Bác bỏ luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

29 11 2023

in trang

Thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch tiến hành mọi thủ đoạn nhằm xuyên tạc, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc này sẽ góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Sự sụp đổ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX càng làm cho các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, điên cuồng chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin hơn lúc nào hết. Với cách mạng Việt Nam, họ tập trung vào xuyên tạc, phủ nhận việc lựa chọn nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, lớn tiếng cho rằng sự lựa chọn đó là sai lầm trong nhận thức; coi mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là “lầm đường”, “lạc lối”; sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là “toàn quyền”, “toàn trị”, mất dân chủ,... từ đó, họ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Do vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Trước hết, phải nhận diện được thủ pháp của các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Đứng trước một học thuyết khoa học, cách mạng như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch thường tìm cách cài lỗi logíc trong những lập luận để xuyên tạc, phủ nhận thì mới hy vọng đánh lừa được nhận thức nhân dân. Họ thường đánh tráo khái niệm hoặc thêm hay bớt từ ngữ trong các luận điểm của các nhà kinh điển, làm biến dạng nội dung, đưa ra những tiền đề không đầy đủ cho các bước suy luận,… rồi rút ra kết luận xuyên tạc bản chất có chủ đích. V.I. Lênin chỉ rõ: “Vì ngụy biện là một mặt lập luận xuất phát từ một tiền đề không có cơ sở, và được người ta thừa nhận và không phê phán, không suy nghĩ chín chắn,…”1. Đặc biệt, trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận những thủ thuật trong thuật ngụy biện làm cho chúng ta rất khó nhận thấy sự sai trái, phản khoa học và càng khó xác định bản chất phản động ở mặt chính trị. Tinh vi hơn nữa là họ lợi dụng những hiện tượng tiêu cực có tính đơn lẻ trong đời sống xã hội để cường điệu hóa thành cái phổ biến, bản chất. Từ thành tựu cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều đột phá mới, có tác động mạnh mẽ, thậm chí ngoài sức tưởng tượng của con người đối với tăng trưởng kinh tế,... và họ đã lợi dụng điều đó như một “kênh” để xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua những thành tựu ấy họ quảng bá, ca tụng văn minh phương Tây và bôi nhọ chủ nghĩa xã hội, làm lu mờ vấn đề chính trị, xóa nhòa sự khác biệt cơ bản giữa hai hệ tư tưởng tư sản và vô sản. Trong khi chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp cận, luận giải sự phát triển của lịch sử, xã hội có tính tổng hợp cả kinh tế, chính trị và văn hóa,… thì họ lảng tránh, ngụy biện bằng cách tiếp cận có tính đơn tuyến, tuyệt đối hóa phát triển văn minh. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đưa ra quan điểm về suy đến cùng là do lực lượng sản xuất quyết định, thì họ lại cường điệu hóa, biến nó thành nhân tố duy nhất. Họ đi từ xuyên tạc phương pháp tiếp cận đến phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội và kết luận chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao của lịch sử nhân loại. Và coi chủ nghĩa xã hội như một “quái thai” của lịch sử, do chủ quan các nhà kinh điển tạo ra, nên không thể tồn tại trong lịch sử. Từ đó, họ cho rằng mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “lầm đường”, “lạc lối” (!).

Về vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc cũng thường được các thế lực thù địch sử dụng, ngụy biện trong các quan điểm của họ. Nội dung cốt lõi trong tư tưởng các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác là sự xuất hiện, tồn tại giai cấp, đấu tranh giai cấp có tính lịch sử, đặc biệt có nguồn gốc từ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và quan hệ giữa bóc lột với bị bóc lột là chủ yếu. Nhưng họ vẫn tiếp tục lảng tránh, cắt xén nội dung cốt lõi, đồng thời đưa ra tiền đề không cơ bản để làm lu mờ quan hệ bóc lột giai cấp, đó là người lao động hiện nay cũng có cổ phần; cùng tham gia vào sáng tạo và cùng được hưởng lợi nhuận để nhằm xóa nhòa bản chất quan hệ bóc lột giai cấp. Đây chính là sự ngụy biện, che đậy bằng hình thức hết sức tinh vi, đánh lừa nhận thức của nhân dân, bởi giai cấp tư sản dù có bán cổ phần, nhưng không bao giờ bán để trở thành bình đẳng với người lao động, còn người lao động mua cổ phần, nhưng chỉ là phần quá ít ỏi không thể thay thế được địa vị giai cấp. Do vậy, dù toàn cầu hóa về kinh tế đến đâu chăng nữa thì chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, vấn đề giai cấp, cũng như quan hệ bóc lột giai cấp vẫn không thay đổi được bản chất và mâu thuẫn nội tại trong lòng chủ nghĩa tư bản. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển, 2011) chỉ rõ: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là chế độ áp bức, bóc lột và bất công”2.

