CHÙA MỸ CỤ, XÃ CHÍNH MỸ, HUYỆN THỦY NGUYÊN

08 04 2023

in trang

Là một xã vốn có người Việt Cổ sớm định cư về đây khai sơn phá thạch, san gò lấp trũng lập nên cộng đồng làng xã từ thuở xa xưa, vì vậy đến nay xã Chính Mỹ có một quần thể di tích lịch sử, văn hoá tín ngưỡng đa dạng và phong phú, đã tồn tại và phát triển hàng ngàn năm cùng với sự phát triển làng xã Việt Nam với 5 đình, 5 chùa và nhiều đền, miếu cổ và các cơ sở thờ tự khác. Đặc biệt trong đó có ngôi chùa cổ tên chữ là “Linh Sơn”, có từ đời nhà Đinh (thế kỷ thứ X). Là ngôi chùa đứng vào hàng đầu trong 4 danh lam cổ tự của huyện Thuỷ Nguyên. Chùa Linh Sơn xã Chính Mỹ toạ lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc Mỹ Cát Trang (Mỹ Cụ ngày nay), chùa nằm ở thế đất ngũ linh (Phượng, Long, Quy, Hổ, Tượng). Phía trước chùa bên phải là núi con Hổ, bên trái là núi con Rùa, phía sau là một dải núi đá xanh ôm lấy lưng chùa gọi là dãy rồng xanh, phía trước mặt xa xa là núi Voi (An Lão) phục về chính cửa Tam Bảo.


Theo thần phả và truyền miệng của người xưa thì chùa Linh Sơn in đậm dấu ấn các thời kỳ lịch sử: cổ đại, cận đại và hiện đại. Theo bút ký của Cố đại lão Hoà Thượng Kim Cương Tử nguyên viện trưởng viện nghiên cứu Phật học Việt Nam thì thân mẫu Lê Hoàn đã đến chùa Linh Sơn cầu tự, sinh ra Lê Hoàn - vị vua khai lập Triều Lê.

Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu song vẫn giữ nguyên kiến trúc lúc khởi dựng, vẫn còn lưu lại những đường nét vóc dáng cổ xưa. Cách bố cục được giữ nguyên như cũ, sắp xếp theo thứ tự Thượng - Trung - Hạ. Phía trên là ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Cao, thấp hơn một chút là ngôi nhà Tổ, trước nhà Tổ là Tiền đường và điện phật gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Tượng phật, đồ thờ còn giữ nguyên với hoạ tiết hoa văn thời cổ. Đặc biệt còn giữ được cây Thạch Trụ Đài niên hiệu Chính Hoà (1680-1705) thời vua Lê Hy Tông dựng trước cửa chùa Cao, một quả Chuông đồng ghi niên hiệu “Hoàng Triều Minh Mạng” năm 1836. Đáng chú ý nhất là tượng phật trong Tam Bảo, có pho tượng phật A di đà cao 2,30m, đường kính toà sen 1,40m được bồi đắp trên thân cây gỗ lim mọc tại chỗ. Khuôn viên chùa còn tồn tại một cây Thông với xấp xỉ trên dưới 800 năm tuổi và nhiều tháp cổ rêu phong, điều đó khẳng định rằng chùa Linh Sơn có nhiều đời các bậc cao tăng Trụ trì. Đời Trần Tuệ Trung Thượng Sĩ tức Hưng Ninh Vương Trần Tung một danh tướng tài ba, một nhà thiền học nổi tiếng được tam tổ Thiền phái trúc lâm (Điều Ngự Giác Hoàng, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang) tôn là bậc thầy. Ngài đã mở ấp ở Dưỡng Chân, lập tịnh xá ở đây. Theo di bảo đời Trần năm (1300-1304) Điều Ngự Giác Hoàng, đệ nhất tổ thiền phái trúc lâm yên tử vua Trần Nhân Tông hay qua lại chùa Linh Sơn đàm đạo những vấn đề tiến bộ tôn giáo và phật giáo Việt Nam với Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Mỹ Cụ còn là nơi che giấu những chiến sĩ cách mạng, nơi tổ chức hội họp của các tăng già cứu quốc, cũng tại ngôi chùa này đã có tăng sư Nguyễn Văn Tưởng sớm giác ngộ cách mạng tình nguyện lên đường tòng quân bảo vệ tổ quốc và đã hy sinh. Với cuộc kháng chiến chống Mỹ ngôi chùa Mỹ Cụ lại một lần nữa là nơi ẩn náu của trận địa tên lửa thuộc Sư đoàn 363.

Chùa Mỹ Cụ với vị trí danh lam cổ tự cộng thêm nhiều dấu ấn lịch sử xưa và nay, có ưu thế gần gũi với danh lam Yên Tử Sơn. Về tương lai nếu được cải tạo và nâng cấp chùa để trở thành một Đại Tùng Lâm, một danh thắng du lịch vào hạng tầm cỡ, chắc chắn sẽ mở ra một tiền đề của ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Hải Phòng, Thuỷ Nguyên - Quảng Ninh, Yên Tử nói riêng.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke