CHÙA MÉT, XÃ CỔ AM, HUYỆN VĨNH BẢO - DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA

27 02 2023

in trang

Cổ Am, một trong sáu xã anh hùng của huyện Vĩnh Bảo, không chỉ biết đến bởi một xã có truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, hiếu học, mà còn là nơi quy tụ nhiều di sản văn hóa có giá trị. Nổi tiếng như Chùa Mét, Đình Phần, Miếu Tràng đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

 

Chùa Mét hay còn gọi là Thiên Hương tự nằm tại thôn Lê Lợi. Chùa được xây dựng từ thời Trần (1226 – 1400).

Sự tích về ngôi chùa được kể lại rằng: Chùa do cụ Trần Khắc Trang xây dựng và đặt tên. Khi cụ viên tịch được suy tôn là vị Tổ thứ nhất của chùa.

Theo tộc phả họ Trần ở Cổ Am, năm 1407 sau khi thất bại trong cuộc giao chiến với giặc Minh, vị tướng trong tôn thất nhà Trần là Trần Khắc Trang đã đem gia đình về khu rừng Mét ( Cổ Am) mai danh ẩn tích. Khi ấy khu đất này còn là rừng ngập mặn, cây cối um tùm. Trong thời gian ẩn cư, sinh cơ lập nghiệp ở đây, Trần Khắc Trang đã bỏ tiền, của xây dựng ngôi chùa nhỏ trên đất gia đình ông khai hoang phục hóa, đặt tên Nôm là Chùa Mét, tên chữ là Hương Tản Tự. Đến thời Cảnh Hưng đổi tên là Thiên Hương Tự và trở thành một nơi sầm thịnh, lộng lẫy vàng son với tam quan, tháp cốt trập trùng.

Về tên gọi Chùa Mét còn có chuyện kể lại: Chùa nguyên là nhà thờ của họ Trần do cụ Trần Khắc Trang xây dựng. Ông từng là một vị quan lớn trong triều nên ông đã làm theo kiểu cung đình, sau e mắc tội lộng hành nên xin tượng ở Chùa Mét xã Dũng Tiến về thờ. Vì vậy chùa có tên là chùa Mét.

Chùa trước kia có quy mô khá lớn. Kiến trúc chính kiểu chữ Nhất gồm hai dãy nhà nối tiếp nhau. Tòa phật điện 7 gian, nhà thờ tổ 7 gian. Phía sau kiến trúc chính còn có nhà khách và trai phòng 7 gian, trong đó 3 gian trung tâm làm theo lối “chồng diêm nóc các” rất đẹp, kèm thêm 5 gian nhà kho rộng rãi.

Khuôn viên Chùa Mét chụp từ trên cao (Ảnh: Minh Thông Khổng)

Gác chuông chùa hai tầng sừng sững cao tới 12 mét do cụ Hậu Giai người làng Yên Cố tỉnh Thái Bình công đức xây dựng. Nơi đây một thời là trung tâm của hội Phật giáo toàn vùng, là nơi hàng năm các sư quy tụ về đây ngồi hạ. Trong kháng chiến chống Pháp, năm gian nhà kho bị địch dỡ bỏ lấy vật liệu xây bốt Nam Am, nhà khách và trai phòng bị chúng đốt phá, gác chuông bị triệt bỏ để tiêu thổ kháng chiến.

Trải qua thời gian các công trình xưa cũ của Chùa Mét đều bị mất dạng, những công trình kiến trúc hiện còn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hiện chùa chỉ còn lại tòa Phật điện bảy gian và nhà thờ tổ bảy gian nối liền nhau. Tòa Phật điện có bố cục hình chữ Sơn hiếm thấy trong các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ ở nước ta.

Căn cứ vào những dòng chữ Hán khắc ghi tại câu đầu tòa tiền đường, chùa Mét được trùng tu lớn vào các năm 1853 và 1923. Chùa được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc chắc khỏe. Bờ nóc đắp trơn, giữa bờ nóc tòa Phật điện dựng bức đại tự đắp nổi ba chữ Hán lớn “Thiên Hương Tự”. Mái lợp ngói vảy rồng, rêu phong cổ kính. Phía trước có hiên thấp và hẹp được bó bằng phiến đá xanh mài nhẵn. Hệ thống cánh cửa làm bằng gỗ lim theo lối “cửa tùng cung khách” quen thuộc. Các cấu kiện gỗ chủ yếu bào trơn đóng bén, điểm xuyết các hình lá guột được làm khá tỉ mỉ và trau truốt.

