CHÙA TRÀ PHƯƠNG, XÃ THỤY HƯƠNG, HUYỆN KIẾN THUỴ
05 03 2024
in trangChùa cổ Trà Phương và hai pho tượng bảo vật quốc gia thời Mạc Chùa thuộc làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Chùa có tên chữ là Thiên Phúc tự. Trải qua hơn 400 năm tồn tại, chùa Trà Phương nhiều lần trùng tu, tôn tạo theo những thăng trầm của lịch sử dân tộc và sự thịnh suy của đạo Phật Việt Nam.
Ngôi cổ tự của hoàng gia nhà Mạc; Chùa Trà Phương còn có tên khác là chùa Bà Đanh, tương truyền được khởi dựng dưới thời Lý (1010-1225), qua dấu tích một số di vật đá còn sót lại trong khuôn viên hiện nay của chùa, đặc biệt có 3 chiếc chân tảng bằng đá xanh, chạm hình cánh sen. Trước đây, chùa cổ được xây trên gò đất cao, cách ngôi chùa ngày nay khoảng 200m về phía Nam.
Chùa Trà Phương; Hiện tại mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Kiến trúc chính bố cục theo lối chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Cổng chùa “nhất môn” mang dáng dấp một lầu hai tầng, tiếp đến là nhà bia. Hai bên thành bậc nhà bia có đôi sấu đá điêu khắc theo lối tượng tròn, một sản phẩm của nền nghệ thuật triều Mạc (thế kỷ 16).
Nhân dân địa phương truyền tụng rằng, một lần, vua Mạc Thái Tổ lúc còn trẻ bị một số người xấu tìm cách sát hại, nhờ ẩn nấp trong chùa mà thoát nạn. Khi vương triều Mạc được xác lập (1527), Mạc Thái Tổ nhớ ơn cứu mạng, ban chiếu trùng tu, mở rộng chùa và đổi tên là chùa Thiên Phúc. Thiên Phúc tự hậu Phật bi ký đã cung cấp thêm: Bà Vũ Thị Ngọc Toàn, hiệu là Thanh Tịnh, người làng Trà Phương khi trở thành Hoàng hậu nhà Mạc, đã ra lệnh cho viên thái giám chuyên lo việc dịch chuyển, xây cất lại ngôi chùa ở vị trí hiện nay. Ngạn ngữ địa phương lưu truyền câu: “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” để chỉ về mối quan hệ giữa vua Mạc Thái Tổ và bà Vũ Thị Ngọc Toàn người làng Trà Phương.
Sau đó, chùa nhiều lần được dâng cúng tiền, khuyên tai, ruộng đất bởi Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng với nhiều vương công, quý tử như bia đá Tu tạo Bà Đanh tự chi bi dựng ngày 26.8, năm Thuần Phúc sơ niên (năm 1565) cho biết: Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng với 25 thân vương, công chúa, quận công và dân làng Trà Phương đóng góp hưng công xây dựng lại chùa. Ngày 8.10 nhuận năm Bính Dần (năm 1566), “Thái hoàng Thái hậu có ruộng của bản điện được cấp và mua mới tất cả là 1 mẫu 9 sào cúng vào chùa Bà Đanh làm của Tam Bảo”.
Tại chùa còn lưu giữ một tấm bia đá khác, “Tạo Thiên Phúc tự bi”, bia 2 mặt gồm 52 dòng, khoảng 2.200 chữ, dựng ngày 10.11 năm Tân Dậu (1561), “Thái hoàng Thái hậu có ruộng được phân và ruộng mới mua (gồm khoảng 23 mẫu 2 sào 2 thước) cúng tiến vào chùa Thiên Phúc làm của Tam bảo”. Rồi ngày 18.4 năm Quang Bảo thứ 9 (1563), mặt sau bia cho biết, có một đợt cúng tiến ruộng đất nữa gồm 26 mẫu 1 sào 2 thước “cúng vào chùa Thiên Phúc làm vật Tam bảo. Cho bản xã cày cấy để tiện đèn nhang thờ cúng”. Ngày ấy, chùa có quy mô rộng lớn, nhiều tòa ngang dãy dọc, tiếng chuông chùa vang xa trăm dặm, túi đồ muôn phương tấp nập tìm về.
