc Kiên). Cơ sở này được xây dựng và trở lên đặc biệt tin cậy vì tổ tình báo ở đây có sự tham gia khá đông của người xã Thuận Thiên. Nhà sư Đàm Thanh Tỵ và vợ chồng người sãi mõ Nguyễn Văn Đảm đã che giấu, nuôi dưỡng, canh gác bảo vệ cán bộ trong thời gian hoạt động tại chùa cho đến tận năm 1953. Do vậy, cơ sở kháng chiến của xã Thuận Thiên vẫn đứng vững cho đến ngày kháng chiến thắng lợi. Là một ngôi chùa có nguồn gốc khởi dựng thời nhà Mạc, chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa và Phật giáo. Với những đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Vĩnh Khánh thôn Úc Gián, xã Thuận Thiên đã được xếp hạng là Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố

 

Admin

Thong ke