Tại trung tâm phật điện bài trí 5 hàng tượng. Trên cùng là 3 pho Tam Thế, hàng thứ hai là Bộ Di Đà Tam Tôn, tiếp đó là Bộ Thích Ca, sau là tượng Quan Âm Chuẩn Đề, dưới cùng là tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Tất cả đều là những pho tượng đẹp, được trau chuốt tinh xảo, là những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.

Trung tâm Phật điện

Cung bên phải thờ Đức Ông.

Cung thờ Đức Ông

Cung bên trái thờ cụ tổ họ Trần và phu nhân.

Nơi thờ cụ tổ họ Trần và phu nhân

Tại đây, ngoài hệ thống tượng phật còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Đó là hai bức cuốn thư sơn son thiếp vàng, hai bức đại tự, bốn đôi câu đối có niên đại cuối thế kỷ 19; quả chuông đồng lớn đúc năm 1851, bia đá 1875 (thời Tự Đức) và một số cổ vật khác như khám thờ, đỉnh đồng, nhang án...làm di tích càng thêm sầm uất. Nối liền tòa tiền đường là 7 gian nhà tổ.

        

Hai cuốn thư

Tại đây thờ 6 pho tượng, theo truyền ngôn; trong đó có một pho là vị tổ Trần Ôn Sóc, thầy dạy của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các pho có kích thước tương tự nhau, xấp xỉ người thực, được thể hiện trong tư thế ngồi thiền, hai tay đặt trong lòng đùi ở thể ấn tam muội, nét mặt hao hao gầy, mỗi người một vẻ, một độ tuổi khác nhau, tất cả đều trầm tư tự tại.

Vườn chùa trồng nhiều cây ăn quả, cây cổ thụ bốn mùa hoa lá tốt tươi cùng những cây tháp cổ làm tăng thêm vẻ u tịch, tôn nghiêm nơi thờ tự. Bốn ngôi mộ tháp xây bằng gạch, cao xấp xỉ 5 mét. Mái tháp kiểu long đình, đỉnh đắp nụ sen, được làm vào thời Lê với hình thức giống hệt nhau từ chất liệu, kiểu dáng, quy mô. Trong đó có một ngôi tháp chôn Xá Lị sư tổ Trần Khắc Trang. Trên tháp gắn tấm bia đá “Trần Tộc Thế Hệ Ký” soạn năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) giới thiệu khái lược về tiểu sử và gia tộc cụ Trần Khắc Trang

Tháp Trần tộc

Lễ hội của chùa tuân thủ theo các tuần tiết của Phật lịch, ngoài ra còn tổ chức cúng tổ vào ngày mồng 5 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm để kỷ niệm ngày mất của vị sư tổ đã có công xây dựng chùa.

Chùa Mét không chỉ là cơ sở tín ngưỡng đơn thuần, là thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt mà còn là nơi thờ một người có công với dân, với nước, đồng thời là di tích liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo giai thoại Trạng Trình, Thiên Hương Tự là trường học đầu tiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm - danh nhân văn hóa của nước ta vào thế kỷ XVI. Không chỉ thế, vào thời Mạc, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn vận động các bô lão trong làng, phật tử thập phương công đức tiền của trùng tu chùa Mét, dựng cầu Tràng Xuân bằng đá nối liền hai làng Đông Am và Cổ Am để tiện cho nhân dân qua lại. Cây cầu đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc, là nguồn cảm hứng thi ca của nhiều thế hệ danh tài. Nay tuy không còn nữa, nhưng nhịp cầu bằng đá khắc ghi ba chữ “Tràng Xuân Kiều” vẫn được lưu giữ tại khu di tích Đền thờ Trạng Trình.

Năm 1999, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Quyết định công nhận chùa Mét là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Nguồn: UBND huyện Vĩnh Bảo

 

 

Ban Tuyên giáo Thành đoàn

Thong ke