Sang thời Lê Trung Hưng, chùa Trà Phương, cùng số phận với bao công trình tiêu biểu của nhà Mạc trên đất Dương Kinh, bị đập phá san bằng. Từ đống đổ nát, nhân dân địa phương kêu gọi những tấm lòng “hằng tâm hằng sản” tái tạo lại ngôi chùa ngày một khang trang.
Hai bảo vật quốc gia nơi chùa làng; Mặc dù biến cố lịch sử, biến cố của thời gian đã làm hư hại, thất tán hoặc vùi lấp các công trình kiến trúc, điêu khắc của chùa cổ Trà Phương, nhưng những gì còn tồn tại hôm nay lại là những báu vật quý. Hiện, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật thời Mạc, đặc biệt là pho tượng Mạc Thái Tổ và phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Cả hai pho tượng đều có niên đại từ thế kỷ XVI, trong đó, tượng Mạc Thái Tổ (dân địa phương gọi là tượng ông Bất năng nhẫn) được làm từ chất liệu đá vôi, có chiều cao 63cm, ngang 37cm, được tạo tác theo phong cách tượng tròn với dạng thức kiểu tượng hậu, ngồi trong thế nhập thiền, tĩnh tại. Tượng có khuôn mặt trái xoan, mắt tròn to, mũi phồng, đầu mũi khá to, miệng nhỏ hơi mím, tai to, cằm nhọn.
Tổng thể tượng thể hiện người luống tuổi, quyền thế, hoàng gia. Đầu đội vương miện, chính giữa vành mũ đỉnh trán chạm nổi hình chim sẻ đầu lộn ngược. Mặc dù tượng không ghi niên đại cụ thể, nhưng so sánh với phong cách tạo tượng và nghệ thuật chạm khắc rồng của tượng Vương ở chùa Đại Trà (xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) hoàn thành năm Diên Thành sơ niên (năm 1578) và tượng Vương ở chùa Phúc Hải (xã Đa Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) năm Diên Thành thứ 6 (năm 1583), có thể khẳng định tượng Mạc Thái Tổ có niên đại thời Mạc.
Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, tạc năm 1551, được làm từ chất liệu đá vôi, được khắc chìm trong mặt bia, cao 76cm. Phù điêu được tạc hõm sâu vào một khối đá, tư thế ngồi thiền, vẻ mặt trầm lắng. Tượng có mặt tròn, thon gọn, phúc hậu, lông mày lá liễu, mắt phượng, mũi thấp. Đầu tượng để tóc bối, bổ ngôi và sơn đen. Mô típ ở trán, diềm và bộ đỡ bia mang phong cách thời Mạc rõ nét.
Ngoài 2 bảo vật quốc gia, chùa Trà Phương hiện nay còn gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật thời Lý, thời Mạc. Trên cao và sâu nhất của tòa Phật Điện, là nơi ngự của hàng tượng Tam Thế, gọi tên đầy đủ là “Thường trụ Tam Thế diệu pháp thân“, đại diện cho thế giới Phật ở ba đời, quá khứ, hiện tại và tương lai. Bên cạnh bộ Tam Thế, chùa Trà Phương còn có một số tượng pháp mang tính “kinh điển” của nhà Phật như bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và Tòa Cửu Long, hai bên có Phạm Thiên, Đế Thích mang hình bóng của vị hoàng đế xưa, tượng đức A Nan Đà tôn giả, một đại độ tử của Đức Thế Tôn (tức Đức Phật), đầu đội mũ thất Phật.
Với những giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, chùa Trà Phương là một điểm đến hấp dẫn để du khách du xuân.
Admin