Từ phân tích trên cho thấy, việc nhận diện, đấu tranh phản bác sự xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin phải đi từ cách tiếp cận có tính tổng hợp đến luận giải tiến trình lịch sử theo tinh thần biện chứng thì mới vạch ra tính chất phản khoa học, phản động của các thế lực thù địch. Nó cũng là cơ sở cho nhận thức đúng những bước quanh co của lịch sử là khó tránh khỏi, đồng thời đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật tất yếu. Đặc biệt, hiểu rõ sự phát triển lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản hiện nay chỉ có thể cứu vãn tình thế trước mắt, còn cả chiều dài lịch sử thì chính nó quyết định mâu thuẫn nội tại mà giai cấp tư sản không thể khắc phục.

Nhận diện, đấu tranh phản bác sự xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa phải vận dụng phương pháp vạch lỗi logíc trong các luận điểm của các thế lực thù địch, vừa phải nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, tình hình thế giới cũng như trong nước liên tục vận động, biến đổi. Do vậy, quan điểm của Đảng cũng phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện và phát triển, nhằm làm sáng rõ hơn bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới. Đó là việc làm hợp quy luật. Tuy nhiên, trong quá trình đó, các thế lực thù địch cũng không ngừng xuyên tạc, phủ nhận, chống phá một cách quyết liệt. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục củng cố lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng để làm tiền đề cho các khâu, các bước tiếp theo, nếu không rất dễ bị dao động trước sự xuyên tạc, phủ nhận trong quá trình đổi mới. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội,... Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa”3. Vì vậy, tiếp tục củng cố lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng là tiền đề, điều kiện quan trọng nhất cho các bước nhận diện, đấu tranh phản bác sự xuyên tạc của các thế lực thù địch hiện nay.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực vào cuối thập niên 80 thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Điều đó cho thấy Đảng ta thật sự là tấm gương sáng về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định. Đó cũng là vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”4. Nhờ đó, qua hơn 35 năm thực hiện mục tiêu bổ sung, phát triển lý luận nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn được giữ vững, vận dụng và phát triển trong thực tiễn. Mặc dù các thế lực thù địch luôn đưa ra các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận bằng các thủ đoạn tinh vi khác nhau, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng ta luôn có sức sống mãnh liệt. Mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ và được khẳng định bằng những thắng lợi trên thực tiễn. Một trong những thành tựu quan trọng nhất được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”5. Cùng với thành tựu to lớn đó, một hệ thống các quan điểm của Đảng ta về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã cơ bản hình thành với tính cách như một “chủ thuyết Việt Nam”. Chủ thuyết này có nhiều cái mới, phản ánh đúng tính quy luật đặc thù phát triển xã hội ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự chống phá của các thế lực thù địch. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời từ nền tảng văn hóa, trí tuệ của nhân loại kết hợp với thiên tài, đạo đức và tình cảm tốt đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động của Mác, Ăngghen và Lênin. Quan hệ giữa trí tuệ nhân loại, giá trị văn hóa loài người với cá nhân các nhà kinh điển được hiểu như biểu hiện của quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần. Sự tác động của hai mặt này như hai quá trình “cá nhân hóa cái xã hội” và “xã hội hóa cái cá nhân” thống nhất với nhau ở mặt tư tưởng, trí tuệ, giá trị văn hóa. Trí tuệ, giá trị văn hóa nhân loại là một nội dung, nền tảng cho các nhà kinh điển thực hiện bước “cá nhân hóa”. Tính quy luật được khái quát bằng lý luận đó ra đời phải diễn ra quá trình “xã hội hóa” để các giá trị văn hóa trong tư tưởng các nhà kinh điển trở thành cái phổ biến trong toàn xã hội. V.I. Lênin chỉ rõ: “Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra,… Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số kiến thức mà loài người đã tích lũy được”6.

Quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” với tính cách là phong trào quần chúng (phong trào văn hóa) rộng lớn và cũng bao hàm tính chất của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng khó khăn, phức tạp. Do vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần đẩy lùi sự xuyên tạc, chống  phá của các thế lực thù địch hiện nay. Bởi, họ triệt để lợi dụng xu thế giao lưu, hội nhập để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh qua con đường văn hóa nghệ thuật. Cùng với nó là tàn tích tâm lý, thói quen lạc hậu của xã hội cũ trong mỗi con người còn rất nặng nề, khó khắc phục. Vì thế, chứng minh, luận giải tính chất đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải mang tính chất của một phong trào quần chúng, phong trào văn hóa rộng lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ có sức thuyết phục rất cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong công cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”7.

Nhận diện thủ pháp xuyên tạc của các thế lực thù địch với nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận và thực hiện các bước “xã hội hóa - văn hóa hóa” bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn trong tính chỉnh thể, thống nhất. Sự vận dụng có tính linh hoạt, sáng tạo các mặt trên sẽ tạo nền tảng tinh thần xã hội vững chắc cho củng cố xã hội Việt Nam thật sự là một cơ thể cường tráng, miễn dịch với các “vi rút” độc hại xâm nhập vào đời sống tinh thần xã hội. Chỉ như thế thì mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mới được hiện thực hóa một cách sinh động; đồng thời, khẳng định bản chất khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Admin

Thong ke